Giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực của một bức thư lịch sử
Những quan điểm cốt lõi trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ ngân hàng
1. Ngân hàng là một mặt trận, cán bộ ngân hàng là những chiến sĩ trên mặt trận ấy. Người đã viết: “Tôi mong rằng: Các chú là chiến sĩ kinh tế tài chính ở hậu phương, cũng cố gắng thi đua sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, vượt mọi khó khăn, làm cho mặt trận kinh tế tài chính của ta cũng thắng lợi như mặt trận quân sự”. Người tin tưởng và mong muốn giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận kinh tế.
Thấm nhuần lời dạy đó của Người, từ khi ra đời đến nay, ngành Ngân hàng Việt Nam đã luôn đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong kháng chiến cứu nước, ngành Ngân hàng đã viết nên “Huyền thoại con đường tiền tệ” anh hùng, sáng tạo, quả cảm. Khi đất nước thống nhất, ngành Ngân hàng luôn đóng vai trò là hệ thống huyết mạch cung cấp tín dụng cho nền kinh tế. Trong sự nghiệp cao cả ấy, đội ngũ cán bộ ngân hàng đã trở thành một lực lượng, một sức mạnh to lớn - là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Nhiều thế hệ cán bộ ngân hàng đã nêu cao phẩm chất cách mạng - cần, kiệm, liêm, chính; nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành. Trong suốt quá trình phấn đấu gian khổ đó, đã có rất nhiều tấm gương sáng ngời trong phong trào thi đua yêu nước. Với lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của mình, cán bộ toàn ngành Ngân hàng làm nên những thành tựu to lớn của Ngành mình.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của đất nước, vai trò của ngân hàng ngày càng được khẳng định thông qua những lĩnh vực hoạt động cơ bản là tiền tệ, tín dụng và thanh toán. Hệ thống các tổ chức ngân hàng vừa là chủ thể kinh doanh, vừa là lực lượng kinh tế nòng cốt do Nhà nước sử dụng tham gia điều tiết các hoạt động kinh tế. Với vai trò là chủ thể kinh doanh, các tổ chức ngân hàng thực hiện hạch toán kinh tế, tự chủ về tài chính, hoạt động có hiệu quả để bảo đảm quá trình tái sản xuất mở rộng, bảo đảm gia tăng nguồn lực kinh tế. Đối với Nhà nước, ngân hàng là công cụ trực tiếp của Nhà nước để thực hiện các chính sách tiền tệ, tín dụng và thanh toán. Là lực lượng tham gia các hoạt động kinh tế như một công cụ của Nhà nước, ngân hàng đã góp phần tạo ra sự ổn định kinh tế - xã hội, giúp Nhà nước đạt được các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội đề ra. Trải qua chặng đường phấn đấu và thử thách, ngành Ngân hàng đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
2. Xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng có phẩm chất đạo đức cách mạng; có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Người quan niệm: “Công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay cán bộ kém”. Trong thư Người viết: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mạng: chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”.
Như vậy, Người đã chỉ ra hai tiêu chuẩn căn bản của cán bộ ngân hàng, đồng thời đưa những giải pháp tương ứng:
Một là, về chuyên môn nghiệp vụ: Cán bộ ngân hàng “phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy” như thế thì “sẽ hỏng việc”. Vì vậy, cán bộ ngân hàng phải không ngừng học tập nâng cao trình độ về nghiệp vụ ngân hàng; học tập đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mạnh dạn tranh luận, thật thà trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp “để nắm vững quản lý thu phát của chế độ kho bạc mới”.
Hai là, về phẩm chất đạo đức: Ngân hàng là một mặt trận đặc biệt - mặt trận kinh tế, liên quan trực tiếp đến tiền của, rất dễ bị cám dỗ, tha hóa. Kẻ thù lớn nhất của người cán bộ ngân hàng đó là “chủ nghĩa cá nhân”, “do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành”. Chính vì vậy, đòi hỏi người cán bộ ngân hàng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để chiến thắng chính mình, trước áp lực và cám dỗ của đồng tiền. Phải trau dồi đạo đức cách mạng “chí công vô tư, cần kiệm liêm chính”; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình để tẩy trừ những thói tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tiêu chuẩn “chí công vô tư” lên trước “cần kiệm liêm chính” đối với cán bộ ngân hàng bởi, rèn luyện được phẩm chất đạo đức đó, người cán bộ ngân hàng sẽ vững vàng trong mọi thử thách: “Giàu sang không thể quyến rũ; Nghèo khó không thể chuyển lay; Uy vũ không thể khuất phục”.
3. Nắm vững chính sách và phương châm của Đảng và Nhà nước; đi đúng đường lối của quần chúng; cách thức tổ chức và lề lối làm việc khoa học, hợp lý.
Cán bộ ngân hàng phải luôn xác định cho mình tư tưởng trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng; phấn đấu hết sức mình cho sự nghiệp thắng lợi xây dựng đất nước giàu mạnh, vì sự phát triển bền vững của ngành Ngân hàng Việt Nam. Phải nắm vững chính sách, phương châm của Đảng và Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm túc các quy chế của Ngành.
Cách làm việc phải “đi đúng đường lối của quần chúng”, “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”- đây là xuất phát điểm, đồng thời là mục tiêu của hoạch định và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Ngành.
Bên cạnh đó, phải xây dựng cho mình phương pháp làm việc khoa học. “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp”. Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, làm việc phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Xây dựng cho mình phương pháp làm việc khoa học để khi triển khai công việc sẽ đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch và đạt chất lượng cao.
4. Nâng cao năng lực quản lý, làm tiền đề cho kế hoạch sản xuất và tiết kiệm; phối hợp chặt chẽ với các ngành khác nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh 3 điểm then chốt trong việc nâng cao công tác quản lý kinh tế tài chính là:
“ - Tăng thu giảm chi, thống nhất quản lý tài chính,
- Xây dựng ngân hàng và quản lý tiền tệ,
- Phát triển mậu dịch”.
Thực chất nâng cao công tác quản lý ngân hàng là nâng cao năng lực quản lý nguồn lực của cải quốc gia. Nguyên tắc hoạt động là, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất và tiết kiệm, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lực tài chính để hướng vào mục tiêu xây dựng đất nước.
Sản xuất là gốc là nền tảng của ngân hàng cho nên ngân hàng phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển. Với chức năng tập trung, phân phối và giám sát bằng đồng tiền mọi hoạt động kinh tế - xã hội, có nhiệm vụ bồi dưỡng, khai thác nguồn thu, phân phối, bố trí và sử dụng các nguồn lực đúng mục đích có hiệu quả.
Giá trị tư tưởng và ý nghĩa hiện thực của bức thư
Có thể thấy, những lời tâm huyết trong bức thư năm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ ngân hàng đã thể hiện đầy đủ tầm nhìn đi trước thời đại của Người. Các quan điểm mà Người đề cập đến rất toàn diện, phong phú và vô cùng sâu sắc, tập trung vào những vấn đề trọng yếu của ngành Ngân hàng.
Trong thời gian qua hoạt động ngân hàng có những đóng góp tích cực cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế Việt Nam, thể hiện ở việc chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng dần vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của sự nghiệp đổi mới - mở cửa.
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, thực tiễn đòi hỏi ngành Ngân hàng cần tiếp tục vươn lên với tầm nhìn rộng lớn hơn. Nhận thức đầy đủ và vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm của Hồ Chí Minh nêu trong Thư gửi hội nghị tài chính ngân hàng sẽ mang lại những định hướng sáng suốt về mặt lý luận và những giải pháp hiệu quả về mặt thực tiễn. Trên tinh thần đó, những giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới đó là:
Một là, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò huyết mạch của nền kinh tế; tính tiền phong, gương mẫu trong học tập, rèn luyện và công tác của người chiến sĩ ngân hàng trên mặt trận kinh tế.
Từ lời dạy của Người, để xây dựng những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động ngành Ngân hàng phải nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của Ngành, nêu cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ của mình; hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và của nhân dân.
Hai là, tiếp tục kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản lý điều hành; lấy sản xuất làm gốc, phục vụ cho phát triển kinh tế, phục vụ nhân dân.
Trong bối cảnh diễn biến thị trường và thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không thuận lợi đến công tác kiểm soát lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng. Thực tiễn đặt ra yêu cầu đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian tới là nâng cao năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt các mặt hoạt động khác để nâng cao hiệu quả chu chuyển vốn cho nền kinh tế, phục vụ sản xuất. Để đạt được yêu cầu đó, cần tập trung vào 3 giải pháp trọng điểm mà ngành đã vạch ra, gồm: Cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ba là, bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phối hợp với các bộ, ngành triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Ngành Ngân hàng cần tiếp tục bám sát chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Phối hợp với các bộ, ngành triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thực hiện chủ trương triển khai đồng bộ, toàn diện nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao, góp phần thực hiện tốt phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ.