Bền bỉ tình yêu ký họa
Đây không phải là hành trình đầu tiên đến cố đô Huế của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội. Từ 2020 đến nay, nhóm đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở Huế thực hiện “Hành trình ký họa di sản cố đô Huế”. Mỗi năm, nhóm lựa chọn một hướng tiếp cận, khai thác các di sản của đất cố đô. Có những chuyến đi vẽ tổng thể, có những chuyến đi vẽ ấn tượng và chủ đề của năm 2022, nhóm ký họa đô thị Hà Nội lựa chọn là vẽ các chi tiết. Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, thành viên sáng lập nhóm chia sẻ: “Hành trình tới Huế là hành trình gặp gỡ của những con người yêu nghệ thuật, trân trọng và ứng xử tốt đẹp với di sản. Những bức vẽ của mỗi thành viên không chỉ gói ghém tình yêu với mảnh đất cố đô, đây còn là sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch Thừa Thiên - Huế với những điều riêng biệt, mang cá tính, tình yêu của người cầm bút và nghệ sĩ sáng tác”.
Một tác phẩm của nhóm ký họa đô thị Hà Nội vẽ về di tích cố đô Huế |
Đến Huế lần này, gần 80 thành viên trong nhóm đã đến rất nhiều địa danh như làng Dương Nỗ, Đại Nội, lăng vua Khải Định, vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, hồ Tịnh Tâm, Văn Thánh, các chùa Báo Quốc, Từ Hiếu, Diệu Đế, làng cổ Phước Tích, ca Huế trên sông Hương… để sáng tác. Những tác phẩm sẽ được triển lãm và trưng bày trong dịp Festival Huế sắp tới.
Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy cho biết, nhóm được thành lập tháng 9/2016, do bốn kiến trúc sư: Trần Thị Thanh Thủy, Đinh Hải, Chu Quốc Bình, Nguyễn Hoàng Lâm sáng lập. Ban đầu, các thành viên sáng lập đã lựa chọn một hướng đi chung cho nhóm: Tìm hiểu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc của các địa danh trong thành phố, đặc biệt quan tâm đến những công trình cổ có giá trị trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội.
Từ định hướng đúng đắn ấy, nhóm đã nhanh chóng quy tụ được rất đông các thành viên tham gia. Điều thú vị và làm nên sự đa dạng của nhóm cũng chính là sự đa dạng của thành viên, từ giới chuyên môn với những nhà kiến trúc, họa sĩ cho tới nhân viên văn phòng, sinh viên các trường đại học, thậm chí cả học sinh tiểu học... Đến nay, nhóm ký họa đô thị Hà Nội đã có trên 5.000 thành viên ở khắp mọi miền đất nước và cả bạn bè quốc tế tham gia.
Ký họa là hình thức vẽ nhanh, ghi lại những nét chủ yếu nhất về cảnh vật, con người, tùy thuộc vào ý định của mỗi người để làm tài liệu cho sáng tác tranh, tượng. Ký họa đô thị là một phần trong ký họa. Mỗi người lại có cách truyền tải khác nhau trên trang giấy. Người vẽ bằng chì, bằng dạ chỉ với màu đen, trắng nhưng có người lại thích điểm tô màu sắc, tạo nên sự phong phú trong tranh.
“Ngay từ khi thành lập chúng tôi đã xác định, nhóm ký họa đô thị Hà Nội gồm các thành viên yêu Hà Nội, yêu cái đẹp và mong muốn lưu giữ những giá trị của đô thị thông qua ký họa, một hình thức ghi lại nhật ký đô thị bằng hình ảnh. Hoạt động của nhóm không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và kiến trúc của các công trình đô thị mà còn lan tỏa tình yêu với đô thị cho cộng đồng bằng ký họa. Thông qua vai trò hướng dẫn, truyền lửa cho các thành viên, nhóm đang từng ngày, từng giờ vẽ và ghi chép lại những công trình cổ, những góc phố, khung cảnh đẹp, lối sống, bản sắc và giá trị văn hóa đang dần bị mai một bởi quá trình hội nhập và đô thị hóa tại Việt Nam... Ngoài ra, chúng tôi còn hướng đến mục tiêu xã hội, kết nối cộng đồng và nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, nơi có nền văn hiến lâu đời và đậm bản sắc riêng. Mọi thành phần xã hội đều có thể tham gia, chia sẻ và đánh giá”, kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ.
Sau một thời gian miệt mài với các công trình kiến trúc của đô thị Hà Nội, nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động chung, hoặc các cuộc triển lãm nho nhỏ hay thậm chí đăng cai tổ chức Hành trình Ký họa Châu Á - Hà Nội 2019. Bên cạnh đó, nhóm ký họa đô thị Hà Nội còn làm được nhiều công trình giá trị, trong đó không thể không nhắc tới các cuốn sách như “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”, “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” và mới nhất là “Ấn tượng Hà Nội từ ký họa những công trình thời Pháp”.
Song hành với những dự án này, với sự đa dạng của các thành viên, nhóm đã mở rộng mối quan tâm sang các tỉnh, thành khác. Trong đó có cố đô Huế như đã nói ở trên. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm còn tổ chức nhiều chuyến đi vùng cao, như Mù Cang Chải (Yên Bái) để vẽ và lan truyền tình yêu ký họa với các em nhỏ quanh năm sống trong bản làng.
Đáng chú ý, năm 2020 - một năm đặc biệt bởi Covid-19 thình lình ập đến khiến mọi thứ xáo trộn, nhiều kế hoạch cũng bị thay đổi, nhưng không vì thế mà tình yêu Hà Nội của nhóm giảm đi. Trong những ngày giãn cách xã hội, nhóm ký họa đô thị Hà Nội đã phát động thử thách vẽ ký họa liên tục trong 14 ngày. Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy cho biết lý do mở ra thử thách vẽ liên tục trong 14 ngày là vì, trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, mọi người hạn chế ra đường, hội họa sẽ là phương thuốc tinh thần cho mỗi người đi qua khó khăn dễ dàng hơn. Đây cũng là hoạt động giải trí bổ ích, giúp người dân thư giãn và mang lại tinh thần sảng khoái. Sau 14 ngày, 400 bức ký họa của 50 thành viên đã được công bố. Con số này quả thực đã nói lên phần nào sự tích cực, hăng hái và cam kết của các thành viên cũng như hiệu ứng của thử thách lần này.
Có thể nói, bằng tình yêu ký họa, bằng sự nhiệt thành và cả sự tài hoa của các thành viên, nhóm ký họa đô thị Hà Nội đã để lại dấu ấn khá đậm nét. Thông qua những bức ký họa, các thành viên trong nhóm đã kể lại những câu chuyện về di sản văn hóa, lịch sử và kiến trúc của nhiều vùng đất. Đó sẽ là những tư liệu quý để lưu giữ và giúp người đương thời hiểu hơn, trân quý hơn những di sản đang hiện hữu. Hay nói như TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế: Những bức ký họa của nhóm ký họa đô thị Hà Nội vẽ tại chỗ ở nhiều di tích trên đất cố đô mang những nét riêng biệt, đó là những sản phẩm quảng bá nét đẹp cố đô trên áo phông và còn rất nhiều sản phẩm ý nghĩa cho du lịch cũng như góp phần bảo tồn nét đẹp cố đô Huế.