Bán hàng online tồn tại nhờ chữ tín
Vui buồn buôn bán online | |
Tối ưu chi phí marketing cho các shop bán hàng online |
Các nhà bán lẻ đang tận dụng tối đa vai trò của mua sắm trực tuyến khi công nghệ đang ngày càng phát triển. Ngoài những địa chỉ chuyên bán hàng trực tuyến, còn hàng loạt nhà bán lẻ nổi tiếng như Nguyễn Kim, Co.op mart, Thế giới Di động… đều có trang web bán hàng trực tuyến, có tất cả các mặt hàng tiêu dùng cần thiết.
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, một bộ phận người tiêu dùng vẫn e dè với mua hàng trực tuyến bởi tính rủi ro cao với hàng giả, hàng kém chất lượng. Chính vì vậy các thương hiệu mạnh có uy tín vẫn là chọn lựa hàng đầu của người tiêu dùng.
Và giờ đây, kênh bán hàng qua mạng muốn thay đổi quan niệm này, đang ngày càng tăng về chất lượng và chủng loại hàng hóa, tăng mạnh khuyến mại, giảm giá bán hàng song song với dịch vụ phục vụ tốt nhất, nhanh nhất. Ngoài ra, tất cả hình thức thanh toán từ tiền mặt, chuyển khoản đều được chấp nhận, cũng khiến cho khách hàng an tâm hơn khi mua sắm.
Trước sự thành công của Ladaza, rất nhiều trang điện tử bán hàng trực tuyến của những nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam cũng đi theo con đường này. Ở đó có đủ mọi sản phẩm gồm cả hàng Việt Nam và hàng ngoại nhập từ loại thông dụng đến cao cấp. Điều này đặt các trang kinh doanh trực tuyến vào cuộc cạnh tranh mới, với hàng hóa phải chất lượng, giá cả hấp dẫn và dịch vụ hoàn chỉnh nhất.
Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), qua khảo sát 1.350 website bán hàng tại Việt Nam cho thấy, hiện đã có 72% website mua sắm trực tuyến có địa bàn kinh doanh rộng khắp trên cả nước. Nhóm những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên các website là thời trang, máy tính, giày dép, mỹ phẩm, điện thoại, hàng điện lạnh và thiết bị gia dụng.
Đặc biệt, từ cuối năm 2014 đến nay, kinh doanh trực tuyến của các DN có sự chuyển biến cả quy mô, số lượng và nhóm ngành hàng, sản phẩm trên website. Ngoài kinh doanh những nhóm sản phẩm truyền thống là thực phẩm, sách, văn phòng phẩm, thời trang may mặc hàng gia dụng … nhiều website đang phát triển mạnh mẽ sản phẩm khác như ô tô, xe máy, công nghiệp xây dựng…
Mức giá mua sắm hàng hóa trực tuyến của người tiêu dùng hiện đã thay đổi, khi có đến 23% các website có mức mua phổ biến từ 200.000 đồng - 500.000 đồng (thời trang, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe). Đặc biệt, đối với mặt hàng điện tử, công nghệ thì mức giá mua phổ biến đã tăng từ 500.000 đồng – 2 triệu đồng. Điều này cho thấy lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến đã tăng đáng kể.
Theo các chuyên gia, việc kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh về nhiều mặt đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, nhưng cũng xuất phát từ chính sách quản lý thương mại điện tử đã hoàn thiện, quyền lợi người tiêu dùng được xem trọng. Hiện nay, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, các chương trình mua sắm trực tuyến được tổ chức đều có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước ngay từ đầu.
Sản phẩm bán qua mạng được kiểm tra tem, nhãn mác, thông tin, chất lượng trước khi thực hiện giao dịch, đảm bảo không tăng giá sản phẩm hoặc hàng hóa không đảm bảo chất lượng... DN kinh doanh trực tuyến cẩu thả, gian dối sẽ ngay lập tức bị phát hiện và có biện pháp chế tài xử lý đến nơi đến chốn.