Bất động sản vẫn còn nhiều điểm nghẽn pháp lý
Nhiều nút thắt cản trở thị trường
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập Báo Công thương chia sẻ, hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản còn không ít nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; việc phát triển các dự án bất động sản ở một số địa phương không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường; trình tự thủ tục đầu tư còn được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài...
Đúc kết từ thực tiễn, ông Vũ Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup cho biết, hiện đang có từ 10-16 bộ luật liên quan đến bất động sản nhưng các việc thực thi thủ tục pháp lý về kinh doanh bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi đó, mỗi địa phương đều có đặc thù khác nhau.
Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn |
Liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng, Chủ tịch VNGroup cho biết, các bộ luật quy định về vấn đề này đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn chưa rõ ràng. Thực tế, việc đầu tư vào loại hình này luôn khó khăn do phải thực hiện ở các vùng biển, núi, vùng sâu, vùng xa. Ông cho rằng, phải tháo gỡ cơ chế để có thể khai thác tối đa lợi thế của bất động sản nghỉ dưỡng, vì đây là lĩnh vực có tính thị trường và tiềm năng rất lớn, phù hợp với sự phát triển của đất nước có bờ biển dài, mang lại nhiều lợi ích như thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, lĩnh vực này thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm.
Cần thống nhất các luật liên quan
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hệ thống luật pháp quy định về thị trường bất động sản bao giờ cũng thay đổi chậm hơn những biến động thực tế. Đặc biệt là thị trường bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, Condotel thường biến đổi nhanh, dễ dẫn đến xung đột cao.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay, triển khai dự bán bất động sản thường liên quan đến 16-17 văn bản pháp luật và mỗi ngành lại ban hành các văn bản khác nhau. Và khi luật chưa chi tiết, cụ thể sẽ có sự chồng chéo. Qua nghiên cứu Luật Đất đai và văn bản liên quan, đã thấy có 5-6 văn bản pháp luật có sự chồng chéo, mẫu thuẫn. Ví dụ với Luật Đấu thầu, việc lựa nhà thầu chủ yếu qua đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, nhưng đang có mâu thuẫn với Luật Đất đai ở chỗ quy định loại đất.
“Đối với Luật Đất đai, với dự án có sử dụng đất khi tổ chức đấu thầu rồi thì có cần đấu giá hay không, thì đây là vấn đề vẫn đề chưa thống nhất giữa 2 luật”, ông Cường dẫn chứng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thành kiến nghị, với mỗi dự án bất động sản thì vấn đề quy hoạch rất quan trọng. Ở mỗi địa phương đều có quy hoạch chung và trong quy hoạch chung sẽ có quy hoạch riêng về đất đai. Tuy nhiên, nhiều địa phương do không quy hoạch kỹ và thiếu tư vấn dẫn tới triển khai một số dự án không phù hợp. Do vậy, cần phải quan tâm chú trọng nhiều hơn đến vấn đề này.
“Về nguyên tắc, cần lấy Luật Đất đai làm nền tảng để chỉnh sửa các luật khác, nếu không sẽ mãi gây ra tình trạng xung đột”, PGS.TS. Trần Đình Thiên đề xuất.
Ngày 29/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Theo đó, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản; khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cho phù hợp với Luật Nhà ở. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế) bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương… |