Bất bình đẳng gia tăng trong đại dịch
Những gam màu tương phản
Các quốc gia giàu có đã chi mạnh tay trong nỗ lực làm dịu bớt tác động tiêu cực của Covid-19. Chẳng hạn, Đức và Ý đều đã phân bổ tới hơn 30% GDP cho các hoạt động chi tiêu trực tiếp, bảo lãnh NH, bơm vốn cho vay… Số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, tổng các khoản viện trợ của các nền kinh tế này đã lên tới 1,84 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của IMF cho biết điều khiến họ quan tâm nhất là ở những khu vực nghèo khó, nơi các nền kinh tế chỉ có thể hỗ trợ một cách nhỏ giọt. Theo dữ liệu của IMF và báo cáo từ hơn 60 các quốc gia được đối chiếu bởi Bloomberg News, nhiều nền kinh tế châu Phi và Mỹ Latin đã không thể có được dù chỉ ở mức vài tỷ USD hỗ trợ tài khóa để đối phó với Covid-19.
Chính phủ các nước đang nỗ lực chống lại nguy cơ kinh tế đổ vỡ vì Covid-19 |
“Các chính phủ trên toàn thế giới đang đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài khóa, nhưng không phải tất cả các gói hỗ trợ đều giống nhau”, Chua Hak Bin, một nhà kinh tế cấp cao của Maybank Kim Eng Research Pte nhận định. Trong khi các “khẩu bazooka hạng nặng” (ý nói các gói hỗ trợ tài khóa lớn) được xem là tiêu chuẩn ở các nền kinh tế tiên tiến, thì các chính phủ ở thị trường mới nổi không có được dư địa tài khóa lớn để hành động tương tự. “Các gói tài khóa hỗ trợ của họ chỉ như những khẩu súng nước, không phải các tên lửa vác vai như các nước phát triển”, chuyên gia này cho biết.
Kinh tế gia trưởng Gita Gopinath của IMF đã nhiều lần cảnh báo rằng, các quốc gia đang phát triển có ít dư địa chính sách và CSHT để đối phó với đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Phần lớn trong tổng nguồn tài khóa toàn cầu trị giá hơn 8 nghìn tỷ USD (bao gồm bảo lãnh NH) được chi ra để đối phó với Covid-19 là từ các nền kinh tế phát triển. Đơn cử, Pháp và Tây Ban Nha đã dành ra lần lượt hơn 300 tỷ USD và hơn 100 tỷ USD để bảo lãnh cho các DN có thể vay NH. Hay chỉ riêng Hoa Kỳ thì tổng chi cứu trợ đến nay đã vượt quá 2,3 nghìn tỷ USD. “Sáng nhất” ở châu Phi là Nam Phi, thành viên duy nhất của lục địa thuộc nhóm G20, cũng chỉ cố gắng tăng cường hỗ trợ lên khoảng 26 tỷ USD, còn lại thì không có nước láng giềng nào có thể mơ làm được như vậy.
Bài toán phức tạp
Theo dõi hỗ trợ tài chính trên toàn thế giới không phải là một bài toán đơn giản và nó khiến việc so sánh toàn cầu về mức chênh lệch trong hỗ trợ tài khóa để đối phó với đại dịch này trở nên khó khăn. Một số quốc gia như Nga không công bố số liệu chính thức về con số hỗ trợ, trong khi những nước khác như Mexico cung cấp quá ít chi tiết để có thể ước tính về quy mô gói hỗ trợ.
Trong tập hợp dữ liệu về các gói hỗ trợ tài khóa ở các quốc gia của Bloomberg, không có khoản tài trợ nào từ các NHTW được xem xét. Nhìn chung, các hỗ trợ tài khóa thường rơi vào ba loại: Hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động y tế để đối phó với đại dịch; Hỗ trợ người tiêu dùng, bao gồm cả tiền mặt; và các hỗ trợ dành cho cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế, hỗ trợ vay, bảo lãnh NH, trợ cấp lương… Trong nhiều trường hợp, các chính phủ đã phân bổ lại chi tiêu đã được dự toán trước đó, nhưng đồng thời có thể bổ sung các biện pháp mới.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho đến nay hoạt động kích thích của Trung Quốc để đối phó với cuộc khủng hoảng này đã bị hạn chế đáng kể. Theo tính toán của Chang Shu, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á tại Bloomberg Economics, các biện pháp hỗ trợ tài khóa của Trung Quốc trị giá khoảng 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (424 tỷ USD), tương đương 3% GDP, bao gồm thanh toán nhanh bảo hiểm thất nghiệp, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp nhỏ, đầu tư CSHT…
Ở các nền kinh tế khác trong khu vực, các chính phủ đang cho thấy sự sẵn sàng ưu tiên kích thích ngắn hạn so với các mối quan ngại thâm hụt dài hạn. Hỗ trợ tài khóa của Nhật Bản đang ở mức hơn 20% GDP, trong khi các nền kinh tế Singapore, Hồng Kông và Úc đã triển khai chi tiêu tài khóa từ 10% GDP trở lên. Indonesia mới đây cũng đã điều chỉnh trần cao hơn cho bội chi ngân sách.
Tại châu Mỹ, trong khi Mỹ mạnh tay chi tiêu với nhiều gói hỗ trợ thì tại khu vực Mỹ Latin, các quan chức Argentina muốn tập trung hơn vào việc đàm phán để giảm nợ dài hạn; Chính phủ Brazil vẫn đang bất đồng trong nhìn nhận về mối đe dọa của đại dịch này. Tại Mexico, ngay cả các đồng minh của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cũng cho rằng, ông đã quá hạn chế trong việc đưa ra các hỗ trợ tài chính.
Còn tại châu Phi – lục địa vốn “đi sau” trong hứng chịu những tổn hại do Covid-19 nhưng đang được cảnh báo có thể là châu lục phải gánh chịu hậu quả có thể tồi tệ nhất khi cả khả năng đối phó với dịch cũng như hỗ trợ tài khóa để vượt qua dịch đều yếu hơn các châu lục khác. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed gần đây đã đưa ra cảnh báo, các nền kinh tế châu Phi cần được cứu trợ khẩn cấp bởi lục địa 1,3 tỷ dân này có thể rơi vào hoàn cảnh rất tồi tệ vì Covid-19. Nguy cơ châu Phi bị tụt lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang ngày càng rõ ràng và bức tranh kinh tế - xã hội của lục địa đen càng lúc càng ảm đạm hơn.