Bảo hiểm thất nghiệp: Chưa công bằng với người lao động
Theo bà Nguyễn Thị Dân, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP. Hồ Chí Minh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, nhiều người lao động đã lo lắng trước tình trạng này bằng cách tham gia đóng các khoản bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phòng khi bị mất việc vẫn có được khoản thu nhập nho nhỏ trong thời gian tìm kiếm, chờ đợi công việc mới.
Những người lao động này đôi khi còn không biết đang phải trích khoản thu nhập trong lương để đóng tiền BHTN
Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ không ít người lao động hàng tháng vẫn đóng tiền BHTN đầy đủ nhưng khi mất việc lại không được nhận tiền bảo hiểm chi trả.
Vấn đề này đã được xác định do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó phải kể đến nguyên nhân là do DN đã không thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm khiến người lao động mất quyền lợi, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu an sinh xã hội.
Cùng chung quan điểm này, ông Đỗ Quang Khánh, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua do sức cầu yếu, sản xuất kinh doanh trì trệ dẫn đến tình trạng không ít DN lâm vào cảnh thiếu vốn, phá sản, nợ lương công nhân, trốn đóng bảo hiểm xã hội, BHTN cho người lao động.
UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban ngành theo dõi sát sao vấn đề này cũng như thường xuyên thanh kiểm tra tại các DN có sử dụng nhiều lao động nhằm hạn chế tình trạng trên. Đồng thời, theo quy định mới, mức xử phạt đối với những DN có hành vi gian lận, không đóng bảo hiểm, nợ lương công nhân quá hạn cũng được điều chỉnh tăng lên… nhưng vẫn không thể một sớm một chiều có thể giải quyết hết tình trạng chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội, vi phạm quyền lợi đối với người lao động của DN.
Không riêng gì TP. Hồ Chí Minh, hiện nay ở nhiều tỉnh thành, tình trạng DN trốn đóng BHTN cho người lao động vẫn đang diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Nếu như năm 2011 số DN chưa đóng tiền BHTN là 172 tỷ đồng, năm 2012 số nợ tăng lên 365,45 tỷ đồng, nhưng tính đến hết tháng 6/2013 con số này đã là 555 tỷ đồng (chiếm 48,9% tổng nợ).
Theo cán bộ phụ trách của Sở LĐTBXH TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ cơ quan chức năng nhiều khi chưa thể giải quyết triệt để được tình trạng trên do nhiều DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật nhằm thu lợi từ việc trích tiền BHTN của người lao động qua tiền lương nhưng không thực hiện trách nhiệm đối với họ. Khi người lao động muốn chốt sổ bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Hoặc, nhiều DN lách luật bằng cách chỉ ký hợp đồng lao động với người lao động dưới 12 tháng để tránh đóng BHTN với lý do lao động có tính chất thời vụ.
Chính vì vậy, cơ quan chức năng khó có thể xác định được cụ thể số DN và người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN. Đó là chưa kể đến hệ thống, mạng lưới quản lý thông tin dữ liệu của bảo hiểm xã hội ở một số địa phương còn lỏng lẻo, thông tin cập nhật không đầy đủ dẫn đến tình trạng DN đóng hay chưa đóng, người lao động được hưởng BHTN hay chưa được hưởng cũng không rõ ràng nên rất dễ dẫn đến sai sót, gian lận.
Mặc dù bài toán còn nhiều nan giải nhưng theo đại diện của Bảo hiểm xã hội và Sở LĐTBXH thành phố, BHTN thuộc về chính sách an sinh xã hội nên rất cần sự chia sẻ và mục tiêu của BHTN nhằm hướng đến đối tượng chính là người bị mất việc làm chứ không phải người lao động đóng BHTN đến khi về hưu để được hưởng số tiền đã đóng. Bởi hiện nay số tiền này trích ra từ tiền lương lao động không nhiều trong khi số tiền chi trả cho người thất nghiệp là khá lớn vì vậy cần được cân đối.
Mặc dù vậy, về phía người lao động, nhiều người cho rằng, để BHTN đến được đúng với người được thụ hưởng một cách công bằng, hợp lý và nhất là không bỏ sót những quyền lợi cơ bản, thiết yếu thì chính sách về các đối tượng tham gia BHTN nên được mở rộng hơn, ngay cả với người lao động mới ký hợp đồng 3 tháng để tránh trường hợp DN lợi dụng kẽ hở này.
Ngoài ra, tiền trích đóng bảo hiểm cũng phải được cân đối phù hợp với mức lương của từng đối tượng để tránh trở thành gánh nặng đối với người lao động tham gia.
Tại buổi đối thoại giữa DN, người lao động và lãnh đạo Sở LĐTBXH, Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh diễn ra mới đây, đã có khá nhiều người lao động thắc mắc việc hàng tháng đang phải trích tiền lương ra để đóng BHTN nhưng đến tận khi về hưu cũng hoàn toàn không nhận được số tiền đã đóng này. Đó là chưa kể đến rất nhiều trường hợp người lao động cũng không hề hay biết đang phải trích khoản thu nhập trong lương để đóng loại tiền BHTN nên khi bị mất việc cũng không biết đường nào để đòi hỏi quyền lợi hoặc thậm chí rất khó khăn mới nhận được tiền bảo hiểm chi trả do chưa chốt sổ hoặc không rõ về thủ tục. |
Nam Phương