Bao giờ NHTW châu Âu cắt giảm lãi suất?
USD neo sát đỉnh 3,5 tháng; euro sụt giảm vì NHTW châu Âu Kinh tế sụt giảm, Eurozone đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao |
Không cần tăng thêm
ECB có thể loại bỏ khả năng tăng lãi suất hơn nữa do lạm phát giảm "đáng chú ý" và các nhà hoạch định chính sách không nên hướng dẫn là sẽ duy trì lãi suất ổn định cho đến giữa năm 2024, Isabel Schnabel - Thành viên Hội đồng Thống đốc của ECB nói với Reuters.
Đó là một sự thay đổi rất lớn bởi chỉ tháng trước thôi, Schnabel còn nhấn mạnh rằng, việc tăng lãi suất vẫn phải là một lựa chọn vì chặng đường cuối của cuộc chiến chống lạm phát có thể là khó khăn nhất. Giải thích nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi này, bà cho biết là do lạm phát giảm nhanh hơn kỳ vọng. "Khi sự thật thay đổi, tôi cũng đổi ý", bà nói và nhấn thêm: “Con số lạm phát gần đây nhất khiến cho việc tăng lãi suất thêm là khó xảy ra”.
Quả vậy lạm phát tại Eurozonr đã giảm xuống 2,4% trong tháng trước từ mức trên 10% của một năm trước đó. Điều đó đã đặt mục tiêu lạm phát 2% của ECB vào tầm ngắm và làm dấy lên một số nghi ngờ về cảnh báo của các nhà hoạch định chính sách rằng họ có thể phải đối mặt với lạm phát cao trong hai năm nữa.
NHTW châu Âu được dự báo sẽ không sớm cắt giảm lãi suất |
Mặc dù cho rằng "không được tuyên bố chiến thắng lạm phát quá sớm" và cần có nhiều tiến bộ hơn nữa trong vấn đề lạm phát cơ bản và tốc độ tăng lương chậm hơn. Song, theo bà "dữ liệu lạm phát gần đây đã giúp tôi tự tin hơn rằng chúng ta sẽ có thể quay trở lại mức 2% không muộn hơn năm 2025”.
Schnabel cũng cảnh báo không nên hướng dẫn thị trường về lộ trình lãi suất quá dài do số liệu lạm phát thay đổi nhanh chóng. “Chúng tôi đã nhiều lần bị bất ngờ ở cả hai hướng", Schnabel nói. “Vì vậy, chúng ta nên cẩn thận khi đưa ra những tuyên bố về điều gì đó sẽ xảy ra sau sáu tháng nữa”.
Trong khi trước đó Chủ tịch ECB Christine Lagarde, Thống đốc NHTW Pháp Francois Villeroy de Galhau và Thống đốc NHTW Hy Lạp Yannis Stournaras đều đã đưa ra chỉ dẫn về lãi suất ổn định trong "một vài" quý tiếp theo.
Isabel Schnabel là người có tiếng nói có ảnh hưởng nhất trong phe "diều hâu" bao gồm các nhà hoạch định chính sách đã thúc đẩy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong lịch sử của ECB thời gian qua. Bởi vậy sự thay đổi quan điểm của bà đã làm tăng kỳ vọng của thị trường là ECB sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Sau những bình luận của Schnabel, các nhà đầu tư đã đặt cược vào việc ECB sẽ thực hiện lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 3 năm tới thay vì tháng 4 và tổng mức cắt giảm lãi suất trong năm tới là 140 điểm cơ bản vào năm tới, tăng so với mức 130 điểm cơ bản trước phát biểu của bà.
Không sớm cắt giảm
Tuy nhiên giới chuyên môn lại không lạc quan như vậy. “Bà ấy đang nói với thị trường rằng, bạn đang đi đúng hướng nhưng đừng đặt cược quá nhiều vào việc cắt giảm lãi suất vào mùa xuân, Melissa Davies - Nhà kinh tế trưởng tại Redburn Atlantic cho biết.
Fabio Balboni - Chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Âu tại HSBC cũng cho biết: “Tôi thận trọng trước việc kết luận rằng bà ấy đang tán thành những kỳ vọng hiện tại của thị trường”. Theo chuyên gia này, rủi ro là một số người đang diễn giải quá mức những gì bà ấy đang nói.
Các nhà kinh tế cho biết, có một số lý do để tin rằng ECB sẽ không hành động cho đến tháng 4 hoặc muộn hơn. Đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách trước tiên sẽ muốn xem dữ liệu tiền lương vào mùa xuân năm tới. Thứ hai, ECB cần giải quyết tương lai của lượng trái phiếu trị giá 1,7 nghìn tỷ euro (1,84 nghìn tỷ USD) mà họ đã mua theo Chương trình mua khẩn cấp do đại dịch mà họ đã cam kết sẽ tiếp tục bổ sung cho đến cuối năm 2024.
Mặc dù có khả năng ECB sẽ đẩy thời hạn đó lên sớm hơn, nhưng bất kỳ việc dừng tái đầu tư nào đối với các khoản nợ đáo hạn sẽ cần phải được thực hiện dần dần để tránh làm gián đoạn thị trường trái phiếu. “Họ thực sự không thể cắt giảm lãi suất trong khi các hoạt động tái đầu tư vẫn tiếp tục, điều này đã đưa bạn sang tháng 4”, Piet Haines Christiansen - Giám đốc ECB và Nghiên cứu Thu nhập cố định của Ngân hàng Dankse cho biết. “Kỳ vọng của tôi (về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên) vẫn là tháng 6”.
Ngay cả Phó chủ tịch ECB Luis de Guindos cũng cho biết hôm 4/12 rằng, mặc dù dữ liệu lạm phát gần đây là "tin tốt" và "bất ngờ tích cực", nhưng bất kỳ quyết định nào trong tương lai về chính sách tiền tệ sẽ phải phụ thuộc vào thực tế thực tế.
De Guindos nói rằng các ngân hàng trung ương cần phải thận trọng và “còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng”. “Có một tác động cơ bản, có thể có tác động lạm phát tiềm tàng khi việc rút lại các biện pháp của chính phủ… và sự phát triển về tiền lương… có thể có tác động lạm phát”, De Guindos phát biểu tại một sự kiện tài chính.
Ông không nói rõ về lộ trình đưa ra các quyết định lãi suất trong tương lai ngoài việc cho biết các quyết định sẽ phụ thuộc vào dữ liệu, đồng thời nói thêm rằng mức lãi suất hiện tại nếu được duy trì kịp thời sẽ đủ để quay trở lại mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn của ECB.