Các ngân hàng Trung Quốc giảm lãi suất tiền gửi
Chẳng hạn theo một tuyên bố trên trang web của Ngân hàng Nam Kinh, ngân hàng này đã giảm lãi suất tiền gửi 3 tháng 5 điểm cơ bản xuống còn 1,35%; giảm lãi suất tiền gửi 1 năm 15 điểm cơ bản xuống 1,75% và giảm lãi suất tiền gửi 5 năm 20 điểm xuống 2,90%.
Trong khi một số ngân hàng quốc doanh lớn đã đi trước một bước khi đã thực hiện cắt giảm lãi suất tiền gửi từ đầu tháng 9 vừa qua. Đây là làn sóng cắt giảm lãi suất trên diện rộng đầu tiên kể từ năm 2015.
Ảnh minh họa |
Làn sóng này xảy ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) vào ngày 22/8. Theo đó LPR 1 năm được giảm 5 điểm cơ bản từ 3,7% xuống 3,65% và giảm LPR 5 năm 15 điểm cơ bản xuống 4,3%.
Trước đó, PBoC cũng đã giảm lãi suất cho vay trung hạn 1 năm (MLF) và một công cụ thanh khoản ngắn hạn khác nhằm thúc đẩy nhu cầu tín dụng để vực dậy nền kinh tế đang chậm lại. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã tránh được sự suy giảm vào quý hai trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát Covid-19 đã làm gây nhiều tổn hại cho sản xuất và tiêu dùng, cộng thêm và sự lao dốc của thị trường bất động sản. Tuy nhiên các nhà phân tích cho biết, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng vẫn rất mong manh. Hệ quả là cầu tín dụng cũng rất yếu.
Theo dữ liệu từ PBoC, dư nợ cho vay mới bằng nhân dân tệ của các ngân hàng Trung Quốc chỉ tăng thêm có 1,25 nghìn tỷ nhân dân tệ (173,78 tỷ USD) trong tháng 8, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích, trong khi tăng trưởng tín dụng tổng thể cũng chậm lại.
"Hiện các ngân hàng đang phải đối mặt với vấn đề tương tự như nhau, đó là nhu cầu tín dụng không mạnh", Reuters dẫn lời một nguồn tin xin được giấu tên cho biết. Nguồn tin này cũng nói thêm rằng, có sự thiếu hụt khách hàng để cho vay, điều này khiến cho việc kiểm soát chi phí trở thành một vấn đề đối với các ngân hàng.
Các nhà phân tích và chủ ngân hàng cũng cho biết, việc cắt giảm lãi suất tiền gửi, một nguồn vốn quan trọng của các ngân hàng Trung Quốc, nhấn mạnh những hạn chế của lãi suất đi vay chuẩn trong việc phục hồi nhu cầu vay và tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Wang Yifeng - Nhà phân tích của Everbright Securities còn cho rằng, vẫn còn khả năng cho việc cắt giảm lãi suất tiền gửi hơn nữa. Theo nhà phân tích này, chi phí tiền gửi ngân hàng hơi cao khi mà các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc cho vay nên họ mong muốn nguồn vốn có chi phí thấp hơn.
Trong khi Wang Yudong - nhà phân tích tại Công ty quản lý tài sản Minority thì ví vấn đề mà các ngân hàng Trung Quốc đang gặp phải hiện nay tương tự như đối với các nhà sản xuất. "Nếu giá thành phẩm giảm, bạn cũng cần phải giảm giá mua nguyên liệu thô để bảo vệ lợi nhuận của mình".
Còn Peiqian Liu - Nhà kinh tế Trung Quốc tại Natwest Markets thì lưu ý rằng, việc cắt giảm lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại là một phần của cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ sau khi PBoC cắt giảm lãi suất chính sách quan trọng vào tháng 8. "Việc cắt giảm lãi suất này của các ngân hàng thương mại sẽ giúp cải thiện một chút tỷ suất lợi nhuận và về mặt kỹ thuật, mở ra nhiều không gian hơn nữa cho việc cắt giảm lãi suất (cho vay chuẩn)".
Quả vậy bốn trong số năm ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc, ngoại trừ Ngân hàng Trung Quốc, đã báo cáo tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) giảm trong quý II. Vào cuối tháng 6, NIM của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc chỉ là 2,03%; trong khi với Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc là 2,02%; còn Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc là 2,09%.
Những nhà cho vay nhỏ hơn thậm chí còn báo cáo NIM mỏng hơn. Ví dụ, Bank of Beijing báo cáo tỷ suất lợi nhuận là 1,77% vào cuối tháng 6. NIM của Bank of Qingdao là 1,76% và Bank of Shanghai báo cáo NIM là 1,66%.