Đi tìm tác giả vẽ “con trâu xanh” trên tiền Việt Nam Dân chủ cộng hòa
Tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) được ra đời trong hoàn cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt. Chỉ 1 ngày sau khi bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được vang lên tại quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ để bàn và giải quyết nhu cầu cấp bách về tài chính của nước nhà. Ngay sau đó mọi công việc vẽ, in và phát hành tiền được chuẩn bị rất khẩn trương và phải giữ bí mật tuyệt đối. Bởi một nước độc lập, phải có đồng tiền độc lập để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cấp bách của cách mạng.
Trong thời gian ngắn, những đồng tiền của Nhà nước VNDCCH đã được vẽ, in và phát hành vào ngày 3/2/1946 tại Nam Trung bộ. Cho đến nay, những đồng tiền này đã có thể xác định được địa chỉ in ấn, nhưng các tác giả vẽ các đồng tiền này vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Lý do là vì bảo mật quốc gia, vì nguyên tắc tài chính của Việt Nam. Tiền Việt Nam chưa bao giờ công bố tác giả của những mẫu tiền đã được phát hành từ trước đến nay. Trong quá trình tìm hiểu tác giả của những mẫu tiền VNDCCH, tôi nhận thấy đa phần các tác giả vẽ các mẫu tiền VNDCCH đã qua đời chỉ còn một vài họa sĩ còn sống ở cái tuổi xưa nay hiếm thì chỉ nhớ được những đồng mình vẽ, như họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, họa sĩ Lê Hải Sơn, họa sĩ Bùi Trang Chước. Còn lại nhìn những mẫu vẽ của đồng nghiệp thì các họa sĩ không chắc đó là của ai, các họa sĩ chỉ phỏng đoán đó là của họa sĩ này hay họa sĩ khác, dựa vào bố cục mẫu tiền hay ngành mà các đồng nghiệp đã được đào tạo mà phỏng đoán.
Việc tìm hiểu ai là tác giả đã vẽ những mẫu giấy bạc của hệ thống tiền VNDCCH và tiền Ngân hàng nhà nước Việt Nam quả là một vấn đề chưa từng được công bố, chưa có một bài viết hay một bài tổng kết của ngành Ngân hàng hay Bộ Tài chính từ trước đến nay. Đó cũng là một ẩn số, một điều băn khoăn khiến cho các nhà nghiên cứu, sưu tập mất khá nhiều công sức muốn tìm hiểu hay xây dựng sưu tập tiền Việt Nam qua các thời kỳ được hệ thống, chọn bộ.
Mẫu phác thảo hình con trâu xanh, nét chì ban đầu thể hiện mặt sau của mẫu giấy bạc Việt Nam, mệnh giá 100 đồng của họa sĩ Nguyễn Huyến |
Để giúp Bộ Tài chính sắp xếp, phân loại các loại tiền, tín phiếu, công trái, bản phác thảo các mẫu tiền mà hiện Bộ Tài chính đang lưu giữ, phục vụ cho việc trưng bày, tôi đã nhận ra một điều, những người trong nghề thường xuyên tiếp xúc với những đồng tiền đã đi vào lịch sử, nhưng việc xác định tác giả cho từng đồng tiền cũng chưa được nhiều người am tường. Ví như việc xác định tác giả phác thảo hình con trâu đến nay vẫn chưa được thuyết phục. Có ý kiến cho rằng đây là phác thảo của họa sĩ Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, song cũng không ai chắc chắn đó là của họa sĩ nào?
Đi tìm lời đáp cho phác thảo ấy, tôi đã đến nhà một số cựu cán bộ của Bộ Tài chính, Ngân hàng và một số nguyên là họa sĩ vẽ tiền Việt Nam, cùng tìm hiểu qua những dòng tài liệu, nhật ký của các họa sĩ để lại, so sánh các bộ tiền, các mẫu phác thảo tiền của các họa sĩ qua các thời kỳ thì có thể nhận định, đây là phác thảo của họa sĩ Nguyễn Huyến. Dựa vào hoàn cảnh sáng tác cụ thể qua những tư liệu, bài viết của tác giả và được họa sĩ Huỳnh Văn Thuận khi tham vấn, ông đã nhận định, mẫu tiền này thuộc nhóm họa sĩ, kiến trúc sư Sở Địa đồ - Sở Kiến trúc cũ sáng tác và thiết kế.
Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, tháng 3/1946 |
Họa sĩ Nguyễn Huyến là một họa sĩ chuyên vẽ người và phong cảnh, nên nguồn cảm hứng được thể hiện trên mẫu tiền này thật dào dạt, mẫu tiền này ông thể hiện như là một bức tranh nghệ thuật. Giới họa sĩ vẽ tiền Việt Nam đánh giá đồng tiền này hơi nặng về hội họa. Nhìn mẫu tiền chúng ta có cảm nhận như đang ngắm nhìn một bức họa đồng quê. Sự phối màu giữa xanh, vàng và nâu đảm bảo sự hài hoà. Con trâu là con vật quen thuộc đã được ông nhiều lần thể hiện trên những bức tranh quê. Nhưng vẽ trên tiền ông không thể phóng tác như trên tranh.
Nhận nhiệm vụ vẽ tiền VNDCCH trong những ngày tháng lịch sử, vào cuối năm 1945, ông cùng 19 người thợ vẽ được chia thành 4 tổ: Tổ vẽ giấy bạc 1 đồng, tổ vẽ giấy bạc 5 đồng, tổ vẽ giấy bạc 10 đồng. Tổ vẽ giấy bạc 100 đồng, có họa sĩ Nguyễn Huyến, Kiến trúc sư Lương Văn Tuất và Đào Văn Trung chuyên vẽ diềm trang trí và kẻ chữ. Để có những mẫu phác thảo trình duyệt với chủ đề Diệt giặc đói, ông đã về làng Láng (ngoại thành Hà Nội), ra đồng quan sát một con trâu ở tư thế đang gặm cỏ, ông vuốt ve nó, quan sát một cách tổng thể, rồi ông ký họa tỉ mỉ hình con trâu cày tượng trưng cho nền nông nghiệp nước nhà, hình ảnh người nông dân vác cuốc và người thợ nề cầm bay, tượng trưng cho sản xuất và xây dựng. Nguồn cảm hứng nghệ thuật của ông được thể hiện trên giấy bạc vô cùng tỉ mỉ không như phóng tác thể hiện trên những bức tranh quê, mà ký họa tỉ mỉ từng cái xoáy lông trâu. Nếu dùng kính núp soi nên mẫu tiền này, chúng ta có thể cảm nhận được cái xoáy của nó, như đang ngắm con trâu thật.
Nhà in Taupin, số 5 Nam Bộ, một trong những cơ sở đầu tiên in tiền của nước VNDCCH cuối năm 1945, ông bà Đỗ Đình Thiện mua lại để hiến cho Chính phủ làm cơ sở in “giấy bạc Cụ Hồ”. Trước đó, nhà in được sử dụng in báo Indosin của Pháp |
Giấy bạc (100 đồng) thuộc bộ tiền tài chính đầu tiên được in tại Nhà in Taupin, số 5 Nam Bộ, một trong những cơ sở đầu tiên in tiền của nước VNDCCH, đầu năm 1946 toàn bộ xưởng in được chuyển lên Chi Nê, Hòa Bình. Đồng tiền “con trâu xanh” có mệnh giá cao nhất thời bấy giờ có chữ ký của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng và Lê Văn Hiến, với màu xanh, nâu làm chủ đạo.
Mặt trước: Nền tiền ở giữa in hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong khung viền những nhành lúa cách điệu. Họa sĩ Nguyễn Huyến thể hiện hình ảnh Bác Hồ lung linh, hiền hòa bên cạnh những bông lúa và người nông dân làm khung nền mờ phía sau đang chăm chỉ làm việc, thể hiện niềm khao khát cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Khung bo họa sĩ Lương Văn Tuất trang trí cặp đôi những con giao long và hoa văn rồng truyền thống.
Mặt sau: Họa sĩ Nguyễn Huyến thể hiện ở giữa hình chủ đạo là hình ảnh con trâu béo mập “con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông”, bên phải hình ảnh cây ngô đang ra bắp và những người nông dân đang ra sức khai khoang vỡ đất tăng gia sản xuất để chống “giặc đói”.
Nhà số 10 phố Lê Lai, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã được dùng làm địa điểm cho các họa sĩ vẽ mẫu tiền từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1946 |
Để có được mẫu tiền mang hình ảnh sinh động, thực tiễn, thể hiện đường lối của Đảng, của Chính phủ, phù hợp với tình hình phát triển của cách mạng và kháng chiến, các họa sĩ, trong đó có họa sĩ Nguyễn Huyến - người trực tiếp thực hiện mẫu vẽ, đã phải làm việc miệt mài quên cả trưa tối, khi thì xuống công trường, xưởng máy, lúc về nông thôn để có được những hình ảnh sinh động nhất đưa vào mẫu vẽ.
Người ta có thể quên đi tờ bạc mệnh giá 100 đồng mà đọng lại ấn tượng của một bức tranh hoành tráng về toàn bộ cuộc sống kháng chiến, về những con người kháng chiến. Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến từng chia sẻ: “Chúng tôi nghĩ đơn giản, đây là đồng tiền của một nhà nước vì nhân dân nên phải thể hiện được tính chất nhân dân bình dị, vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người Việt Nam. Các họa sĩ vẽ bạc Việt Nam có tâm hồn kháng chiến. Các anh vẽ giấy bạc mà như vẽ tranh. Đó cũng là lý do làm cho đồng bạc Việt Nam đẹp”.