Các quy tắc thanh khoản mới theo chuẩn mực Basel III tại thị trường Việt Nam
Vào tháng 12 năm 2010, Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS) đã ban hành một loạt các cải cách nhằm nâng cao các chuẩn mực trong quy định, giám sát và quản lý rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng. Những cải cách này, được gọi là các chuẩn mực Basel III (Basel III standards), được xây dựng để đối phó với những hạn chế được phát hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, đồng thời để hướng tới mục tiêu cải thiện khả năng để chống lại các cú sốc phát sinh từ căng thẳng tài chính và kinh tế của hệ thống ngân hàng.
Bà Đinh Hồng Hạnh - Phó Tổng Giám Đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tài chính, PwC Việt Nam |
Các quy tắc thanh khoản mới của Basel III đánh dấu lần đầu tiên các tiêu chuẩn tối thiểu về thanh khoản được đưa ra nhằm giảm nguy cơ mất khả năng thanh toán trong lĩnh vực ngân hàng. Khung thanh khoản bao gồm hai tỷ lệ được phát triển để đạt được hai mục tiêu riêng biệt nhưng bổ trợ cho nhau.
Đầu tiên là Tỷ lệ Đảm Bảo Thanh Khoản (LCR), khối lượng tài sản có tính thanh khoản cao mà một ngân hàng nên nắm giữ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của mình trong tình huống căng thẳng thanh khoản 30 ngày theo lịch dương. Thứ hai là Tỷ lệ nguồn quỹ ổn định ròng (NSFR), yêu cầu một lượng tối thiểu các nguồn tài trợ ổn định tại một ngân hàng để đáp ứng nhu cầu thanh khoản tiềm năng trong thời hạn một năm.
Tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (LCR)
Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản là tỷ lệ nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao bởi các tổ chức tài chính, để đảm bảo khả năng liên tục đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của họ.
Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản | = | Tài sản có tính thanh khoản cao (HQLA) |
Dòng tiền ra ròng trong 30 ngày |
Trong đó: Dòng tiền ra ròng trong 30 ngày = (Tổng dòng tiền ra – Tổng dòng tiền vào) trong 30 ngày
So sánh với các tỷ lệ quản lý thanh khoản đang được áp dụng tại thị trường Việt Nam (theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN), việc triển khai LCR sẽ đem lại cơ sở xác định mức độ dự phòng thanh khoản phản ánh sát với mức độ rủi ro thanh khoản nội tại của Ngân hàng cùng nhiều lợi ích khác, mặt khác cũng đặt ra những yêu cầu và thách thức mới.
Ông Nguyễn Đình Trung - Trưởng phòng cấp cao, Dịch vụ tư vấn quản trị rủi ro, PwC Việt Nam |
Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (Net Stable Funding Ratio - NSFR)
Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng (NSFR) được định nghĩa là nguồn vốn ổn định sẵn có so với nguồn vốn ổn định yêu cầu. NSFR được thiết kế để nâng cao tính ổn định của nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu sự chênh lệch nguồn vốn thông qua việc yêu cầu các Ngân hàng nằm giữ đủ nguồn vốn ổn định.
Yêu cầu giảm bớt sự chênh lệch kỳ đáo hạn thông qua NSFR sẽ thúc đẩy các ngân hàng tìm kiếm các nguồn vốn ổn định hơn. Tuy nhiên, NSFR cũng mang lại những thách thức đó là:
- Giảm chênh lệch kỳ đáo hạn để đáp ứng NSFR là một thách thức lớn đối với các Ngân hàng trong các năm tới;
- Ở khu vực tiền tệ, nơi Ngân hàng thiếu hụt lớn (về mặt quy mô của thị trường huy động trong dài hạn) so với nguồn cung khả dụng, thị trường nợ kỳ dài hạn có thể cần phải mở rộng đáng kể để đáp ứng nhu cầu bổ sung của các Ngân hàng;
- Trong khi kiến thức, kinh nghiệm về NSFR vẫn đang được các Ngân hàng dần tích lũy, việc khắc phục sự thiếu hụt NSFR có thể thường yêu cầu những thay đổi lớn đối với bảng cân đối kế toán của Ngân hàng.
Tác động của các tỷ lệ thanh khoản theo Basel III lên thị trường tài chính
Việc áp dụng các tỷ lệ LCR và NSFR hướng tới việc xây dựng một hệ thống ngân hàng bền vững hơn, không những thế, còn làm thay đổi cách nhìn nhận và quản lý của các ngân hàng về vấn đề thanh khoản, từ việc đảm bảo đủ một lượng tài khoản thanh khoản cao bằng với dòng tiền ra ròng trong 30 ngày tiếp theo trong điều kiện hoạt động bình thường đến việc duy trì trạng thái thanh khoản của ngân hàng trong điều kiện căng thẳng (thông qua tỷ lệ LCR), đồng thời duy trì nguồn huy động ổn định cho các hoạt động cho vay trung dài hạn (thông qua tỷ lệ NSFR).
Tham khảo từ các thị trường đã triển khai thành công các tỷ lệ LCR và NSFR, sẽ có những tác động không nhỏ lên thị trường tài chính khi áp dụng các tỷ lệ này:
- Trong giai đoạn chuyển giao để triển khai các chuẩn mực về thanh khoản theo Basel III, các tài sản có tính thanh khoản cao theo tiêu chí do BCBS đưa ra sẽ hướng các ngân hàng tập trung nắm giữ và giao dịch. Tiêu chí về tài sản có tính thanh khoản cao hiện nay tại thị trường Việt Nam (theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN) đã khá tương đồng so với khuyến nghị của BCBS. Tuy nhiên, việc đưa ra tỷ lệ tối thiểu cao hơn (100%, so với 50% của quy định tại thị trường Việt Nam) sẽ dẫn đến việc gia tăng nhu cầu nắm giữ và giao dịch đối với các tài sản này. Bên cạnh đó, việc này cũng có thể dẫn đến một số biến động khác trên thị trường tài chính, ví dụ như việc các ngân hàng và tổ chức sẽ phát hành các sản phẩm có tính đảm bảo cao hơn để được coi là tài sản có tính thanh khoản cao. Điều này sẽ dẫn tới một thị trường vốn được mở rộng đáng kể, cả về khối lượng giao dịch lẫn số lượng tài sản được giao dịch.
- Trong dài hạn, sau khi các ngân hàng đã triển khai thành công các chuẩn mực về thanh khoản theo khuyến nghị của BCBS, như ở các thị trường phát triển, các ngân hàng sẽ dần thay đổi chiến lược kinh doanh để hướng tới một mô hình hiệu quả hơn, ví dụ như cung cấp các sản phẩm có nguồn thu lãi ròng ổn định hơn, hoặc các sản phẩm thu phí, từ đó giảm sự phụ thuộc của các ngân hàng vào thị trường tài chính ngắn hạn.
Trong bối cảnh nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập trở thành một trong các nhiệm vụ chính để thực hiện “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của NHNN Việt Nam, việc thực hiện triển khai các tỷ lệ LCR và NSFR sẽ là công tác tất yếu.
Việc triển khai các tỷ lệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích về công tác quản lý rủi ro thanh khoản tại các Ngân hàng từ đó xây dựng ngành Ngân hàng bền vững. Tuy nhiên, công tác triển khai này đặt ra nhiều thách thức, từ trong công tác xây dựng phương pháp, triển khai thu thập dữ liệu, tính toán, công tác vận hành cho tới việc thay đổi quan điểm và cách thức quản trị Ngân hàng sử dụng các chỉ số mới. Các Ngân hàng bắt đầu công tác chuẩn bị sớm sẽ nhận được nhiều lợi ích từ sự thay đổi khuôn khổ quản trị thanh khoản mới này.