Bớt nóng cho thủ tục hành chính nhà đất
Chính phủ ban hành Nghị định mới về quản lý, sử dụng nhà, đất công Đề xuất đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, đất |
Theo đó, việc chấp thuận sử dụng bảng giá đất hiện hành để giải quyết các nghĩa vụ tài chính, thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân… sẽ giúp hơn 15.800 hồ sơ đất đai phát sinh từ 1/8/2024 đến nay được khai thông và có căn cứ pháp lý để cơ quan thuế, cơ quan đăng ký đất đai, các doanh nghiệp, người dân và TCTD có thể tiếp tục quá trình xử lý thế chấp tài sản, tài trợ vốn hoặc mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản.
Theo thống kê của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tính từ ngày 1/8 đến 27/8 toàn thành phố có khoảng gần 9.000 hồ sơ nhà đất bị “treo” tại các chi cục thuế. Trong các tuần từ đầu tháng 9 đến nay cũng có thêm khoảng hơn 6.000 hồ sơ nữa tiếp tục bị ùn ứ. Vì vậy, việc UBND TP. Hồ Chí Minh kịp thời ban hành Văn bản 5635/UBND-ĐT đã giải tỏa áp lực lớn cho ngành thuế và cơ quan đăng ký đất đai ở tất cả các quận huyện trên địa bàn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, ngay khi UBND thành phố ban hành quyết định trên, Hiệp hội đã có thông báo trực tiếp đến tất cả các doanh nghiệp thành viên, giải tỏa những lo ngại, áp lực phát sinh từ việc xử lý các hồ sơ mua bán, chuyển nhượng, thế chấp còn tồn đọng sau ngày 1/8.
Ông Châu cho biết, HoREA đã trực tiếp làm việc với Cục Thuế và một số sở, ngành tại địa phương. Nhìn chung ngành thuế đã rất tích cực trong việc xử lý các hồ sơ nhà đất còn tồn đọng.
Giao dịch liên quan đến đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức |
Về việc xây dựng bảng giá đất mới, theo thông tin từ Sở Tài nguyên Môi trường, hiện nay các sở, ngành đã tiến hành rà soát ở tất cả các khu vực để cập nhật giai đoạn cuối. Sau khi hoàn thiện sẽ trình UBND TP. Hồ Chí Minh để ban hành bảng giá đất điều chỉnh.
Trong số các vấn đề cần phải rà soát, tính toán, hiện nay có một số trường hợp như: giá đất ở khu vực 570 tuyến đường mới chưa có trong bảng giá đất cũ; các dự án đã áp dụng giá bồi thường theo hệ số K để đầu tư công như dự án đường Vành đai 3, dự án Rạch Xuyên Tâm… còn tiếp tục phải cân nhắc. Vì thế sẽ cần tham vấn thêm các đơn vị chuyên môn và các sở ngành để ban hành bảng giá đất phù hợp với từng khu vực và đáp ứng các yêu cầu theo Luật Đất đai 2024.
Ngoài ra, theo đại diện HoREA, khi xây dựng bảng giá đất mới TP. Hồ Chí Minh cũng cần cân nhắc, xem xét để có cơ chế thu tiền sử dụng đất hợp tình hợp lý đối với một số trường hợp, như: những người chưa được cấp sổ đỏ lần đầu; người có nhu cầu xin tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để chia cho con cháu; người có nhà, đất nằm trong các khu vực bị quy hoạch treo, dự án treo lâu năm… Những trường hợp này, trên thực tế ở các quận, huyện và TP. Thủ Đức hiện nay là khá nhiều, cần phải rà soát, nghiên cứu đưa ra các cơ chế ưu tiên, ưu đãi phù hợp về thuế, tiền sử dụng đất… để tránh thiệt thòi và bình đẳng về quyền lợi phát sinh từ chênh lệch giữa hai bảng giá đất cũ và mới.