Nhà máy in tiền quốc gia: Dấu ấn một thời
Năm 1984, Đảng và Nhà nước quyết định xây dựng một Nhà máy In tiền Quốc gia hiện đại để chủ động về phát hành tiền của nước nhà. Dự án K84 (DAK84) ra đời dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Nghĩa Bình làm Giám đốc DAK84. Từ bấy đến nay, Nhà máy In tiền Quốc gia đã đi vào hoạt động được 30 năm với biết bao thành tích đáng tự hào. Gắn với khoảng thời gian đó là biết bao dấu ấn thăng trầm, biết bao đóng góp âm thầm lặng lẽ nhưng vô cùng quan trọng của các thế hệ cha anh đi trước.
Để giúp bạn đọc hiểu hơn về những góc cạnh, chiều kích của một “nhà máy đặc biệt” chúng tôi xin giới thiệu những “tiếng nói” của một số người trong cuộc đã một thời gắn bó đời mình với Nhà máy In tiền Quốc gia.
Phòng triển lãm tranh về lịch sử của nhà máy trong 30 năm qua |
Ông Nguyễn Nghĩa Bình, cựu Giám đốc K84: K84 đi vào hoạt động trước sự thán phục của bạn bè quốc tế
Năm 1991, khánh thành Nhà máy In tiền Quốc gia. Từ đó Việt Nam đã chủ động được việc in ấn tiền tệ. Một Việt Nam nhỏ bé vừa thoát khỏi chiến tranh, nghèo về tài chính, thiếu về vật chất và yếu kém về khoa học kỹ thuật mà đã xây dựng được một nhà máy in tiền tầm cỡ quốc tế là điều rất đáng tự hào.
Nhưng để có được ngày vui đó, chúng tôi đã từng phải trải qua rất nhiều khó khăn và nỗ lực. Từ khâu xây dựng luận chứng kinh tế, kỹ thuật, đến thiết kế vận hành nhà máy, từ việc chọn đối tác nhập thiết bị đến đàm phán giá cả... chưa kể vấn đề chi phí để lắp đặt vận hành nhà máy vô cùng đắt đỏ.
Đơn cử, để có một nhà máy in tiền hiện đại đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, bên cạnh thiết kế kỹ thuật mang tính quyết định, thì phần thiết kế nhà xưởng, vỏ bao che cũng quan trọng không kém. Vì từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ thiết kế được những công trình nhỏ; một số công trình lớn thì đều nhập thiết bị toàn bộ (nguyên đai nguyên kiện) đã có đầy đủ thông số, thiết kế kỹ thuật. Chưa bao giờ phải mua thiết bị riêng lẻ rồi về tự thiết kế lắp đặt như K84 này.
Chưa kể, thiết bị nên chọn loại nào, đối tác ra sao, giá bao nhiêu là hợp lý...Tất cả đều là những câu chuyện dài và đầy “cân não”, đòi hỏi nhiều trí tuệ, bản lĩnh.
Sau rất nhiều cuộc họp bàn với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan như: Ngân hàng, Bộ Công an, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính... cuối cùng Việt Nam quyết định chọn đối tác là Công ty liên quốc gia có tên là Delurue Grori bao gồm Đức, Anh, Thụy Sỹ, Pháp... có trụ sở đặt tại Thụy Sỹ. Chọn đối tác xong rồi. Tiếp theo đó là khâu đàm phán.
Vấn đề là tiền đâu khi cần đến hàng trăm tỷ đồng để mua cả tấn máy móc thiết bị kia? Cái khó ló cái khôn. Cùng với việc huy động tổng lực nguồn tiền của cả nước, ông Nguyễn Văn Đạm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước ngày ấy là người có công rất lớn trong việc đàm phán với đối tác về phương thức thanh toán và mức lãi suất. Ông Đạm đã nghĩ ra một sáng kiến là đề nghị đối tác cho phép chúng ta chỉ trả trước một phần, số còn lại sẽ trả góp hàng năm với chi phí lãi suất. Từ chỗ đối tác yêu cầu mức lãi suất là 5%/năm, ròng rã mấy tháng trời đàm phán qua lại, cuối cùng họ đã đồng ý hạ xuống còn 3%/năm. Qua đó cho thấy số tiền đã tiết kiệm được lớn đến thế nào!
Phải nhượng bộ hết lần này đến lần khác, cuối cùng họ ép mình về tiến độ lắp đặt. Nếu sau một tháng kể từ ngày ký hợp đồng mà Việt Nam không chuẩn bị xong đầy đủ cơ sở nhà xưởng với các thông số kỹ thuật chính xác như họ yêu cầu để họ đưa chuyên gia sang lắp đặt thì phía họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu máy móc bị hư hỏng.
Nhưng phía đối tác đã không thể ngờ, chỉ sau 173 ngày dồn tổng lực để chạy đua với thời gian, một khu nhà xưởng rộng chừng bốn nghìn mét vuông, với đòi hỏi kỹ thuật chuẩn xác về nhiệt độ, độ ẩm đúng tiêu chuẩn quốc tế đã sẵn sàng. Nhà máy In tiền Quốc gia hay còn gọi là K84 đã hoàn thành đúng tiến độ và đi vào hoạt động trước sự ngạc nhiên thán phục của bạn bè quốc tế, đặc biệt là phía đối tác, Công ty Delurue Grori.
Nguyên Giám đốc Bùi Công Lư: Từ khi có Nhà máy In tiền Quốc gia, ngành in tiền nước ta bước vào kỷ nguyên mới
Từ những năm 1980, chúng ta đã bắt đầu suy nghĩ tới việc xây dựng Nhà máy in tiền. Năm 1984, Nhà nước quyết định chính thức xây dựng Nhà máy In tiền Quốc gia. Do tính chất quan trọng của dự án nên công trình được xếp thuộc nhóm những công trình trọng điểm quốc gia thời đó, bên cạnh các công trình Thuỷ điện Hoà Bình, Cầu Thăng Long, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Vì vậy, mặc dù trong hoàn cảnh kinh tế kiệt quệ nhưng Nhà nước vẫn dành sự ưu tiên nguồn lực rất lớn.
Năm 1991, khi Nhà máy In tiền Quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động đã đánh dấu sự kiện quan trọng đối với Ngân hàng Nhà nước nói chung và ngành in tiền nói riêng. Có thể nói, ngành in tiền nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển nhảy vọt từ thô sơ lạc hậu đến hiện đại. Chẳng những chúng ta chấm dứt việc lệ thuộc vào việc in tiền ở nước ngoài, mà còn có thể đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về in tiền cho phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta có thể in tất cả các loại mệnh giá tiền từ thấp đến cao, với các cấp độ bảo an khác nhau, trên các loại vật liệu khác nhau.
Hơn nữa, trong quá trình sản xuất, nhà máy vẫn luôn cập nhật, đầu tư công nghệ và kỹ thuật, máy móc thiết bị mới, nên nhà máy luôn đáp ứng yêu cầu in tiền của nhà nước. Bằng chứng là năm 2003, khi được giao nhiệm vụ in tiền polymer, Nhà máy In tiền Quốc gia đã thực hiện thành công ngoạn mục, góp phần chấm dứt nạn tiền giả trước đó.
Nguyên Phó Giám đốc, Trưởng phòng kỹ thuật Trương Đông Hải: Đầu tư cho Nhà máy In tiền Quốc gia cực kỳ tốn kém
Một máy bấy giờ là trăm tỷ, mà chúng ta cần hàng chục máy các loại. Nhưng với chủ trương đi tắt đón đầu, từ công nghệ in offset bình thường, chúng ta đã quyết định tiến thẳng, nhập ngay những thiết bị, công nghệ hiện đại nhất thế giới về in tiền mà không phải đi lòng vòng, từng bước.
Khi đã có thiết bị máy móc, quan trọng nhất là tổ chức thế nào. Mặc dù trước đó, chúng tôi đã được sang Liên Xô đào tạo các công đoạn từ a-z, nhưng khi về nhìn thấy máy móc lắp đặt quá hiện đại vẫn không khỏi bị “choáng”, vì Liên Xô cũng không có máy như vậy, máy lúc đó của chúng ta hiện đại nhất thế giới.
Chúng tôi được học công nghệ in của Liên Xô, tham khảo công nghệ in của CHDC Đức nhưng mỗi nước một khác. Về Việt Nam ta, cái hay là máy móc hiện đại nhưng cái khó là chưa biết cách vận hành. Phải xây dựng được một quy trình phù hợp, đưa ra những nguyên tắc, chia ra những công đoạn: an toàn trong sản xuất, an toàn trong an ninh phải xây dựng từ đầu. Căn cứ vào đó, Ban lãnh đạo nhà máy mới có thể quyết định cần bao nhiêu người, số lượng ra sao, để đảm bảo sản xuất an toàn và an ninh. Vì Nhà máy In tiền Quốc gia mà nếu để xảy ra sơ xuất, có thể ảnh hưởng lớn đến sự an ninh an toàn của xã hội.
Từ quy trình, chúng tôi quy định tới từng người tham gia vận hành. Ví dụ một tờ tiền thấy không đạt chất lượng, căn cứ số seri thì biết được nên đầu là ai in, in khung là ai in, ai là người kiểm tra chất lượng… Chỉ cần khoảng 15 phút là máy tính sẽ truy xuất ra được ngay. Do có quy trình chặt chẽ, kỷ luật nhà máy cực kỳ nghiêm nên Nhà máy In tiền Quốc gia đã luôn đảm bảo an toàn, an ninh trong sản xuất. Và chúng tôi gần như nắm được toàn bộ công nghệ in tiền hiện đại nhất lúc bấy giờ. Sau này, khi Nhà nước có chủ trương in tiền polymer, chúng tôi cũng đã nhanh chóng tiếp nhận công nghệ in vật liệu polymer và rất thành công in vật liệu này. Đến nay, Nhà máy tiếp tục phát triển, bổ sung và hoàn thiện công nghệ ngày một hiện đại hơn.
Đại tá, Trưởng phòng An ninh tiền tệ (Bộ Công an) Phạm Thị Nhàn: Từ cuối những năm 90, đầu năm 2000, lượng tiền giả trôi nổi ngoài thị trường là rất lớn
Theo thống kê của Cục Phát hành và Kho quỹ, thời kỳ 1997-2004, Ngân hàng, Kho bạc thu được rất nhiều tiền giả, chủ yếu loại 10.000 đồng và 100.000 đồng. Chưa tính số lượng tiền giả trôi nổi ngoài thị trường, không thống kê được. Lúc bấy giờ người dân rất hoang mang.
Tiền giả xuất hiện nhiều nhất từ những năm 1990 – 2000. Nó luôn trôi nổi trên thị trường. Tiền giả kỹ thuật cao từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ từ tháng 10/1995. Thông qua công tác đấu tranh các đường dây buôn bán tiền giả từ biên giới đưa về, qua giám định của Bộ Công an cho thấy, tiền giả được in ở nhiều ổ tội phạm, rất phức tạp. Do đường biên giới của ta với phía Trung Quốc rất dài và địa hình sông núi hiểm trở, nên tiền giả chủ yếu đưa vào nước ta qua các đường ngang ngõ tắt.
Chúng tôi đã từng triệt phá rất nhiều ổ tiền giả, những đường dây buôn bán tiền giả, mua tiền giả từ Trung Quốc đưa về Việt Nam, nhất là ở các trọng điểm như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai... Giá tiền giả theo mệnh giá, đồng tiền mệnh giá càng cao thì giá càng rẻ và ngược lại. Từ năm 2003, sau khi tiền polymer ra đời, tiền giả rất dễ bị phát hiện, do đó, công tác đấu tranh chống tiền giả của chúng tôi đỡ gian nan, vất vả hơn trước rất nhiều. Cho nên, có thể nói rằng, giai đoạn từ cuối những năm 90, đầu năm 2000 là giai đoạn đấu tranh chống nạn tiền giả rất gian khổ, là dấu ấn đáng nhớ trong hoạt động nhiệm vụ của chúng tôi.