Hợp tác quốc tế ngành Ngân hàng: Tiến bước cùng quá trình hội nhập của đất nước
Nếu trong giai đoạn đầu khi đất nước còn chưa thống nhất, hoạt động đối ngoại chỉ hạn chế ở nhiệm vụ đảm bảo nguồn ngoại tệ và thanh toán đối ngoại cho các nhu cầu bảo vệ và xây dựng tổ quốc, thì kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế và tiến tới hội nhập ngày một sâu rộng, ngành Ngân hàng cũng không ngừng đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế cả về bề rộng và chiều sâu.
Nối lại quan hệ, khơi thông nguồn vốn cho đất nước
Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1976 đến 1981, Việt Nam đã đẩy mạnh huy động các nguồn hỗ trợ tài chính quốc tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các chủ nợ song phương để giải quyết các khó khăn trong cán cân thanh toán và góp phần khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh. Mặc dù vậy, đầu năm 1985, do không thanh toán được nợ quá hạn với IMF, quyền vay vốn của Việt Nam từ tổ chức này bị đình chỉ kéo theo việc không tiếp cận được các chủ nợ quốc tế khác.
Hội nghị Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương ASEAN +3 lần thứ 23 tại Hà Nội |
Thực hiện nhiệm vụ đại diện cho Chính phủ tại các tổ chức này, NHNN Việt Nam đã kiên trì các nỗ lực ngoại giao để duy trì quan hệ hội viên tại các tổ chức; không những thế, tiếp tục vận động được sự ủng hộ của các nước thành viên khác trong quá trình giải quyết nợ quá hạn. Năm 1993, trước nỗ lực thanh toán nợ quá hạn và những cam kết cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam, IMF và WB đã cử các đoàn cán bộ vào xây dựng chương trình kinh tế cho Việt Nam, làm cơ sở cho việc thành lập Nhóm Hỗ trợ huy động vốn để thanh toán nợ quá hạn cho Việt Nam. Tháng 10/1993, cùng với phần viện trợ không hoàn lại từ nhiều quốc gia và khoản vay bắc cầu từ các NHTM quốc tế, Việt Nam đã giải quyết xong nợ Câu lạc bộ Paris. Năm 1998, WB đã hỗ trợ Việt Nam giải quyết xong nợ Câu lạc bộ London.
Việc giải quyết xong các nghĩa vụ nợ tồn đọng này không những giúp Việt Nam có thể tiếp cận lại các nguồn tài trợ có tính chất ưu đãi từ IMF, WB và ADB cho các nỗ lực xóa đói giảm nghèo và tái thiết đất nước, mà quan trọng hơn, là cơ sở để Việt Nam tiếp cận nguồn vốn quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài xem xét quyết định đầu tư vào Việt Nam, làm tiền đề cho quá trình mở cửa, cải cách và tăng trưởng kinh tế sau đó.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1994-1999, trên cơ sở phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, NHNN đã chủ trì đàm phán và huy động gần 375 triệu SDR (khoảng 535 triệu USD) từ IMF, xấp xỉ 2,3 tỷ USD từ WB và khoảng 1,65 tỷ USD từ ADB cho các chương trình tín dụng hỗ trợ các nỗ lực cải cách vĩ mô và tái cơ cấu của Chính phủ và các dự án đầu tư trong các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế thời điểm đó như nông nghiệp, giao thông vận tải đô thị và nông thôn, giáo dục, thủy lợi, năng lượng, y tế, vệ sinh môi trường…
Việc huy động nguồn tài trợ ưu đãi từ các tổ chức này đã góp phần quan trọng giúp đáp ứng nhu cầu về vốn cho đầu tư vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho một đất nước vừa trải qua giai đoạn kéo dài chiến tranh và cấm vận, bước đầu xây dựng nền tảng cho phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ đối với hoạt động ngân hàng, ngay từ năm 1994, NHNN bắt đầu đàm phán và đến năm 1996 đã huy động được khoản tài trợ ưu đãi trị giá gần 50 triệu USD cho Dự án Hiện đại hóa hệ thống ngân hàng nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường tài chính, ngân hàng trong nước. Cùng với việc tham gia hệ thống SWIFT, việc thực hiện Dự án Hiện đại hóa hệ thống ngân hàng với sản phẩm cụ thể là hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN đã tạo nền móng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán và cung cấp dịch vụ ngân hàng của các NHTM Việt Nam.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ký kết Hiệp định viện trợ Dự án hỗ trợ kỹ thuật ứng phó khẩn cấp đại dịch Covid-19 |
Bên cạnh đó, với việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN năm 1995, kèm theo đó là các cam kết tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á (AFTA) và Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), hệ thống ngân hàng Việt Nam đã sớm chủ động, tích cực phát triển các mối quan hệ với cộng đồng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới, nới lỏng và mở rộng các điều kiện hoạt động cho các ngân hàng có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Trong hợp tác song phương, bên cạnh việc chú trọng phát triển quan hệ với các đối tác truyền thống như ngân hàng trung ương các nước Lào, Campuchia, NHNN bước đầu phát triển hợp tác với các đối tác như Ngân hàng Trung ương Nga, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các tổ chức phát triển của các quốc gia như Đức, Pháp, Thụy Điển, Hoa Kỳ… nhằm mục tiêu phát triển nghiệp vụ, tăng cường năng lực và đào tạo.
Đẩy mạnh hội nhập
Giai đoạn đầu những năm 2000 đặt ra các thách thức lớn cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á và những hệ lụy của nó dù không gây ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nhưng cũng có những tác động gián tiếp do những đình trệ trong hoạt động thương mại và sự chững lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài, cùng với đó là sự mất cân đối trong cơ cấu kinh tế bộc lộ ngày một rõ ràng. Khu vực ngân hàng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng, quy mô hoạt động nhỏ hẹp, năng lực điều hành yếu kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao. Trước tình hình đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu cho giai đoạn 2001-2010 là đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống của nhân dân; còn đối với khu vực ngân hàng, nhiệm vụ đặt ra là xây dựng hệ thống luật pháp đủ mạnh trước những thách thức của thời kỳ này và củng cố, sắp xếp lại hệ thống các NHTM cổ phần.
Nhìn vào các kết quả trong hợp tác và hội nhập quốc tế của NHNN giai đoạn này có thể thấy được đóng góp của hợp tác quốc tế trong việc triển khai các nhiệm vụ đó. Với các tổ chức tiền tệ tài chính quốc tế, trong giai đoạn 2000-2010, NHNN tiếp tục làm đầu mối đàm phán, huy động hơn 104 triệu SDR từ IMF, xấp xỉ 9,3 tỷ từ WB và khoảng 6,7 tỷ USD từ ADB cho hàng trăm chương trình/dự án trên hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế. Các chương trình, dự án hỗ trợ cho Việt Nam đều được xây dựng gắn với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam qua từng thời kỳ. Giai đoạn này đặc biệt đánh dấu những hỗ trợ dài hạn và mạnh mẽ của WB và ADB cho các nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, với chuỗi chương trình Tín dụng Hỗ trợ Giảm nghèo (PRSC) của WB kéo dài liên tục trong hơn 10 năm cùng các khoản đồng tài trợ ý nghĩa của ADB và các nhà tài trợ song phương khác.
Sự kiên trì, nghiêm túc trong đàm phán và thực hiện các cam kết của chương trình, mà NHNN có vai trò quan trọng với tư cách cơ quan điều phối, đã góp phần không nhỏ cho sự tin cậy mà các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam thông qua chương trình này. Giai đoạn này cũng đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận của NHNN và các cơ quan đầu mối trong huy động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn ưu đãi khác, thể hiện ở việc nâng cao tính chủ động, khả năng làm chủ đối với việc huy động và triển khai dự án, cũng như sự tăng cường đối thoại chính sách với cộng đồng quốc tế.
Đối với khu vực ngân hàng, NHNN tiếp tục huy động và triển khai một loạt các chương trình, dự án và hỗ trợ kỹ thuật từ IMF, WB, ADB và các nhà tài trợ song phương như JICA (Nhật Bản), CIDA (Canada) cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện tổ chức, tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, thanh tra giám sát và áp dụng chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Sau khi kết thúc chương trình vay IMF cuối cùng vào năm 2004, NHNN đã chủ động chuyển trọng tâm hợp tác với IMF sang đối thoại chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực nhằm mục tiêu phát triển năng lực phân tích, dự báo và hoạch định chính sách của Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng. NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng nước ngoài phát huy mạnh mẽ vai trò và hoạt động của Nhóm Công tác Ngân hàng với tư cách diễn đàn đối thoại chính sách quan trọng của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng.
Ông Mai Hữu Ích (giữa) Phó chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam kiêm Giám đốc Ngân hàng Thương Tín (mới) tại hội nghị ESCAP ở Bangkok tháng 9/1975 |
Đặc biệt, giai đoạn này chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong hội nhập khu vực và quốc tế của ngành Ngân hàng. Kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào đầu năm 2007, cùng với các cơ quan của Chính phủ, NHNN đã tham gia ngày một chủ động và hiệu quả vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành và đất nước. Trước việc ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) trở thành xu thế mới trong quan hệ kinh tế quốc tế, NHNN đã tích cực tham gia vào nỗ lực chung của Chính phủ trong đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các FTA song phương và đa phương với nhiều đối tác quan trọng. NHNN là thành viên ngày một tích cực trong hợp tác tiền tệ ngân hàng trong ASEAN, với việc tham gia chủ động trong lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN từ năm 2003 với 3 lĩnh vực chủ chốt là tự do hóa tài khoản vốn, phát triển thị trường vốn và tự do hóa dịch vụ tài chính.
Gia nhập WTO, ký kết các FTA và các nỗ lực mở cửa thị trường dẫn đến yêu cầu và nhu cầu phát triển mạnh mẽ hợp tác song phương giữa NHNN và các ngân hàng trung ương, các cơ quan quản lý tiền tệ - ngân hàng trên thế giới. Trong hơn 10 năm từ 2000-2010, NHNN đã chủ động đề xuất, đàm phán và ký kết 38 thỏa thuận hợp tác chung và hợp tác trong các lĩnh vực như thanh tra giám sát, thanh toán, đào tạo. Nếu như giai đoạn đầu nhiều thỏa thuận được ký kết với mục đích huy động hỗ trợ của đối tác cho việc phát triển và tăng cường năng lực của khu vực ngân hàng, thì các thỏa thuận ký trong giai đoạn sau cho thấy bước đầu sự chủ động hợp tác với tư cách đối tác bình đẳng theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Đây cũng là giai đoạn NHNN tăng cường chú trọng vào việc tham gia và có tiếng nói về các vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng trong các diễn đàn hợp tác liên chính phủ. Năm 2000, NHNN đã cùng Ngân hàng Trung ương Nga thành lập và đồng chủ trì Tổ Công tác Việt Nga về hợp tác ngân hàng, một diễn đàn quan trọng thúc đẩy hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực ngân hàng, phù hợp với tầm vóc mối quan hệ chung giữa hai nước.
Nâng cao vị thế
Giai đoạn 2010-2020, Việt Nam bước vào thập kỷ mới với thành tựu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng cũng sẵn sàng chuẩn bị cho những thách thức ở phía trước khi bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Đây là giai đoạn Chính phủ xác định mạnh mẽ sự tập trung vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Còn trong khu vực ngân hàng, bên cạnh nâng cao năng lực điều hành chính sách, tái cơ cấu khu vực ngân hàng trở thành nỗ lực liên tục và dài hạn.
Theo định hướng đó, hợp tác và hội nhập quốc tế của NHNN có những tiến triển quan trọng. Với IMF, NHNN tích cực hợp tác để khai thác hiệu quả hỗ trợ của IMF trong triển khai các hoạt động giám sát kinh tế vĩ mô, đối thoại, tư vấn chính sách, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực then chốt. Với WB và ADB, NHNN tiếp tục chủ động điều phối và huy động tài trợ tổng cộng trên 21 tỷ USD cho hơn 100 dự án nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng của quốc gia và các địa phương. Tương ứng với thành tựu phát triển kinh tế, các khoản tài trợ mà Việt Nam huy động được cũng giảm dần yếu tố viện trợ, tăng dần tính chất đầu tư. Đặc biệt, tháng 6/2017, Việt Nam chính thức “tốt nghiệp IDA”, tín hiệu cho thấy sự trưởng thành của nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra áp lực trả nợ đối với ngân sách. Trước tình hình đó, NHNN đã kiên trì vận động và đã được WB và ADB đồng ý hoãn trả nợ nhanh nguồn ưu đãi của hai tổ chức này.
Trong giai đoạn này, NHNN phát huy ngày một hiệu quả vai trò cổ đông tại IIB và IBEC trong các nỗ lực cải cách mạnh mẽ hai tổ chức này phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Không chỉ là một cổ đông có trách nhiệm và tiếng nói mang tính xây dựng vào quá trình cải tổ IIB và IBEC, NHNN đã tích cực hỗ trợ hai ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam, với hàng loạt khoản vay cho các NHTM và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và thương mại.
Trong hội nhập quốc tế, NHNN tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình đàm phán các FTA, góp phần vào việc đàm phán 9 FTA, trong đó có các hiệp định thế hệ mới quan trọng như CPTPP và RCEP. Với ASEAN, NHNN tham gia và có tiếng nói ngày một mạnh mẽ, dẫn dắt trong các sáng kiến hợp tác tài chính mới như Khuôn khổ hội nhập ngân hàng (ABIF), Hệ thống thanh toán (PSS), Tài chính Toàn diện (FINC) và Ủy ban tăng cường năng lực hỗ trợ hội nhập tài chính ASEAN (SCCB). NHNN cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính – ngân hàng trong khuôn khổ APEC, nổi bật với việc chủ trì các sự kiện liên quan đến chủ đề tài chính toàn diện trong năm APEC 2017.
Trong hợp tác song phương, NHNN chủ động xây dựng và triển khai các cơ chế hợp tác đặc thù với các đối tác, qua đó góp phần hỗ trợ các TCTD và nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam và tạo thuận lợi cho các TCTD Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Có thể kể đến 26 thỏa thuận hợp tác được ký trong giai đoạn này; việc tổ chức thường niên các hội nghị song phương cấp Thống đốc với các NHTW Lào, Campuchia, Thái Lan; sự ra đời và hoạt động của Nhóm Công tác hợp tác tài chính tiền tệ với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Nhóm Công tác chung về hợp tác kết nối thanh toán song phương bán lẻ sử dụng mã QR với NHTW Thái Lan; và hàng loạt các chương trình hợp tác, dự án hỗ trợ kỹ thuật với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, SECO Thụy Sỹ, ATTF Luxembourg, GAC Canada, đã góp phần tăng cường năng lực trên hầu khắp các lĩnh vực cho NHNN và ngành Ngân hàng. NHNN cũng đã chuyển dần từ vị thế cơ quan huy động và tiếp nhận sang cơ quan đối tác và bên cung cấp tư vấn, hỗ trợ trong quan hệ với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.
Dấu ấn đặc biệt cho thấy sự chủ động hội nhập của NHNN trong giai đoạn này là việc gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) mà Việt Nam tham gia với tư cách cổ đông sáng lập đầu năm 2016 và trở thành thành viên của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vào cuối năm 2020. Những thành tựu này khẳng định nỗ lực không mệt mỏi của NHNN trong việc nâng cao uy tín, vị thế, tiếng nói của ngành Ngân hàng và của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần tạo các mối quan hệ và liên kết đa phương chặt chẽ trong bối cảnh đất nước thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập.