Bị cắt xén tiền vay, khuất tất hay đổ vạ?
Sự việc diễn ra ngày 29/9/2014, qua tư vấn ông Thanh có tiến hành ký hợp đồng với công ty theo mẫu đơn đề nghị mở tài khoản, phát hành thẻ ghi nợ vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng số 512961 với thông tin tài sản hiện tại của người đề nghị vay vốn như: tủ lạnh, ti vi, máy lạnh, máy giặt… kèm theo hóa đơn điện của 3 tháng gần nhất.
Bên cạnh phàn nàn vì lãi suất cao, vị khách hàng trên còn tố cáo Fe Credit hứa giải ngân 50 triệu đồng nhưng sau đó cắt xén, thực nhận chỉ còn lại 40 triệu đồng. Theo ông Thanh thì nhân viên tư vấn vay cho biết, số tiền bị thiếu hụt so với hợp đồng là 10 triệu đồng đó được tính vào phí rủi ro.
Trước những thông tin tố cáo của ông Thanh, lãnh đạo Fe Credit đã đưa ra những bằng chứng phản ánh ngược lại. Cụ thể, Hợp đồng tín dụng số 20141009-120067-0009, MSKH: 1958552, mã sản phẩm vay UP EVN VIP – 289, thời hạn là 36 tháng do ông Nguyễn Đức Thanh đứng tên trên hợp đồng vay của Fe Credit, tổng số tiền vay là 50 triệu đồng.
Bên CTTC khẳng định hệ thống của NH ghi nhận ông Thanh đã đến phòng giao dịch Hoàng Quốc Việt của VPBank để nhận giải ngân đủ số tiền nêu trên vào ngày 10/10/2014.
“Trong quá trình làm thủ tục vay, sau khi đã được nhân viên công ty tư vấn đầy đủ về thủ tục vay vốn, lãi suất, số tiền và thời hạn vay, cũng như được cam kết rằng nhân viên tư vấn sẽ không nhận bất cứ khoản phí nào từ khách hàng, ông Thanh đã ký nhận vào biên bản làm việc này.
Ngoài ra, hệ thống cũng đã gửi tin nhắn cho ông Thanh xác nhận rằng khoản vay của ông đã được chấp thuận và ông không phải đóng bất kỳ khoản phí nào khác”, bên NH phản ứng.
Thực tế, từ khi nhận được khoản vay, ông Thanh đã thanh toán được kỳ 1 và 2. Hiện ông Thanh đang nợ công ty lãi và gốc của kỳ 3, 4, 5 cộng với phí phạt trả chậm do nợ quá hạn (74 ngày). Tình trạng hiện tại của ông Thanh đang nằm trong nhóm nợ xấu.
Cũng theo biên bản ghi chép do Fe Credit cung cấp, tại thời điểm 13h40’ ngày 25/3/2015, nhân viên của NH đã gặp trực tiếp khách hàng để giải quyết khiếu nại và tư vấn đầy đủ thủ tục cũng như lãi suất khoản vay cho khách hàng, nhân viên này cho biết khoản vay của khách hàng là 50 triệu đồng và không có phí bảo hiểm.
Sau khi tư vấn và làm hợp đồng cho khách hàng thì không đi cùng khách hàng để rút tiền giải ngân. Nhân viên khẳng định không có chuyện cầm 10 triệu đồng của khách hàng hay cắt phí của khách hàng. Khách hàng tự đi rút khoản giải ngân của mình.
Trước những thông tin xác thực mà NH cung cấp, ông Thanh đã xác nhận có làm hồ sơ vay vốn tại VPBank số tiền 50 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng. Theo vị khách này, hồ sơ của ông được duyệt giải ngân vào đầu tháng 10/2014. Bản thân ông cũng không nhớ chính xác ngày nào và không nhớ đi rút tiền giải ngân tại chi nhánh nào, chỉ nhớ có đến chi nhánh của VPBank để rút tiền (ông Thanh trực tiếp đi rút tiền, không cùng ai khác).
Vị khách hàng này cũng không nhớ tên nhân viên đã làm hồ sơ và tư vấn cho khách hàng. Tất cả mọi chi tiết về việc tại sao chỉ nhận được 40 triệu đồng thay vì 50 triệu đồng thì chính ông Thanh cũng nói rằng không nhớ…
Thực ra, những câu chuyện tranh chấp về các khoản vay tín chấp không mới. Có rất nhiều trường hợp bên cho vay “gài bẫy” khách hàng. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp người vay “giậu đổ bìm leo” để đổ vấy thông tin “lừa đảo” lên những tổ chức cho vay. Khi mọi việc trở thành cao trào, đơn vị cho vay đã kiện khách hàng ra tòa và lúc này khách hàng lộ ra mình chính là những người… lừa đảo!
Còn nhớ, mới cuối năm 2014, có trường hợp một nhóm đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền vay thông qua hình thức mua hàng trả góp tại các cửa hàng có liên kết. Vụ việc đã được tòa án đem ra xét xử và đưa ra bản án thích đáng cho các đối tượng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự. Những khách hàng tham gia vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các tổ chức cho vay đã phải chịu mức án 6 năm tù và bồi thường cho các tổ chức tài chính.
Nhận xét về quy trình quản trị rủi ro và phòng chống gian lận, ông Przemyslaw Pawel Januszaniec, Giám đốc Ban quản trị rủi ro tại Fe Credit cho biết, thực ra, trong việc thẩm định hồ sơ cho vay, các NH đều áp dụng quy trình quản lý nợ và chống gian lận, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phòng ngừa và xử lý những rủi ro.
Theo đó, nếu khách hàng muốn thực hiện hành vi lừa đảo hay đổ vạ cho các tổ chức cho vay sẽ khó tránh khỏi những quy định xử phạt của luật pháp Việt Nam.