Thăm nhà lưu niệm cố Tổng giám đốc Hoàng Anh
Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi thật may mắn khi được anh Lê Việt Sỹ, Phó giám đốc phụ trách NHNN Chi nhánh Thừa Thiên - Huế đưa đến thăm nhà lưu niệm cụ Hoàng Anh, nguyên Tổng giám đốc NHNN Việt Nam giai đoạn đất nước vừa được thống nhất (1976 - 1977). Anh Sỹ chia sẻ. Nhà lưu niệm được xây dựng và khánh thành vào năm 2011, nhưng rất ít người trong ngành được biết. Vào các dịp lễ hay kỷ niệm ngày thành lập ngành, chi nhánh thường tổ chức cho đoàn viên thanh niên các ngân hàng đến thăm và sinh hoạt truyền thống tại nhà lưu niệm.
Anh Lê Việt Sỹ, Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Thừa Thiên - Huế cùng tác giả đến thăm nhà lưu niệm cụ Hoàng Anh |
Địa điểm nhà lưu niệm cụ Hoàng Anh được xây dựng trên nền đất cũ của gia đình tại huyện Phong Điền, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 30km. Nhà gồm nhà rường ba gian hai chái truyền thống ở Huế cùng các hạng mục phụ trợ khác như: Nhà ngang, cổng, tường rào, bình phong, sân vườn… Ngôi nhà vừa làm nơi thờ những người thân trong gia đình, trong đó có con trai của cụ là liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Tam Hùng, phi công Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng phòng không, không quân, Bộ Quốc phòng, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau khi cụ Hoàng Anh mất năm 2016 cũng được thờ ở đây.
Hiện nhà lưu niệm được làm nơi giữ gìn, bảo tồn, sưu tập và trưng bày hiện vật, tranh ảnh về cuộc đời và hoạt động cách mạng cùng các tư liệu lịch sử về cụ Hoàng Anh. Những hình ảnh, hiện vật và tài liệu được trưng bày tại ngôi nhà phần nào tái hiện chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của một người Cộng sản, một bậc lão thành cách mạng, một người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên - Huế.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, với tinh thần yêu nước, chàng thanh niên Hoàng Anh đã dấn thân vào con đường cách mạng, để rồi trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc. Trong thời chiến cũng như thời bình, cụ đều giữ những chức vụ quan trọng của Đảng và chính quyền, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Từ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1954-1958); Bí Thư Trung ương Đảng (1958 - 1976); Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (1965 - 1967), Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu Trị Thiên (1967 - 1971), Phó Thủ tướng Chính phủ (1971 - 1976), Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (1976 -1977). Bộ trưởng Bộ Tài chính (lần 1 từ năm 1958 -1964; lần hai từ 1978-1982).
Trong rất nhiều tư liệu và hình ảnh được trưng bày tại nhà lưu niệm, tôi đặc biệt chú ý đến bức ảnh chân dung cùng dòng chia sẻ của cụ khi đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. “Tôi được chuyển làm Tổng giám đốc lúc tiến hành thống nhất Ngân hàng Quốc gia thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành một ngân hàng thống nhất của cả nước”.
Theo ông Trần Hữu Thí, người đã có 30 năm làm thư ký cho cụ Hoàng Anh: “Quan điểm của đồng chí Hoàng Anh về tài chính không phải đơn thuần chỉ làm nghiệp vụ tài chính mà phải biến tài chính thành công cụ tác động vào các ngành kinh tế khác, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển để tạo ra nguồn thu. Làm tài chính là phải lấy công cụ tài chính để tác động lên các ngành, nâng cao hiệu suất công tác, từ đó làm cho kinh tế phát triển. Tài chính đã cấp tiền ra là đòi hỏi phải đạt được các mục tiêu đề ra. Chính sách thuế khóa cũng phải làm sao để khuyến khích người dân làm việc có năng suất, hiệu quả hơn, có thu nhập thực tế. Với quan điểm này, đồng chí đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ toàn ngành. Một điều đáng phải học tập và trân trọng nữa là trong công tác cán bộ, đồng chí Hoàng Anh rất chú ý tới nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm lớp cán bộ trẻ, có kiến thức chuyên môn, có đạo đức và nhiệt huyết cách mạng. Nhờ vậy mà thế hệ cán bộ tài chính mới đã ngày một trưởng thành hơn, tiếp tục giữ vững nét son của ngành Tài chính: cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, trở thành lực lượng nòng cốt trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới”.
Anh Lê Việt Sỹ cho biết. Nhằm tôn vinh và tri ân người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định xây dựng nhà lưu niệm cụ Hoàng Anh tại quê nhà huyện Phong Điền và công nhận địa điểm lưu niệm là di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhà lưu niệm còn là một trong những địa chỉ đỏ về hoạt động giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng và sinh hoạt văn hóa cho các thế hệ người dân ở địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nơi đây, hàng năm thường diễn ra các buổi sinh hoạt văn hóa của cán bộ các ban, ngành và tuổi trẻ Thừa Thiên - Huế; là một trong những địa chỉ thu hút các bạn đoàn viên thanh niên trong các hoạt động hướng về cội nguồn, sinh hoạt truyền thống, điểm tổ chức hoạt động khuyến học, phát học bổng của Quỹ khuyến học Hoàng Anh cho các học sinh nghèo vượt khó ở địa phương…