Bắt tay chè Việt cùng vươn ra thế giới
Hóa giải sự vô trách nhiệm
Unilever được biết đến như một thương hiệu gắn với các sản phẩm dòng hóa chất gồm bột giặt, chất làm thơm vải, xà phòng… Nhưng, sự “lấn sân” sang lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chè - một mặt hàng Việt Nam có thương hiệu hàng chục năm nay từ thời bán sang Đông Âu hay xuất khẩu sang tận vương quốc chè như Anh, New Zealand - là một khác biệt chỉ mới xuất hiện gần đây.
Thu hoạch chè
Ông Trần Hữu Hoài, Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại Tập đoàn Unilever kỳ vọng, dự án hợp tác công - tư (PPP) giữa Tập đoàn Unilever, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững của Hà Lan (IDH) và Rainforest Alliance nằm trong dự án phát triển ngành chè bền vững giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Unilever, sẽ đưa cây chè Việt Nam có giá trị và nổi tiếng như cà phê Việt Nam trên thế giới.
Trong đó, với tầm nhìn và kinh nghiệm hoạt động trong môi trường cạnh tranh quốc tế, Unilever sẽ giúp ngành chè Việt Nam vượt qua được những hạn chế hiện tại.
Tham gia vào PPP giữa Tập đoàn Unilever, IDH và Rainforest Alliance, ông Nguyễn Duy Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang) cho biết, giá chè nguyên liệu Việt Nam bán ra chỉ được 1,3-1,5 USD/kg, thấp hơn nhiều so với giá chè thế giới. Bên cạnh đó, sản lượng chè bình quân là 15 tấn/ha, còn các hộ đạt sản lượng 25-30 tấn là cá biệt. Điều này lý giải vì sao người nông dân vẫn luẩn quẩn trong nghèo khó.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cơ cấu sản phẩm chè chủ yếu là chè đen OTC, CTC; cơ cấu chè xanh, chè ô long, chè chất lượng cao còn quá ít. Vì vậy, giá xuất khẩu chè của Việt Nam thấp, giá trị gia tăng rất hạn chế. Hiện nay, Việt Nam đang có giá xuất khẩu chè thấp nhất trong số 10 quốc gia xuất khẩu chè trên thế giới.
Nguyên nhân ở 2 khâu là sản xuất và chế biến. Trong đó, sự phối hợp giữa nhà máy chế biến và nông dân trồng chè đang bị bỏ ngỏ. Thời gian qua, các địa phương cho phép xây dựng nhà máy vượt rất xa so với khả năng cung ứng nguyên liệu của nông dân, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng.
“Nông dân thu hoạch chè không theo tiêu chí chất lượng mà hướng tới số lượng, cả với lá già và cành khô cũng thu hoạch để tăng sản lượng bán cho DN. Đó là yếu tố chính hạn chế chất lượng chè của chúng ta”, ông Phạm Đồng Quảng chia sẻ.
Cục Trồng trọt cho hay, trong phát triển chè còn tồn tại một số hạn chế cố hữu như quy mô sản xuất nhỏ, bình quân khoảng 0,2 ha/hộ, dẫn tới khó tiếp cận các thiết bị kỹ thuật mới và chứng nhận chè an toàn; Đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chè có tưới mới chiếm khoảng 7% diện tích cả nước, chưa phát huy được tiềm năng của giống mới (chiếm đến 54% diện tích cả nước).
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chế biến được cấp giấy phép xây dựng, nhưng không có vùng nguyên liệu; trình độ tay nghề chế biến thấp, chất lượng chè không cao. Cơ sở chế biến không có vùng nguyên liệu, thu gom nguyên liệu qua nhiều cấp, người sản xuất bị ép giá, thời gian bảo quản nguyên liệu kéo dài làm giảm chất lượng. Tranh mua nguyên liệu của các cơ sở chế biến không có vùng nguyên liệu, làm sản xuất chưa quan tâm đến nâng cao chất lượng nguyên liệu.
Những hành động cụ thể
Theo ông Trần Hữu Hoài, Việt Nam nếu muốn tăng chất lượng chè và sản lượng chè thì phải có được chứng nhận phát triển bền vững. “Trên thế giới, nếu không chứng minh được chè phát triển bền vững thì người ta sẽ không mua, hoặc mua với giá không cao”, ông Hoài cho biết.
Cho nên, ý tưởng PPP gắn với mục tiêu sau khoảng 2 năm thực hiện sẽ đạt 30.000 - 35.000 tấn chè đen đạt được chứng nhận quốc tế để tăng 25% sản lượng chè đen xuất khẩu của Việt Nam. Unilever không chỉ cam kết về tăng sản lượng chè mà còn cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng từ thang điểm 3/10 lên thang điểm 4/10 vào năm 2016.
Để thực hiện điều này, Unilever đi bằng thế kiềng 2 chân. Tập đoàn làm việc với các nhà máy chè Việt Nam để giúp nâng cao chất lượng chè chế biến. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng làm việc với những hộ nông dân trồng chè để giúp họ làm sao đạt sản lượng cao hơn, chất lượng tốt hơn, qua đó có thể thu nhập tốt hơn.
Ông Flavio Corsin, Giám đốc IDH cho hay, hiện nhiều nhà máy chế biến chè của Việt Nam thiếu nguyên liệu sản xuất, chưa chú trọng đến chất lượng. Vì vậy, những nhà máy bị xếp loại C (mắc nhiều lỗi vi phạm) thì nên được cảnh báo và cung cấp một lộ trình cụ thể để họ nâng cấp nhà máy lên loại A, B.
Sau một thời gian (6 tháng) không đạt được các tiêu chuẩn đó thì đóng cửa. Đặc biệt, nhà máy chất lượng thấp, dưới tiêu chuẩn không nên được cấp phép sản xuất chè tại Việt Nam.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tình rằng, thực chất cách làm này không gây khó khăn cho các nhà máy mà khuyến khích họ áp dụng bộ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là một hướng đi đúng và quan trọng. Còn khi liên kết được xây dựng sẽ khắc phục tình trạng cắt khúc và phân tán trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu hiện nay, điều đang phá vỡ chuỗi liên kết và cuối cùng sản xuất chè làm ra nhiều, nông dân vất vả nhưng thu nhập thấp.
Ông Phát yêu cầu Cục Trồng trọt sớm có đề xuất để trong tháng 5/2014 sẽ thành lập Ban Chỉ đạo phát triển ngành chè, trong đó có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và các DN… để thảo luận, giám sát tình hình và đề ra hướng phát triển.
Ông Cao Đức Phát |
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT:
Về vấn đề các DN thiếu vốn, Bộ đang làm việc với NHNN nhằm phát triển tín dụng cho DN sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành. Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt để trao đổi với các tổ chức tài chính quốc tế, TCTD để có chính sách hỗ trợ cho DN phù hợp.
Bộ sẽ bố trí vốn theo hướng điều chỉnh các dự án khuyến nông liên quan đến chè, phù hợp với chủ trương phát triển ngành chè bền vững. Giao Cục Trồng trọt phối hợp với Rainforest Alliance rà soát lại gói kỹ thuật phổ biến cho nông dân, làm sao để VietGap, gói kỹ thuật mà Bộ đang phổ biến cho nông dân trồng chè, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Đảm bảo khi nông dân thực hiện đầy đủ các gói kỹ thuật đó thì các nhà máy sẽ mua và có thể chế biến ra các loại sản phẩm chè xuất khẩu đến các thị trường khó tính.
Về các địa phương, đề nghị xác định rõ các địa bàn, các hộ, DN tham gia chương trình này để trao đổi thống nhất với Unilever và sau này có thể có những DN khác đứng ra. UBND cấp tỉnh chỉ đạo các huyện xã, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân tham gia vào các tổ chức liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã, phổ biến kỹ thuật cho nông dân để cùng nhau thực hiện những quy định kỹ thuật, cùng nhau tổ chức công tác bảo vệ thực vật. Chỉ đạo khuyến nông phối hợp và hướng những dự án khuyến nông về chè để Unilever cũng có hỗ trợ về tập huấn và bộ, địa phương cũng có hỗ trợ khuyến nông.
Ông Flavio Corsin |
Ông Flavio Corsin, Giám đốc IDH:
Chúng tôi khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xây dựng một chương trình chứng nhận chè để thúc đẩy phát triển bền vững. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đứng ra chủ trì cho việc phát triển bộ tài liệu chè bền vững và tổ chức các khóa tập huấn. Hiện các DN chè muốn áp dụng các tiêu chuẩn trên nhưng họ thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị.
Chính phủ Việt Nam nên xây dựng một hệ thống pháp luật khuyến khích các nhà máy sẵn sàng áp dụng tiêu chuẩn chất lượng như tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, tập huấn… Cần các giải pháp nhóm những người nông dân trồng chè lại với nhau, đề xuất bộ và các địa phương có kế hoạch xây dựng chương trình và các tỉnh thực hiện.
Một số hộ trồng chè không có khái niệm chè phát triển bền vững và phát triển chè tốt hơn. Cho nên chúng ta cần có biện pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển chè bền vững.
Thách thức cuối cùng là, hiện nay trên thị trường các loại hóa chất cấm vẫn được bày bán, thậm chí có những sản phẩm nhái, có các thành phần không được cho phép sử dựng vẫn tràn lan. Vấn đề này nên cưỡng chế và kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta phải giám sát tiểu thương làm ảnh hưởng đến chất lượng chè quốc gia, tổ chức tuyên truyền cho người dân biết loại thuốc, danh mục nào được phép sử dụng.
Ông Phạm Văn Lái |
Ông Phạm Văn Lái, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái:
Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 11.300 ha, năng suất đạt 90.000 tấn/năm, trong đó, sản phẩm chè tươi, chè đen chiếm 85%. Xuất khẩu chè trực tiếp rất hạn chế, chủ yếu bán loanh quanh sang Trung Quốc và các DN Việt Nam. Hiện giá bán chè không cao, giá chè ở trên độ cao 800m thời điểm cao nhất mới bán được giá 20.000- 30.000 đồng/kg, chè ở độ cao dưới 800m thì giá chè chỉ đạt 3.000- 3.500 đồng/kg.
Năm 2013, toàn tỉnh có 106 cơ sở chế biến chè, trong đó, cơ sở chế biến loại A không có cơ sở nào, loại B một số DN đạt được nhưng lại thuộc diện cảnh báo, còn lại chủ yếu là loại C. Trong 2 năm qua, tại tỉnh có 18 cơ sở thuộc diện thu hồi giấy phép do đã có cảnh báo cần phải hoàn thiện nâng cao chất lượng nhưng các cơ sở doanh nghiệp này không làm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, 18 cơ sở vẫn tồn tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quyết tâm chấn chỉnh, nhưng không thực hiện được do thẩm quyền còn hạn chế.
Theo Cục Trồng trọt, năm 2013, diện tích chè cả nước là 135,3 nghìn ha, trong đó chè làm nguyên liệu cho chế biến 128,2 nghìn ha, chè tươi hái lá 7,2 nghìn ha. 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu chè ước đạt 33 nghìn tấn với giá trị đạt là 51 triệu USD, giảm 13,2% về lượng và giảm 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. 80% lượng chè của Việt Nam được xuất khẩu nhưng giá chè xuất khẩu của Việt Nam lại thấp nhất thế giới. |
Trường Sơn