AI sẽ giúp ngăn chặn hoạt động rửa tiền hiệu quả hơn
AI là trợ thủ đắc lực
Trong bối cảnh các mối hiểm họa từ hoạt động rửa tiền leo thang, các ngân hàng bắt đầu có sự cân nhắc lại về phương pháp quản trị tội phạm tài chính. Đây là lý do phải cần tới một chiến lược và kế hoạch ứng phó đồng nhất, toàn diện và có hệ thống. Các ngân hàng được trang bị công nghệ chủ động, có khả năng dự đoán được rủi ro và linh hoạt sẽ thành công trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền và đồng thời đáp ứng được nhu cầu tuân thủ của họ.
Ông Timothy Choon - Trưởng bộ phận Tội phạm tài chính của Công ty phần mềm phân tích toàn cầu FICO tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết, để nhìn sâu rộng hơn về phương pháp quản trị tội phạm tài chính và tuân thủ luật phòng chống rửa tiền, FICO đã ủy thác cho The Asian Banker tiến hành một cuộc khảo sát với 256 giám đốc điều hành các ngân hàng từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Việt Nam, Australia, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan.
Ứng dụng AI trong phòng chống rửa tiền ở các quốc gia |
Qua cuộc khảo sát của FICO, một số ngân hàng trong khu vực cho biết rằng, hệ thống phòng chống tội phạm tài chính và chống rửa tiền quy tắc cũ với hệ thống tuân thủ chống rửa tiền (AML) đã không theo kịp mức độ tinh vi của tội phạm ngày nay. Hệ thống phòng chống theo nguyên tắc cũ đã có từ hàng thập kỷ qua. 20% số ngân hàng được khảo sát cho biết đây là trở ngại chính của họ trong việc đáp ứng các mục tiêu giảm thiểu rủi ro tội phạm tài chính.
Đặc biệt, tội phạm tài chính trên các kênh trực tuyến/di động và/hoặc ứng dụng vẫn rất đáng lo ngại. Một nửa số người tham gia khảo sát tin rằng hệ thống hiện có của họ chưa đạt được đến cấp độ tích hợp đủ để quản trị tội phạm tài chính một cách toàn diện.
Vì vậy “đã có một số ngân hàng áp dụng sớm đang bắt đầu bước vào thế giới mới của AI, vận hành công nghệ AI tiên tiến song song với các hệ thống phòng chống dựa trên quy tắc cũ”, ông Timothy Choon cho biết. Qua cuộc khảo sát của FICO, các ngân hàng tại châu Á- Thái Bình Dương cho rằng việc ứng dụng AI vào việc cải thiện quy trình phòng, chống rửa tiền là đầy hứa hẹn.
Rất đáng lưu ý là 95% các ngân hàng Việt Nam tin rằng AI sẽ tăng cường các nỗ lực chống rửa tiền, và AI sẽ giúp ngăn chặn hoạt động rửa tiền hiệu quả hơn. Theo lãnh đạo các ngân hàng, các hệ thống tích hợp AI có thể đem lại khả năng xác định, nhận diện và ưu tiên các cảnh báo, giúp hỗ trợ đưa ra quyết định nhanh chóng khi quản trị tội phạm tài chính, qua đó cải thiện năng suất. Hơn nữa, việc tự động hóa các tác vụ thủ công, sàng lọc hồ sơ khách hàng hiện tại và quy tắc kinh doanh, cũng như lường trước rủi ro dựa vào lịch sử dữ liệu trên hệ thống làm tăng hiệu quả và tính ứng dụng cho các ngân hàng. Ngoài ra, việc dự đoán và lường trước rủi ro thông qua hoạt động giám sát, phân tích và dự đoán rủi ro liên tục dựa trên Học máy (ML) và AI giúp cải thiện khả năng quản trị rủi ro.
Chủ động về công nghệ
Khảo sát tuân thủ AML tích hợp của FICO cho biết, trong công tác phòng chống rửa tiền và tội phạm tài chính, theo 50% các ngân hàng cho biết tốc độ phản ứng với các mối đe dọa mới là rất quan trọng, và 33% các ngân hàng cho biết “khả năng phát hiện chính xác” và việc đạt được tỷ lệ phát hiện cao sẽ hạn chế khả năng hoàn thành mục tiêu kiểm soát rủi ro tội phạm tài chính của ngân hàng.
Cùng với đó, 40% các giám đốc ngân hàng cho rằng việc hoàn thiện quy trình tích hợp dữ liệu có thể hỗ trợ ngân hàng trong việc phòng chống tội phạm tài chính; 16% các giám đốc cho rằng các quy trình kinh doanh và hệ thống điều tra mới là câu trả lời đúng; 52% các giám đốc còn lại đánh giá chất lượng dữ liệu trong công nghệ tuân thủ là yếu tố hàng đầu.
Theo thông tin từ ông Timothy Choon, ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế này do đại dịch Covid-19 gây ra thì các ngân hàng không cắt giảm kinh phí phòng chống rửa tiền và tội phạm tài chính… Và mức độ sẵn sàng chống tội phạm còn tăng lên.
Phần lớn các ngân hàng (93%) trên khắp châu Á - Thái Bình Dương có khả năng tiếp tục chi tiêu cho công nghệ phục vụ việc nâng cấp hoặc tăng cường hệ thống tuân thủ của họ. Tại Việt Nam, 96% ngân hàng cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ trong năm tới và 27% có kế hoạch để tăng đáng kể khoản đầu tư này vào năm 2021.
Tổng mức đầu tư vào công nghệ của các ngân hàng ở châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng vào năm 2021. 49% số ngân hàng được hỏi cho biết ngân sách sẽ tăng, với 34% dự kiến ngân sách đầu tư cho công nghệ sẽ tăng đáng kể.