Kinh tế sụt giảm, Eurozone đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao
Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Các cuộc khảo sát hoạt động khu vực tư nhân cho thấy một cuộc suy thoái ở Khu vực đồng euro (Eurozone) ngày càng có khả năng xảy ra khi nền kinh tế tiếp tục sụt giảm trong quý cuối cùng của năm.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của S&P Global tiếp tục giảm trong tháng 11/2023, chạm mức 47,1.
Mặc dù đó là mức tăng lớn hơn dự đoán của các nhà kinh tế, nhưng nó đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp PMI dưới mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Các số liệu về sản xuất và dịch vụ đều cho thấy xu hướng tương tự.
Nhà kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia của Ngân hàng Thương mại Hamburg nhận xét nền kinh tế Eurozone đang mắc kẹt trong khó khăn. Thêm vào đó, các số liệu mới nhất cho thấy GDP có khả năng giảm trong quý thứ hai liên tiếp.
Dự báo này được đưa ra sau khi GDP của Eurozone trong ba tháng tính đến tháng 9/2023 giảm 0,1%, trái ngược với dự báo về sự tăng trưởng trở lại của Ủy ban châu Âu.
Tuy nhiên, nó phù hợp với cảnh báo của Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos rằng các thị trường có thể không định giá đầy đủ trước nguy cơ tác động mạnh hơn đến nền kinh tế Eurozone sau một năm tăng lãi suất và căng thẳng chính trị gia tăng.
ECB cho rằng viễn cảnh kinh tế u ám của Eurozone cùng với những tác động tiêu cực do lạm phát gây ra đang khiến người dân, doanh nghiệp và chính phủ gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Kênh Bloomberg Television dẫn lời ông Guindos hôm 22/11 nói rằng sự kỳ vọng của thị trường đối với nền kinh tế dường như hơi lạc quan.
Nhà kinh tế trưởng de la Rubia cho hay hai nền kinh tế hàng đầu của Eurozone là Đức và Pháp cũng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể, mặc dù số liệu PMI tháng 11 của Đức nhỉnh hơn của Pháp một chút.
Tốc độ sụt giảm tại Đức đã chậm lại đôi chút trong tháng 11, một tín hiệu cho thấy tăng trưởng sẽ quay trở lại với nền kinh tế lớn nhất Eurozone sau một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong năm nay.
Theo S&P Global, hoạt động của khu vực tư nhân đã giảm với tốc độ chậm hơn so với tháng trước và ít hơn mức các nhà kinh tế dự kiến. Cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều có điều kiện được cải thiện, số lượng đơn đặt hàng mới giảm ở mức vừa phải.
Ông de la Rubia cho hay mặc dù nền kinh tế vẫn trong tình trạng sụt giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể. Do đó ngày càng có nhiều người tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại, có thể là vào nửa đầu năm 2024.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức đã tăng tới 3 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong ngày là 2,59%, sau khi dữ liệu trên được công bố.
Lợi suất trái phiếu của Pháp ít thay đổi. Đồng euro tăng hơn 0,3%, ở mức 1,0921 USD/euro trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Đồng euro đang tiến gần tới mức cao nhất trong ba tháng qua.
Lạm phát vẫn là một vấn đề ở Pháp và Đức, khi các công ty dịch vụ đổ lỗi cho việc tăng lương đã đẩy giá đầu vào tăng và chi phí đầu ra vẫn tăng.
Ông de la Rubia cho biết triển vọng này cho thấy lạm phát khó có thể giảm trong những tháng tới.
Tại Anh cũng vậy, các công ty đã đưa ra nhiều báo cáo cho thấy lạm phát mạnh hơn, cũng như sản lượng tăng bất ngờ trong tháng 11.
Thông tin này mang đến những dấu hiệu về sức mạnh của nền kinh tế mà có thể khiến Ngân hàng trung ương Anh lo ngại.