Cán bộ ngân hàng Ban K: Tô thắm thêm tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Ngay sau khi Campuchia được giải phóng (7/1/1979), việc giúp nước bạn hồi sinh là một trong các nhiệm vụ quốc tế quan trọng mà Đảng và Chính phủ Việt Nam đã xác định, trong đó có việc cực kỳ cấp bách là phát hành tiền và xây dựng lại hệ thống ngân hàng Campuchia.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, mặc dù biết phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm khi đất nước Campuchia bị chế độ Pol Pot phá hủy gần như hoàn toàn và tàn quân Pol Pot tiếp tục chống phá cách mạng quyết liệt trên nhiều mặt trận, nhưng ngay từ tháng 2/1979 (chỉ 1 tháng sau khi Campuchia được giải phóng), đoàn chuyên gia ngân hàng đầu tiên của Việt Nam do đồng chí Vũ Thiện - Vụ trưởng Vụ Phát hành lưu thông tiền tệ, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã có mặt tại Thủ đô Phnom Penh để giúp bạn phát hành tiền mới và xây dựng lại ngành Ngân hàng Campuchia.
Trong bối cảnh như vậy, quãng thời gian 10 năm, gần 500 cán bộ ngân hàng Việt Nam đã được cử sang giúp bạn, phát huy cao độ phẩm chất cách mạng, tinh thần đoàn kết, tình hữu nghị gắn bó giữa 2 nước, cùng với đồng nghiệp Campuchia đồng cam, cộng khổ, vừa nắm chắc tay súng, vừa làm việc khẩn trương, không kể ngày đêm để nhanh chóng xây dựng lại ngành Ngân hàng từ con số 0. Trong quá trình đó, đã có 3 chuyên gia ngân hàng Việt Nam hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.
Ban lãnh đạo NHNN chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu cán bộ Ban K tại Lễ trao tặng Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng 5, Bằng ghi công của Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Ngân hàng Quốc gia Campuchia |
Ông Nguyễn Quang Thép, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (NHNN Việt Nam), Trưởng ban liên lạc Ban K kể lại, việc đầu tiên đặt ra khi đó là phải gấp rút nghiên cứu giúp bạn vẽ mẫu các loại tiền riel mới, hoạch định tổng lượng tiền cần thiết, cơ cấu từng loại tiền thích hợp đáp ứng yêu cầu của đất nước trong những năm tới và biện pháp tổ chức thực hiện. Các chuyên gia Việt Nam vừa chạy đua với thời gian, vừa phải nắm chắc tay súng để tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm rình rập khắp nơi. Cuối tháng 3/1979, các mẫu tiền mới và dự thảo kế hoạch in tiền được Nhà nước Campuchia phê duyệt. Tháng 10/1979, những đồng tiền riel được in mới đã bí mật được vận chuyển từ Moscow (Nga) về Phnom Penh để đưa vào nền kinh tế. Qua nhiều đợt liên tiếp, việc tiếp nhận và vận chuyển đã hoàn thành đúng thời hạn và an toàn tuyệt đối. Việc chuyển tiền về Thủ đô Phnom Penh và đi các tỉnh phải qua nhiều chặng đường rừng nguy hiểm nơi tàn quân Pol Pot thường đặt mìn, phục kích, phá hủy xe, cướp của, giết người. Nhờ phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang của bạn và ta, việc tiếp nhận và vận chuyển toàn bộ số tiền riel mới được giữ bí mật tuyệt đối. Đồng riel mới ra đời là niềm tự hào rất lớn của nhân dân Campuchia. Từ nay, đất nước Chùa tháp có một đồng tiền tự chủ, làm phương tiện mua bán, trao đổi, chi trả trong sinh hoạt hàng ngày, chấm dứt nạn vật phẩm trao đổi vật phẩm của thời Pol Pot-Ieng Sary.
Ngay sau đó, Ban K tiếp tục khẩn trương giúp nước bạn khôi phục kho tàng, phương tiện chuyên dụng, điều kiện làm việc và in ấn các loại ấn chỉ phục vụ công tác phát hành tiền. Từ giữa năm 1979, NHNN đã viện trợ không hoàn lại cho bạn 58 két sắt, 2.800 hòm gỗ và tôn các loại, 30 bộ cánh cửa kéo bằng sắt, các cân vàng, thùng kính đựng vàng, hàng chục tấn ấn chỉ, hàng tấn dây buộc tiền và đủ con dấu cho các đơn vị từ trung ương đến các tỉnh. Các chuyên gia của Việt Nam đã soạn thảo giúp Campuchia khoảng 20 văn bản thể lệ, chế độ nghiệp vụ. Đến cuối năm 1985, đã hoàn thành các quy chế nghiệp vụ về tín dụng, tiền mặt, thanh toán như chế độ không dùng tiền mặt, cho vay theo chiều sâu, chỉ thị về mua bán ngoại tệ và phương thức mua bán ngoại tệ, bổ sung sửa đổi bảng mục lục tài khoản kế toán… Đồng thời, ban hành các quy chế nội bộ như công tác kế hoạch, thống kê, quy chế và giáo trình giảng dạy của Trường Trung cấp Nghiệp vụ Ngân hàng…
Ông Nguyễn Văn Giàu, một cựu chuyên gia Ban K (1986-1987) - nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam nhấn mạnh, song song với việc phát hành tiền, Ban K đã giúp bạn xây dựng hệ thống ngân hàng theo mô hình ngân hàng kiểu mới. Trước hết là cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố. Sau đó, mở rộng dần đến cấp huyện.
Nhờ những nỗ lực vượt bậc và sự tận tâm đặc biệt của các chuyên gia Việt Nam và nước bạn Campuchia, đến cuối tháng 3/1979, các mẫu tiền riel mới mang đậm nét văn hoá truyền thống ĂngKo đã hoàn thành và đến tháng 10/1979, đồng riel đã được in ấn. Đến tháng 3/1980, chỉ hơn một năm sau ngày thoát khỏi họa diệt chủng, hệ thống Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã được tổ chức tương đối hoàn chỉnh. Và cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Ngân hàng Ngoại thương Campuchia được thành lập và Nhà nước Campuchia đã có đồng tiền riel mới lưu hành, làm công cụ tài chính đắc lực phục vụ cuộc hồi sinh đất nước, khôi phục và phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá. Cho đến năm 1988, từ chỗ chỉ có 4 cán bộ cốt cán, Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã có hàng nghìn cán bộ được đào tạo bài bản, đủ sức thực hiện tốt vai trò là huyết mạch trong nền kinh tế Campuchia.
Từ chỗ không có một đồng ngoại tệ khi mới thành lập, đến năm 1986, Ngân hàng Ngoại thương Campuchia hàng năm có doanh số hoạt động ngoại tệ mạnh tới hàng triệu USD, có quan hệ thanh toán và có quan hệ đại lý với hàng chục quốc gia. Phần lớn số cán bộ ngân hàng Campuchia sau khi được đào tạo đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc, quyết tâm thực hiện thần tốc việc hồi sinh cho nền tiền tệ, tái thiết ngành Ngân hàng, đưa dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Những thành tích xuất sắc này của các chuyên gia ngân hàng Việt Nam đã được Chính phủ và ngành Ngân hàng Campuchia trân trọng ghi nhận. Mới đây, NHNN Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng 5, Bằng ghi công của Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Ngân hàng Quốc gia Campuchia cho các cán bộ ngân hàng Ban K.
Tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ và nhân dân Campuchia, ngài Chay Navuth - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là các chuyên gia của Việt Nam được cử sang giúp đỡ nước bạn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc phát triển đất nước sau chiến tranh.
“Trong hoàn cảnh đầy khó khăn, gian khổ đó, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chia sẻ nguồn nhân lực ít ỏi của mình sang giúp đỡ nhân dân Campuchia đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, NHNN đã cử đoàn chuyên gia ngắn hạn và dài hạn sang giúp xây dựng Ngân hàng Quốc gia Campuchia cũng như hệ thống ngân hàng trên khắp đất nước Campuchia. Các chuyên gia Ban K đã giúp đào tạo nguồn nhân lực – nhân tố then chốt, quan trọng nhất trong việc phát triển lĩnh vực ngân hàng. Không những thế, NHNN đã chia sẻ những trang thiết bị của mình cho Ngân hàng Quốc gia Campuchia sử dụng trong quá trình làm việc như: két sắt, khóa… hay các thiết bị ngân hàng khác. Sự giúp đỡ trong thời khắc gian nan của các chuyên gia NHNN thực sự có ý nghĩa vô cùng to lớn, không gì có thể sánh bằng. Nhờ sự giúp đỡ tiền đề của các chuyên gia NHNN Việt Nam mà Ngân hàng Quốc gia Campuchia mới có được kết quả như ngày nay”, Ngài Chay Navuth khẳng định.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN đương nhiệm và các thế hệ cán bộ ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ niềm tự hào và tấm lòng tri ân sâu sắc đối với những đóng góp lớn lao và sự hy sinh vượt qua khó khăn, gian khổ của các cán bộ Ban K trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển của đất nước, của Ngành và sự nghiệp củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị gắn bó với nước bạn láng giềng Campuchia.
Những đóng góp và sự hy sinh vẻ vang của các cán bộ Ban K đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam và Campuchia ghi nhận, tôn vinh bằng nhiều phần thưởng cao quý.
Thống đốc NHNN cũng trân trọng cảm ơn sự tâm huyết, nhiệt tình của các bác, các cô, các chú, các anh chị trong Ban liên lạc và ghi nhận những đóng góp tích cực của các đơn vị trong ngành Ngân hàng đối với hoạt động của Ban liên lạc Ban K.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, Thống đốc bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Ngân hàng Quốc gia Campuchia đã ghi nhận và trao tặng những phần thưởng cao quý đối với các cựu chuyên gia ngân hàng Việt Nam.