Đạo đức cách mạng của cán bộ ngân hàng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh. Người đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Mọi việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Người luôn quan tâm rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng và chính cuộc đời hoạt động của Người là tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng. Người nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Người rất chú trọng biểu dương, động viên và khích lệ những gương người tốt, việc tốt, những tập thể và cá nhân có hành động tốt và dũng cảm trong chống tham ô, lãng phí, bảo vệ của công. Người coi việc “Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất” cũng là một cách lãng phí về tiền của. Người cho rằng, “trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hại hơn nữa” .
Ngày 20/2/1952, trong bức thư gửi cán bộ tài chính - ngân hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất cụ thể: “Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mạng: chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ”.
Người cũng cho rằng, có tài mà không có đức là người vô dụng, nhưng có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Cho nên, “đức” là gốc nhưng “đức” và “tài” phải kết hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Vì cán bộ ngân hàng phụ trách nhiều tiền của nên phải “chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính” và “tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tức là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm; phải thấy rõ "lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta". Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của dân, của nước, của bản thân mình; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to; "không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi", không phô trương hình thức. Liêm tức là "luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân"; "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân"; phải "trong sạch, không tham lam". "Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa". Chính nghĩa là “không tà, thẳng thắn, đứng đắn”. Đối với mình: không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình; đối với người: không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc; đối với việc: để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Người nói: "Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc". “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”; phải "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ".
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem việc tự rèn luyện, phê bình, tự phê bình là điều kiện cơ bản để hình thành và giữ vững đạo đức cách mạng. Người đã nêu rõ những tệ nạn cần phải chống gồm ba loại hình là tham ô, lãng phí, quan liêu. Người coi những tệ nạn đó là tội ác, là kẻ thù khá nguy hiểm của nhân dân, là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến, là thứ “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng” phá từ trong phá ra. Người đã chỉ rõ tội lỗi của những kẻ tham ô, lãng phí quan liêu cũng nặng như tội lỗi "Việt gian, mật thám". Theo Người, mục đích của tự phê bình và phê bình là “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ; cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ” .
Những chuẩn mực trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được triển khai thực hiện một cách toàn diện, lan tỏa sâu rộng bằng Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức nói chung và cán bộ ngành Ngân hàng nói riêng có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói chung, mà còn có ý nghĩa trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành Ngân hàng nói riêng.
Đặc thù của nghề ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro, nên cần phòng ngừa, quản trị và xử lý các rủi ro phát sinh, bảo đảm hoạt động an toàn, trôi chảy và hiệu quả. Sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng quyết định đến sự an toàn, ổn định của nền kinh tế. Chính vì vậy, mỗi cán bộ ngân hàng cần phải suy ngẫm về những căn dặn hết sức quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tại bức thư gửi cán bộ ngành tài chính - ngân hàng năm 1952, ý thức rõ hơn nữa đặc thù nghề nghiệp để hiểu và tuân thủ những yêu cầu, quy định khắt khe của Ngành, trong đó rất quan trọng là xây dựng đạo đức cách mạng tương ứng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành Ngân hàng đang đứng trước những yêu cầu mới về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Do vậy, thấm nhuần những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ ngành Ngân hàng cần tiếp tục học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Để nêu cao những phẩm chất đạo đức cần thiết, xây dựng hình ảnh đẹp đối với xã hội, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành Ngân hàng, mỗi cán bộ ngân hàng cần thực hiện tốt những căn dặn của Người ở mọi lúc, mọi nơi, mọi vị trí công tác, đã được quy định thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Cụ thể như sau:
Tính tuân thủ: Mỗi cán bộ ngân hàng cần chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kỷ luật của Ngành; chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan, đơn vị. Do tính chất của công việc và yêu cầu của nhiệm vụ, cán bộ ngân hàng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, vì vậy, cán bộ ngân hàng phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Yêu cầu bắt buộc hàng đầu mà người cán bộ ngân hàng phải luôn ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc như tuân thủ pháp luật về ngân hàng và các quy định pháp luật khác; tuân thủ quy trình nghiệp vụ chung của Ngân hàng Nhà nước nói chung và của riêng từng ngân hàng.
Sự cẩn trọng: Cùng với tính tuân thủ, cẩn trọng mọi công việc là yêu cầu không thể thiếu, nhằm tránh sai sót, gây hậu quả khó lường. Làm ngân hàng không cho phép sự liều lĩnh, mạo hiểm, cần sự chắc chắn trong từng khâu.
Sự liêm chính: Đây là yêu cầu đối với mọi ngành nghề, song, đối với đặc thù của nghề ngân hàng - gắn với tiền, càng đòi hỏi người cán bộ ngân hàng phải rèn luyện phẩm chất này, phải kiên định, bản lĩnh, tránh sự cám dỗ của đồng tiền.
Phải luôn thẳng thắn, trung thực, luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, lên án những cái xấu, cái sai trái. Đức tính này đòi hỏi cán bộ phải làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không trung thực, cơ hội, lợi dụng chức quyền làm việc bất minh; không tự cao, tự đại; luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình; luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà. Đặc biệt, không vì lợi nhuận mà chấp nhận làm những việc không đúng quy định, mà dù trong hoàn cảnh nào, cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành và thực thi nhiệm vụ một cách đúng mực, nghiêm túc.
Sự tận tâm và chuyên cần: Cán bộ ngân hàng cần có sự tận tâm và chuyên cần để hoàn thành tốt nhiệm vụ, không ngừng nâng cao năng lực của bản thân, ngày càng tinh thông nghiệp vụ, từ đó càng đam mê, yêu nghề, gắn bó với nghề và cống hiến được nhiều nhất cho nghề. Sự chu đáo, tận tâm trong quan hệ với khách hàng sẽ tạo ra chất lượng dịch vụ và sự hài lòng, chiếm được lòng tin của khách hàng.
Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng: Đây là yêu cầu mới đặt ra nhằm đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh công nghệ ngân hàng đang phát triển nhanh, mô hình hoạt động của ngân hàng đang trong thời kỳ chuyển đổi từ mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, ứng dụng công nghệ số trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, cán bộ ngân hàng cần sẵn sàng tiếp thu cái mới, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo cả trong tư duy và phong cách làm việc. Cùng đó, áp lực cạnh tranh gia tăng, cán bộ ngân hàng cần nâng cao khả năng thích nghi với điều kiện, môi trường xung quanh. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ ngân hàng còn phải là tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc được giao, mang lại hiệu quả cao trong công việc mình đảm nhiệm. Tính hiệu quả là yêu cầu không thể thiếu trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là đối với cán bộ ngân hàng trong giai đoạn đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hội nhập quốc tế.
Ý thức bảo mật thông tin: Bảo mật thông tin ngân hàng và khách hàng là trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, vì lộ lọt thông tin có thể gây tổn hại đến tài sản, thương hiệu, uy tín của ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Trong thời đại mà thông tin, dữ liệu là nguồn tài nguyên quý báu như hiện nay, yêu cầu về bảo mật thông tin của khách hàng, của ngân hàng và của chính từng người trở nên hệ trọng và cấp thiết.
Bên cạnh đó, cần nghiêm túc thực hiện 02 quy tắc ứng xử: ứng xử trong nội bộ (ứng xử của cán bộ cấp dưới với cấp trên, cán bộ cấp trên với cấp dưới và đồng cấp với nhau) và ứng xử với bên ngoài (ứng xử với khách hàng và đối tác bên ngoài). Thái độ, phong cách, tác phong làm việc và giao tiếp trong quan hệ nội bộ và với bên ngoài thể hiện tính lịch sự và chuyên nghiệp của người cán bộ ngân hàng, từ đó tạo ra không khí làm việc nghiêm túc, tạo môi trường làm việc lành mạnh, giúp cho bộ máy ngân hàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài vận hành trôi chảy, thúc đẩy ngân hàng phát triển theo tầm nhìn chiến lược của ngân hàng, đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của nhân viên cũng như của khách hàng và xã hội.