Chung tay chống hạn mặn và dịch Covid-19
Tình hình dịch Covid 19, và hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến hết sức phức tạp, ngành Ngân hàng nói chung và người lao động nói riêng đang chịu ảnh hưởng như thế nào thưa ông?
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và hạn mặn tại 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngành Ngân hàng quyết liệt cùng toàn Đảng, toàn dân triển khai mạnh mẽ đến các cấp công đoàn trong Ngành đồng hành cùng người lao động triển khai các biện pháp quyết liệt cùng người lao động phòng, chống dịch.
Các cấp công đoàn trong Ngành đã chỉ đạo các cấp công đoàn, tổ công đoàn, các công đoàn trực thuộc trong toàn Ngành và báo cáo chuyên môn, hỗ trợ trang cấp cho người lao động những công cụ thiết yếu để phòng chống dịch.
Riêng đối với ngành Ngân hàng, có một số lưu ý đặc biệt là một số đoàn viên lao động phải tiếp xúc thường xuyên với khách hàng, đặc biệt là cán bộ giao dịch, cán bộ tín dụng, các cán bộ thẻ, dịch vụ thanh toán… điều này đòi hỏi công tác phòng chống dịch bệnh phải được nâng cao hơn.
Cùng với phòng chống dịch bệnh thì tình hình ngập mặn tại 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng diễn biến hết sức phức tạp. Đây là vùng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất lương thực cho cả nước. Với tình hình ngập mặn đang diễn ra khá quyết liệt, có những tỉnh ngập mặn vào sâu tới hơn 100 km. Điều này khiến bà con gặp khó khăn với nước sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam |
Thưa ông, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ như thế nào với người dân, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long?
Cho đến nay, các cấp công đoàn trong ngành Ngân hàng hiện đã chỉ đạo hết sức ráo riết, quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh. Bên chuyên môn cũng hỗ trợ hết sức tích cực. Các phòng giao dịch của ngân hàng hiện nay đều có các công cụ phòng dịch như nước sát khuẩn, khẩu trang y tế, thiết bị đo nhiệt độ… tại các nơi công cộng, trong phòng giao dịch… cũng đều có khuyến cáo và hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 đặt tại nơi dễ nhìn. Cả khách hàng và cán bộ ngân hàng đều được khuyến cáo thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang; khi có biểu hiện ho, sốt phải báo ngay với cơ quan y tế để theo dõi, cách ly.
Với tình trạng ngập mặn diễn biến phức tạp và trước tình hình khó khăn do thiếu nước sinh hoạt của đồng bào 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngay trong ngày 18/3/2020, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã có cuộc họp khẩn phát động đoàn viên công đoàn trong toàn hệ thống dành một ngày lương thực hiện để ủng hộ cho Covid-19 và 5 tỉnh ngập mặn. Và trong ngày 23/3/2020 tới đây chúng tôi sẽ tổ chức một Hội nghị triển khai tháo gỡ khó khăn về cấp tín dụng, dịch vụ ngân hàng… tại Cần Thơ.
Tại đây, chúng tôi sẽ tổ chức trao cho 5 tỉnh bị ngập mặn nặng 15 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để mua sắm các hiện vật (3 tỷ đồng/tỉnh), gồm: 1.500 phuy nhựa 300 lít và lắp đặt 15 máy lọc nước mặn cho đồng bào 5 tỉnh (Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau) bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Các thiết bị này sẽ được lắp ở vị trí xung yếu, thuận tiện cho bà con lấy nước. Dự kiến chương trình này sẽ hỗ trợ được khoảng trên 20.000 dân cư đang sinh sống tại vùng bị xâm nhập mặn của 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Những năm qua Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã làm tốt công tác an sinh xã hội đối với thiên tai, dịch bệnh. Ông có thể chia sẻ thêm về những việc mà Công đoàn Ngân hàng Việt Nam dự kiến sẽ làm trong đợt ủng hộ lớn này?
Trong thời gian tới, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tiếp tục quán triệt, phổ biến tới toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong Ngành những khó khăn, vướng mắc trong phòng chống dịch. Đồng thời yêu cầu toàn thể cán bộ công nhân viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng chấp hành nghiêm túc những chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Bộ Y tế… đồng thời chúng tôi sẽ yêu cầu công đoàn các cấp ủng hộ, đóng góp bằng một phần nguồn thu nhập của mình để hỗ trợ cho phòng chống dịch và 5 tỉnh ngập mặn.
Cùng với đó, người lao động phải kiên định hơn, bình tĩnh hơn. Phấn đấu làm tốt nhất công việc của mình để hỗ trợ tháo gỡ đồng hành cùng các doanh nghiệp bằng những việc làm thiết thực như giãn nợ, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất… để cùng các doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19, tạo công ăn việc làm, đóng góp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cũng tích cực triển khai các đợt thi đua ngắn ngày trong năm để người lao động hăng say làm việc lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước của ngành Ngân hàng lần thứ VIII và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ngoài việc ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và phòng chống ngập măn tại thời điểm này, công đoàn các cấp vẫn thực hiện các chương trình an sinh xã hội mà Công đoàn Ngân hàng Việt Nam hàng năm vẫn thực hiện như đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em hay hỗ trợ những thiên tai địch họa khác khi có phát sinh…
Sau mỗi một đợt phát động người lao động quyên góp, ủng hộ, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đều tổng kết những hoạt động đã làm, đưa lên các phương tiện truyền thông để người lao động thấy được thành quả đóng góp của mình. Thấm thía hơn nữa sức mạnh tổng hợp của người lao động trong toàn Ngành cũng như trách nhiệm của mỗi đoàn viên đối với xã hội. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam chỉ là đầu mối chia sẻ sức mạnh tổng hợp ấy với với xã hội, chia sẻ những tấm lòng thơm thảo của người lao động trong toàn ngành đối với xã hội, đối với những nơi còn nhiều khó khăn chẳng may gặp thiên tai, dịch bệnh…
Đây là niềm vui và cũng là truyền thống lá lành đùm lá rách trong nhiều năm qua của ngành Ngân hàng. Đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất của dịch Covid-19 và hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Cảm ơn ông!