Bức tranh cổ tức nhiều mảng sáng - tối
SCB chưa thể chia cổ tức | |
ĐHĐCĐ VietinBank: Kế hoạch lợi nhuận 2017 đạt 8.800 tỷ đồng, cổ tức tối đa 7% | |
Mùa cổ đông, lại... trông cổ tức |
Hai tuần qua, một loạt các NHTM tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017. Năm nay, nợ xấu, cổ tức, nhân sự cấp cao... của NH là những vấn đề tâm điểm.
NH chia cổ tức thế nào là câu hỏi đến hẹn lại lên nhiều năm nay. Trong số những NH đã tiến hành ĐHĐCĐ và thông qua phương án chia cổ tức, không ít đơn vị khiến nhà đầu tư phấn khởi. Như OCB, NH này tổ chức ĐHĐCĐ sáng 19/4 đã thống nhất chia cổ tức 10%, trong đó có 5% tiền mặt. Theo đại diện NHNN TP. Hồ Chí Minh, với mức chi trả này, OCB trở thành một trong hai nhà băng có mức chi trả cổ tức cao nhất so với 11 NH có trụ sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trước đó, ngày 17/4, ĐHĐCĐ VietinBank đã trình cổ đông tỷ lệ chia cổ tức năm 2016 là 7% và thực hiện bằng tiền mặt, tương đương mức cổ tức năm 2015. VietinBank cũng ước chi khoảng 2.606 tỷ đồng để trả cổ tức trên. Với LienVietPostBank, NH trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2016 là 10%, trong đó có 4% tiền mặt và 6% bằng cổ phiếu. Năm 2017, NH dự kiến mức chi trả cổ tức tăng lên 12%.
Trong bối cảnh khó khăn chung, việc chia cổ tức bằng tiền mặt đã khó, thì việc cổ tức được chia bằng cổ phiếu ít nhiều cũng là “có còn hơn không”.
OCB là một trong số ít NH có mức chi trả cổ tức cao cho cổ đông |
ĐHĐCĐ ACB trình cổ đông thông qua việc chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, giữ lại 100 tỷ đồng lợi nhuận để mua cổ phiếu thưởng nhân viên. Trong phương án phân phối lợi nhuận dự kiến năm 2017, NH này cũng lên kế hoạch tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu, giữ nguyên tỷ lệ như năm 2016.
VPBank cũng là đơn vị chia cổ tức bằng cổ phiếu với hai nhóm: cổ phần ưu đãi 146 tỷ đồng và cổ phần phổ thông hơn 3.194 tỷ đồng. BacA Bank chia cổ tức bằng cổ phiếu khoảng 40 triệu cổ phần - một trong những hình thức để NH này tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng. ĐHĐCĐ HDBank tổ chức hôm 21/4 cũng thống nhất chia cổ tức với tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mảng màu sáng thì bức tranh cổ tức năm nay cũng có không ít mảng tối. Kết thúc năm 2016, Eximbank lỗ luỹ kế 461 tỷ đồng và quyết định không chia cổ tức cho năm tài chính 2016. Đại diện NH này cũng bày tỏ sự chia sẻ với cổ đông về việc không chia cổ tức vì NH còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết. Tuy vậy, trong năm 2016, Eximbank đã thu hồi được khoảng 3.500 tỷ đồng dư nợ cấp tín dụng (gồm trái phiếu DN) theo kết luận thanh tra, đồng thời thu hồi thêm trên 3.500 tỷ đồng dư nợ cấp tín dụng có khả năng rủi ro.
TPBank cũng là đơn vị không chia cổ tức năm 2016. Đại diện TPBank cũng thông báo tại ĐHĐCĐ của NH này tổ chức ngày 21/4 rằng sẽ cân nhắc đến việc chia cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông nếu như hoạt động tốt. Bởi tính đến cuối tháng 2/2017, toàn bộ lỗ luỹ kế của NH này mới được khắc phục. Và từ tháng 3/2017, TPBank mới bắt đầu hoạt động có lãi. Tình trạng này cũng diễn ra ở SCB khi cổ đông NH này tiếp tục không được chia cổ tức năm 2016 trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế, thị trường.
Những NH chi trả cổ tức thấp hay khất cổ tức thường đi kèm với “nỗi niềm” trong xử lý nợ xấu. Sau khi Vietcombank xoá sạch nợ xấu của mình tại VAMC vào cuối 2016, các NH khác đã và đang rốt ráo trong tiến trình giải quyết và xử lý nợ xấu. Kết thúc năm 2016, tỷ lệ nợ xấu OCB về mức 1,51%; nợ xấu VietinBank được kiểm soát thấp 0,9%/dư nợ tín dụng; TPBank dưới 0,7%. Với Techcombank, NH đã đưa nợ nhóm 3-5 về mức thấp dưới 2%.
Trao đổi với cổ đông một NHTMCP, vị này cho rằng khó khăn của NH là rất lớn khi nợ xấu tăng cao, quá trình xử lý chậm khiến cho lợi nhuận ảnh hưởng, tác động lên mức chi trả cổ tức mà cổ đông được hưởng, thậm chí nhiều NH còn không trả cổ tức. “Với nhiều cổ đông, họ có thể thông cảm được, bởi xét trong toàn đại cục, khó khăn là của chung các NH. Nhưng cũng không phải không có trường hợp vẫn “đòi” cổ tức vì đơn giản họ nghĩ rằng đã góp vốn, đương nhiên mình phải được hưởng lãi”, vị này chia sẻ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề cập tại Chỉ thị số 01 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2017 là triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, tiếp tục nghiên cứu triển khai Basel II, tăng cường minh bạch hoá theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động của TCTD tại Việt Nam”…
Đáp ứng tiêu chuẩn Hiệp ước vốn Basel II, giải quyết nợ xấu, đồng nghĩa với đòi hỏi các NH phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Điều này bắt buộc các nhà băng phải dành lợi nhuận để đạt được trích lập dự phòng rủi ro. Và như thế, cổ đông đã cùng “trên thuyền” nên chia sẻ với gánh nặng của NH khi lợi nhuận chưa thể kỳ vọng quá cao, cổ tức cũng theo đó khó mà được như ý muốn.