Bất bình đẳng gia tăng trong đại dịch COVID
Đây là số liệu được đưa ra trong Báo cáo: “Bất bình đẳng đang giết chết chúng ta” của tổ chức Oxfam được công bố trước thềm diễn ra Diễn đàn WEF 2022. Theo đó trong 2 năm diễn ra đại dịch vừa qua, tài sản của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD, trong khi thu nhập của 99% nhân loại giảm xuống và thế giới có thêm hơn 160 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Nguy cơ gia tăng mọi loại hình bất bình đẳng ngày càng lớn, để lại hậu quả khôn lường.
Ảnh minh họa |
Báo cáo ước tính, đại dịch COVID đã làm chậm khả năng đạt được các mục tiêu bình đẳng giới từ 99 năm lên 135 năm (chỉ 252 người đàn ông tỷ phú đã có khối lượng tài sản lớn hơn tổng tài sản của 1 tỷ phụ nữ và các trẻ em gái ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Caribe cộng lại); gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nhóm bị phân biệt chủng tộc; gia tăng khoảng cách giữa các quốc gia giàu và đang phát triển… Từ đó, báo cáo này nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc xem xét các chính sách làm giảm bất bình đẳng, như thông qua đánh thuế suất cao hơn đối với những người giàu và giải quyết vấn đề về các công ty độc quyền.
Ví dụ theo tính toán của Oxfam, nếu đánh thuế một lần 99% tài sản tăng lên trong đại dịch của 10 người giàu nhất có thể đủ để chi trả cho: Sản xuất đủ vắc xin cho toàn thế giới; Cung cấp dịch vụ y tế và an sinh xã hội phổ quát, tài trợ cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm bạo lực giới ở hơn 80 quốc gia. Và sau khi trừ đi tất cả các khoản trên, tài sản của những người giàu có nhất này vẫn lớn hơn 8 tỷ USD so với giá trị tài sản mà họ có trước đại dịch.
Với những phân tích như vậy, Oxfam khuyến nghị các chính phủ nên khẩn trương hành động. Trong đó, một trong các đề xuất là cần “lấy lại” lợi nhuận mà các tỷ phú kiếm được bằng cách đánh thuế khối tài sản khổng lồ mà họ mới có được kể từ thời điểm đại dịch bắt đầu thông qua thuế tài sản và thuế lãi về vốn dài hạn. Số tiền thu được từ các loại thuế này dùng để đầu tư vào hệ thống y tế, an sinh xã hội, thích ứng với BĐKH và xây dựng các chương trình ngăn chặn bạo lực giới.
Bên cạnh đó, chính phủ các nước giàu cần bãi bỏ ngay lập tức những quy định về sở hữu trí tuệ đối với công nghệ vắc-xin COVID-19 để cho phép nhiều quốc gia sản xuất vắc xin an toàn và hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch. “Chúng ta không thiếu tiền. Điều chúng ta thiếu là sự can đảm để giải quyết bất bình đẳng”, bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành của Oxfam Quốc tế, nhấn mạnh.