Ba nguồn vốn hợp lại chống hạn, mặn
Hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL | |
Chung tay chống hạn mặn và dịch Covid-19 | |
Ngành Ngân hàng hỗ trợ 15 tỷ đồng cho 5 tỉnh bị hạn hán, xâm nhập mặn |
Cấp tốc đầu tư gần 50 công trình, dự án
Để cấp bách triển khai Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã được chỉ đạo lập tức bố trí ngân sách Nhà nước để triển khai ngay 5 “đại dự án” chống hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm: Dự án cống Âu Thuyền - Ninh Quới; Dự án 3 cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh (thuộc địa bàn các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu); Dự án Trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang); Dự án nạo vét Kênh Mây Phốp – Ngã Hậu và Dự án xây dựng 18 cống thủy lợi tại Bắc Bến Tre. Kinh phí để thực hiện các dự án này ước khoảng trên 2.500 tỷ đồng.
Ngoài các dự án trên do Bộ NN-PTNT trực tiếp chỉ đạo đầu tư, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, hiện nay đã có 5 tỉnh, thành (gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau) đã được Chính phủ đồng ý bố trí mỗi tỉnh 70 tỷ đồng để triển khai ngay các dự án, công trình ngăn mặn cấp bách.
Nhiều địa phương đang tập trung kinh phí lớn đầu tư cho các công trình phòng chống hạn, mặn |
Tại Bến Tre, UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với các chủ đầu tư Dự án Quản lý nước Bến Tre (sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, với tổng mức đầu tư gần 6.200 tỷ đồng) để thúc đẩy tiến độ, hoàn thiện nhanh 8 cống ngăn mặn và một trạm bơm lớn tại địa bàn các huyện phía bắc Bến Tre. Chính quyền tỉnh cũng đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí khoảng 200 tỷ đồng nhằm đầu tư các hồ chứa nước ngọt và khoảng 850 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục còn lại của hệ thống đê ven sông chưa được khép kín.
Tại các địa phương khác như Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, hiện mỗi tỉnh cũng đã lập kế hoạch chi 120-200 tỷ đồng ngân sách địa phương cho các công trình thủy lợi và các cống ngăn mặn tại các địa bàn giáp biển. Mỗi tỉnh cũng đã gửi kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí từ 200-500 tỷ đồng để đầu tư hệ thống hồ chứa nước ngọt, cấp cứu khẩn cấp cho cây ăn quả và hoa màu của người dân.
Vốn quốc tế tích cực nhập cuộc
Ngoài nguồn vốn ngân sách từ Trung ương và các địa phương, từ đầu năm 2020 đến nay nhiều tổ chức tài chính quốc tế cũng đã tích cực hỗ trợ kinh phí để triển khai các chương trình, dự án phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Cụ thể, giữa tháng 3 vừa qua, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) của Liên Hợp quốc đã phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 30,2 triệu USD để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Mỗi tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa dự kiến sẽ được bố trí khoảng 5-6 triệu USD để hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện nguồn nước và sinh kế cho người dân.
Trước đó, tại khu vực miền Trung, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã phê duyệt khoản vay ODA gần 100 triệu USD để tỉnh Quảng Bình triển khai ngay dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng liên tục làm việc với các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa và Ninh Thuận để thúc đẩy tiến độ các tiểu phần trong Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải do đơn vị này tài trợ vốn vay với tổng mức vay 273 triệu USD.
Ngoài ra, theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, mới đây Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (thuộc Bộ NN-PTNT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cũng đã chính thức ký thỏa thuận về hỗ trợ hạn mặn cho các tỉnh chịu ảnh hưởng ở ĐBSCL. Theo đó, phía UNDP trao gói hỗ trợ 185.000 USD từ Quỹ Khẩn cấp toàn cầu để hỗ trợ 13 tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ ứng phó với hạn, mặn. Tổ chức này cũng đã tài trợ 300 bồn trữ nước cho các hộ dân tại Bến Tre và Cà Mau. Hiện Liên Minh châu Âu (EU) cũng đã viện trợ nhân đạo cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 60.000 EUR (tương đương khoảng 1,5 tỷ đồng) để hỗ trợ trực tiếp cho 24.000 người tại những tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Riêng ở góc độ ngân hàng, do hiện nay đồng thời phải hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động hỗ trợ tín dụng khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn được các TCTD linh hoạt lồng ghép trong các chương trình ưu đãi lãi vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay bị thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh theo Nghị định 55/2015, Nghị định 116/2018 của Chính phủ và Thông tư 01/2020 của NHNN.
Ngoài việc hỗ trợ giảm lãi suất vay mới và gia hạn trả nợ các khoản nợ cũ, trong thời gian vừa qua, các TCTD trên địa bàn cả nước cũng đã tài trợ gần 140 tỷ đồng để ủng hộ các địa phương phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị thiệt hại do hạn, mặn. Hiện các NHTM lớn như Agribank, VietinBank vẫn đang duy trì cấp tín dụng cho các dự án lớn của ngành điện nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn. Trong khi đó, để triển khai Quyết định số 1552/2015 của NHNN (về tăng trưởng tín dụng xanh) nhiều TCTD vẫn đang tập trung tài trợ vốn khá lớn cho các dự án chống biến đổi khí hậu. Một số NHTM (chẳng hạn HDBank, OCB) mới đây cũng đã đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất với hạn mức từ 1.000-2.000 tỷ đồng để tiếp sức cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn vì hạn mặn ở ĐBSCL.
Không chỉ vậy, mới đây Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Lễ phát động đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng đóng góp 15 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn tại 5 tỉnh ĐBSCL. Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, đây là việc làm cần thiết, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên, người lao động và các TCTD trong ngành Ngân hàng đối với xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện chương trình “Chung tay, ấm lòng” của ngành Ngân hàng.
15 tỷ đồng sẽ được dùng để mua sắm các hiện vật (3 tỷ/tỉnh): gồm 1.500 phuy nhựa 300 lít và lắp đặt 15 máy lọc nước mặn cho đồng bào 5 tỉnh (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau) bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Chương trình này sẽ hỗ trợ được khoảng trên 20.000 dân cư đang sinh sống tại vùng nhập mặn của 5 tỉnh ĐBSCL.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), đến giữa tháng 3/2020, diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung và Tây Nam bộ đã vượt qua mức kỷ lục của mùa khô năm 2015-2016. Xâm nhập mặn đã tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 71/137 đơn vị cấp huyện, thị xã trực thuộc khu vực ĐBSCL. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu trong tháng 3/2020 đã thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm và thấp hơn 5-20% so với đỉnh điểm mùa khô 2015-2016. Tình trạng hạn, mặn cũng đã lan đến các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các hồ thủy lợi tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đang thiếu hụt khoảng 10-30% dung tích nước. Các hồ từ Đà Nẵng vào Bình Thuận cạn kiệt hơn, có nơi thiếu hụt đến 50% lượng nước dự trữ và ngày càng diễn biến xấu hơn do khô hạn kéo dài. |