Khoảng cách giàu - nghèo đang nới rộng thêm
Vẫn là câu chuyện muôn thuở
Báo cáo “Bất bình đẳng Thế giới” - một nghiên cứu vừa công bố của Global Inequality Lab có trụ sở tại Paris, Pháp cho thấy, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu - nghèo trên thế giới. Tài sản của các tỷ phú toàn cầu năm ngoái đã có mức tăng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu về bất bình đẳng toàn cầu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1995. Giá trị tài sản ròng của họ đã tăng hơn 3,6 nghìn tỷ USD chỉ trong năm 2020, nâng tỷ trọng tài sản của họ lên mức 3,5% tài sản toàn cầu từ mức 2% trước khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020 và mức 1% vào năm 1995.
Đồng thời, đại dịch đã đẩy khoảng 100 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực, nâng tổng số nghèo cùng cực trên toàn cầu lên 711 triệu người vào năm 2021 - theo ước tính của WB và được báo cáo nghiên cứu của Global Inequality Lab trích dẫn lại. Thậm chí sẽ còn nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói hơn nữa nếu các quốc gia phát triển không ban hành các nỗ lực cứu trợ để bảo vệ người dân của họ để giảm bớt thiệt hại tài chính từ đại dịch Covid-19.
Khoảng cách giàu - nghèo gia tăng thêm vì đại dịch Covid |
Lucas Chancel, tác giả chính của báo cáo và là đồng Giám đốc Global Inequality Lab cho biết: “Cuộc khủng hoảng Covid đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa những người rất giàu có và phần còn lại của dân số toàn cầu. Tuy nhiên ở các nước giàu, sự can thiệp của chính phủ đã ngăn chặn sự gia tăng lớn về nghèo đói, điều mà ở các nước nghèo khó thực hiện được”.
Trong khi Covid-19 làm sâu sắc thêm khoảng cách giàu - nghèo, thực tế thế giới từ lâu đã đối mặt với tình trạng bất bình đẳng này. Báo cáo cho biết, việc bãi bỏ các quy định tài chính, tư nhân hóa và đánh thuế ít lũy tiến hơn ở các nước giàu cũng như quá trình tư nhân hóa quy mô lớn ở các nền kinh tế mới nổi bên cạnh mang lại các lợi ích chung thì cũng càng giúp tài sản của những người giàu có tăng thêm trong những thập kỷ gần đây. "Bài học quan trọng từ dữ liệu 40 năm qua là việc cắt giảm các mức thuế cao nhất đã không tạo ra sự thịnh vượng cho tất cả mọi người như đã kỳ vọng", Lucas Chancel cho biết.
Báo cáo này lưu ý tình trạng bất bình đẳng toàn cầu hiện đang ở gần mức đỉnh điểm vào đầu thế kỷ 20 và khuyến nghị các quốc gia cần đánh thuế người giàu để tăng thu ngân sách, từ đó các chính phủ có thể sử dụng nguồn này để giảm bất bình đẳng thông qua đầu tư vào giáo dục, hệ thống y tế và cải thiện môi trường. Tuy nhiên để thực hiện được điều này dường như không dễ dàng. Đơn cử tại Mỹ, một số đảng viên Đảng Dân chủ gần đây đã đưa ra kế hoạch đánh thuế các tỷ phú và dùng nguồn thu đó để chi trả cho việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội. Tuy nhiên những nỗ lực như vậy cũng nhanh chóng đi vào quyên lãng.
Khi người giàu ngày càng giàu hơn
Một trong những phát hiện của báo cáo là khoảng cách giới giàu có và thu nhập toàn cầu là rất lớn. Dữ liệu cho thấy, 10% những người giàu nhất đang kiểm soát tới 76% tài sản của thế giới vào năm 2021. Ngược lại, nhóm 50% dân số dưới cùng chỉ sở hữu 2%, trong khi tỷ lệ dân số trung lưu chiếm 40% và đang sở hữu 22%. Về thu nhập, 10% bộ phận dân số giàu nhất chiếm 52% thu nhập toàn cầu, trong khi nhóm 50% dân số dưới cùng chỉ chiếm 8% và nhóm 40% trung lưu chiếm 39%.
Nhìn vào mức tăng trưởng tài sản toàn cầu từ năm 1995 đến 2021, báo cáo cho thấy chỉ 1% những người giàu nhất đã chiếm tới 38%, trong khi nhóm dân số 50% dân số dưới cùng chỉ chiếm 2%. Tài sản của những người giàu nhất tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều - từ 3% đến 9% mỗi năm - trong suốt giai đoạn vừa qua, trong khi bộ phận dân số nghèo nhất thì mức tăng chỉ 3% - 4% mỗi năm. Hơn nữa vì bộ phận này sở hữu rất ít của cải nên dù có được mức tăng trưởng trên nhưng tổng tài sản cũng không tăng nhiều.
Nhưng khoảng cách giàu - nghèo cũng rất khác nhau tùy theo khu vực. Trong đó, khu vực Mỹ Latinh có khoảng cách giàu - nghèo lớn nhất với 10% dân số giàu nhất kiểm soát tới 77% tài sản và nhóm 50% dân số dưới cùng chỉ sở hữu 1%. Ngược lại, khu vực châu Âu có khoảng cách giàu - nghèo thấp nhất, với 10% người giàu nhất sở hữu 58% tổng tài sản so với mức 4% của nhóm 50% dân số dưới cùng.
Theo Lucas Chancel, việc có số lượng lớn các chương trình công dành cho tầng lớp dân cư thu nhập thấp và trung lưu như giáo dục miễn phí, chăm sóc sức khỏe và văn hóa - là một trong những lý do giúp châu Âu xây dựng được một xã hội ít bất bình đẳng hơn. “Châu Âu, với hệ thống tiếp cận các dịch vụ công rất rộng rãi, cho đến nay đã có thể kiềm chế sự gia tăng bất bình đẳng, trong khi Mỹ đã không thể làm như vậy trong những thập kỷ qua”, ông Lucas Chancel nhận định.
Trên bình diện toàn cầu, khoảng cách phân chia thu nhập đã được thu hẹp một chút dù vẫn ở mức cao. Khoảng cách thu nhập toàn cầu, bao gồm các khoản thu nhập như tiền lương, tiền lãi và cổ tức… đã giảm kể từ năm 1980, khi Trung Quốc và một số nước đang phát triển lớn khác bắt kịp khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. “Thu nhập trung bình đã và đang tăng nhanh hơn ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và nhiều nền kinh tế nổi khác so với ở châu Âu và ở Mỹ. Nhờ hiệu ứng này, sự bất bình đẳng thu nhập đã giảm bớt giữa các khu vực trên thế giới”, tác giả báo cáo cho biết.
Thu nhập trung bình của nhóm 10% dân số hàng đầu toàn cầu cao hơn 38 lần so với nhóm 50% dân số dưới cùng vào năm 2020, thấp hơn đáng kể so với mức cao hơn 53 lần vào năm 1980. Nhưng ngay cả khi thu nhập trung bình đang tăng lên ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, thì bất bình đẳng ngay trong các quốc gia này cũng vẫn gia tăng. Theo ông Lucas Chancel, chính điều này cũng khiến những tiến triển về giảm bất bình đẳng toàn cầu bị chậm lại.
Báo cáo của Global Inequality Lab cũng cho thấy sự bất bình đẳng thu nhập toàn cầu nhìn theo góc độ giới tính. Theo đó thu nhập của nữ giới vẫn thua nam giới với tỷ trọng của nữ giới trong tổng thu nhập từ công việc chỉ ở mức dưới 35% trong giai đoạn 2015-2020. Nhưng con số này rất khác nhau giữa các quốc gia, dao động từ dưới 10% đến 45% và cao nhất ở các nước thuộc Liên Xô cũ, thấp nhất là ở các nước khu vực châu Phi cận Sahara và Trung Đông. Báo cáo dự báo, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, sẽ mất hơn một thế kỷ nữa để thu nhập của nữ giới có thể đạt ngang bằng với nam giới.