Bất động sản có thể giúp kiến tạo thành phố đáng sống
Ảnh minh họa |
Các thành phố và khu dân cư được tạo thành bởi những con người mà sự gắn kết của họ với thị trường hoặc khu vực đó, khiến họ quan tâm đến việc hỗ trợ, xây dựng hay tái định hình môi trường sống của chính họ. Để người dân chọn đến, định cư hay thậm chí trở về một thành phố, nơi đó phải đem lại cho họ các giá trị trực tiếp lẫn gián tiếp, trong đó quan trọng nhất là chất lượng sống tốt hơn.
Một thành phố đáng sống đáp ứng những nhu cầu, mong muốn và lợi ích của các cá thể về phát triển bản thân, thu nhập, sức khỏe thể chất và tinh thần, cơ hội việc làm. Đồng thời, nơi đó mang đến cho họ những cảm xúc tích cực và sự gắn kết với đời sống, bao gồm niềm hạnh phúc, sự an toàn, cảm giác thân thuộc, khiến họ có lý do để gắn bó và có động lực đóng góp lâu dài.
Mới đây, TP. Hồ Chí Minh được xếp hạng là địa phương được nhiều người lựa chọn làm nơi sinh sống nhất (PAPI 2023, UNDP). Thành phố này từ lâu là một trong những nơi tụ cư lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam và thu hút nhiều thế hệ dân cư từ mọi miền đất nước. Lý do chủ yếu khiến người dân muốn di cư đến hay định tư tại TP. Hồ Chí Minh là nhiều cơ hội nghề nghiệp, dịch vụ công tốt, và ít thiên tai.
TP. Hồ Chí Minh hiện có dân số vượt quá 9 triệu người. Trong khi theo đồ án quy hoạch tổng thể TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, ước tính dân số sẽ vượt 16,8 triệu người. Nhiều thách thức đã nảy sinh, gồm thiếu nhà ở, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, quá tải trường công lập và cơ sở khám chữa bệnh, thiếu không gian giải trí công cộng và mảng xanh…
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam nhận định: “Khi một thành phố được xây dựng để phục vụ cho người dân nơi đó, nó sẽ tiếp tục thu hút nhiều người thường trú, tạm trú và khách lưu trú - tất cả đều quan trọng cho một nền kinh tế thành công. Và khi tiếp cận theo hướng này, bất động sản có thể đóng vai trò chủ động”.
Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam chứng kiến quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, ngày càng nhiều người chuyển đến thành phố sinh sống. Tính đến cuối năm 2023, gần 40% trong tổng số 100,3 triệu dân Việt Nam là thị dân. Đến năm 2030, ước tính trên 45% dân số Việt Nam sẽ sống ở các đô thị. Trong khi chất lượng cuộc sống người dân đã cải thiện đáng kể, dân số đô thị tăng nhanh đang tạo áp lực lớn lên hệ thống hành chính và ảnh hưởng đến tính đáng sống của các thành phố. |