Áp lực nợ xấu gia tăng
Ngân hàng kiên cường trước đại dịch COVID-19 | |
Luật hóa xử lý nợ xấu: Đảm bảo dòng vốn thông suốt | |
Giảm áp lực nợ xấu để đồng hành cùng doanh nghiệp |
Theo báo cáo công bố ngày 24/8/2021, Word Bank cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng đã khiến nhiều doanh nghiệp ở các thành phố lớn và một số khu công nghiệp phải đóng cửa phòng dịch. Vì vậy cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần cảnh giác với rủi ro gia tăng ở khu vực tài chính, cụ thể là quan tâm đến nợ xấu. World Bank cho rằng, mặc dù tín dụng ngân hàng mới hoặc được tái cơ cấu cung cấp hỗ trợ đáng hoan nghênh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng cũng góp phần chuyển giao rủi ro từ khu vực kinh tế thực sang khu vực tài chính.
Báo cáo tài chính đã công bố của gần 30 NHTM cũng cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng tăng 4,51% trong 6 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt tỷ lệ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tại một số ngân hàng gần đây tăng nhanh.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, nợ xấu cũ vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Theo báo cáo của các TCTD gửi tới NHNN, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 tính đến ngày 31/12/2020 là 440,4 nghìn tỷ đồng, giảm 4,29% so với cuối năm 2019. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2020 các TCTD đã xử lý được 331,87 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Đến thời điểm này, toàn hệ thống vẫn còn khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu, chiếm hơn 42% tổng dư nợ xác định theo Nghị quyết số 42.
Trong khi đó, việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn còn nhiều vướng mắc và nghị quyết này cũng sắp sửa hết hiệu lực thi hành.
Về nợ xấu trong tương lai, trao đổi với phóng viên về các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh tế gia đình thì dư nợ vào khoảng gần 2 triệu tỷ đồng.
Hiện các TCTD tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 03. Không những thế, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng, theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01, NHNN còn dự kiến mở rộng phạm vi và kéo dài thời hạn áp dụng cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Như vậy số dư nợ được cơ cấu lại sẽ không dừng ở con số 2 triệu tỷ đồng. Với hậu quả khó lường của Covid-19, chắc chắn sẽ có không ít các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ chuyển thành nợ xấu trong tương lai.
Rõ ràng, nguy cơ nợ xấu của các TCTD tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới là hiện hữu. Các chuyên gia dự báo, với diễn biến dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, mục tiêu giữ tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ở mức dưới 3% như kế hoạch đặt ra hồi đầu năm là rất khó.
Không những thế, về lâu dài Word Bank cho rằng, việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng, vì vậy cần được theo dõi chặt chẽ.
Do đó, cơ quan quản lý cần sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng, vì điều này có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, cũng cần có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.
“Đây là lúc cần thông qua một kế hoạch giải quyết nợ xấu và xây dựng cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn Basel II”, báo cáo của World Bank nhấn mạnh.