Đức và tài phải là chỉnh thể thống nhất
Sinh thời, bên cạnh việc cần thiết nâng cao trình độ chuyên môn, Bác đã rất chú trọng đến yêu cầu về đạo đức đối với cán bộ ngân hàng là phải "Chí công, vô tư, Cần, Kiệm, Liêm, Chính" và "tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu".
Đức và tài cần được thể hiện trong một chỉnh thể thống nhất ở người cán bộ ngân hàng, cũng được xem là tiêu chí chung nhất đối với người cán bộ, công chức khi thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình.
CẦN là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong lao động, lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỉ lại, không dựa dẫm. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải thấy rõ “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta”. Trong giai đoạn hiện nay, "cần" còn phải là làm việc có phương pháp, có khoa học, có kế hoạch và năng suất cao; tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc được giao, mang lại hiệu quả cao trong công việc mình đảm nhiệm. Tính sáng tạo, tính hiệu quả là yêu cầu không thể thiếu trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là đối với cán bộ ngân hàng trong giai đoạn đổi mới, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hội nhập quốc tế. Các cán bộ ngân hàng, mà đặc biệt là các cán bộ trực tiếp làm công tác đối ngoại ngành Ngân hàng cần có khả năng thích nghi, biết học tập và tiếp thu cái mới để đáp ứng được yêu cầu của công việc trong giai đoạn mới.
KIỆM là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí của cải vật chất và tinh thần của nhân dân, gia đình và xã hội. Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời gian bởi “của cải nếu hết còn có thể làm thêm; khi thời giờ qua rồi không bao giờ kéo nó trở lại được”. Bác đã dạy: “Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người”, cũng giống như “khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm” (trích Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia).
LIÊM là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, không tham địa vị, luôn tôn trọng và giữ gìn của công. Liêm là phẩm chất của người cán bộ trong thi hành công vụ. Cán bộ ngân hàng lại càng cần lưu ý, rèn giũa phẩm chất này, vì cán bộ ngân hàng quản lý tiền của, nếu không nghiêm minh, liêm khiết, lại tham lam của cải, vật chất, vi phạm các thói xấu như tham ô, móc ngoặc, hối lộ, tư lợi bất minh... thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự và mang lại hậu quả khó lường trong việc thực thi nhiệm vụ và không mang lại được niềm tin cho nhân dân, làm suy yếu xã hội.
CHÍNH là ngay thẳng, chính trực, luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa, lên án những cái xấu, cái sai trái. Đức tính này đòi hỏi cán bộ phải làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, không trung thực, cơ hội, lợi dụng chức quyền làm việc bất minh. Đối với mình không tự cao tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ được, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”.
CHÍ CÔNG là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. "Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau", "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Có chí công, vô tư thì mới không vị kỷ, không vì lợi ích cá nhân, đầu óc mới tỉnh táo, sáng suốt, không tham tiền tài, địa vị, danh vọng. Lúc đó, mọi việc làm mới công tâm, khách quan. Đây là chuẩn mực của người lãnh đạo, người giữ cán cân công lý, không được vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật.
"Cần, kiệm, liêm, chính" có quan hệ chặt chẽ với nhau và với "chí công, vô tư". "Cần, kiệm, liêm, chính" sẽ dẫn đến "chí công, vô tư". Ngược lại, đã "chí công, vô tư", một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng thì nhất định sẽ thực hiện được "cần, kiệm, liêm, chính".
Sự gương mẫu về đạo đức là một trong những chuẩn mực đặc trưng của nền công vụ. Người có quyền lực càng lớn, địa vị càng cao thì càng phải thường xuyên tu dưỡng và làm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp.
Những lời Bác căn dặn ấy vẫn luôn thấm nhuần trong từng người cán bộ ngân hàng, mà đặc biệt là người cán bộ làm công tác đối ngoại ngành Ngân hàng. Dù ở thời bình hay thời chiến, các cán bộ đối ngoại vẫn luôn giữ tâm sáng, một lòng vì nước vì dân, nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đưa những phẩm chất đạo đức, những đức tính cần thiết ấy vào cụ thể trong từng nhiệm vụ chính trị được giao. Nhờ vậy mà nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Mỗi nỗ lực, phấn đấu và tâm huyết của từng người đã và đang góp sức làm nên sự thành công và phát triển của ngành và đất nước.
Trang sử hào hùng của đất nước về một con đường huyền thoại - con đường tiền tệ độc nhất vô nhị trên thế giới - đã được viết ra nhờ có sự đóng góp không nhỏ của những người cán bộ đối ngoại ngành Ngân hàng. Họ là những người mưu trí, thao lược, có năng lực, hiểu biết sâu rộng về nghiệp vụ, thông thạo ngoại ngữ, sáng tạo, ý chí quả cảm, tuyệt đối trung thành, gan dạ và dũng cảm.
Trong những năm qua, phù hợp với định hướng của ngành, NHNN đã chủ động, tích cực huy động được đáng kể các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực và thể chế cho các cơ quan của Việt Nam, trong đó bao gồm các lĩnh vực đổi mới khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ, tài chính toàn diện, tài chính xanh, tài chính vi mô, Fintech, ngân hàng số. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Bằng khen dành cho Vụ Hợp tác Quốc tế - NHNN do có thành tích xuất sắc trong công tác vận động hoàn trả nợ nhanh nguồn vốn ODA, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.
“Làm gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Học tập và làm theo tấm gương của Bác, các cán bộ đối ngoại ngành Ngân hàng đã và đang không quản ngại khó khăn, vất vả, đem hết nhiệt huyết, trí lực và thời gian của mình dành cho công việc chung của đất nước.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, NHNN đã mau chóng tiếp cận các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế huy động nguồn lực bổ sung cho các nỗ lực ứng phó của Chính phủ và nền kinh tế.
Ngoài ra, NHNN đã quán triệt chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc chưa xem xét đoàn ra, đoàn vào trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm kinh phí công tác nước ngoài. NHNN ban hành nhiều công văn hướng dẫn các đơn vị chủ động tiết giảm kinh phí. Kinh phí đoàn ra năm 2020 của NHNN đã được cắt giảm khoảng 51,89% giúp tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Chặng đường 70 năm qua đi với biết bao khó khăn, thách thức, biến động, thậm chí cả hiểm nguy. NHNN có thể được ví như ngôi nhà chung thân yêu, nơi chúng ta đã và đang gắn bó và tiếp sức dựng xây, vẫn đứng vững trường tồn qua năm tháng. Vị thế và tiếng nói của NHNN và của Việt Nam tại các diễn đàn và tổ chức tài chính tiền tệ, ngân hàng quốc tế tiếp tục được củng cố, mạnh mẽ, thuyết phục và nâng cao hơn. Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế ngành Ngân hàng sôi động mang lại nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn, giúp ngành Ngân hàng trong nước tiếp cận với công nghệ mới và thành quả của tiến trình phát triển thị trường tài chính quốc tế. Tiếp nối thế hệ cha anh đi trước, chúng tôi luôn trân trọng, khắc ghi lời Bác dạy, ra sức thi đua, tu dưỡng, rèn luyện và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, góp phần xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Trong thời gian tới, các cán bộ đảng viên làm công tác đối ngoại của Ngành cần tiếp tục trau dồi hơn nữa cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức cách mạng:
- Thứ nhất, bám sát chủ trương, chính sách và định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị về tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt vai trò là đại diện của nước CHXHCN tại các tổ chức tài chính quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích chung của đất nước; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một NHTW hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
- Thứ hai, mỗi cán bộ phải có đủ trình độ cả hai lĩnh vực chính trị và chuyên môn, trong đó cái gốc là chính trị, chuyên môn là quan trọng. Câu nói “hồng trước chuyên sau”, “hồng thắm thì chuyên mới thâm” thể hiện tiêu chuẩn cho một cán bộ tốt. Nếu chỉ có hồng mà không có chuyên sẽ không đáp ứng được nhu cầu phục vụ hay lãnh đạo. Nếu chỉ đơn thuần chuyên môn mà không có trình độ chính trị thì sẽ không vững vàng. Có trình độ chính trị là điều kiện cho chuyên môn phát triển. Do vậy, các cấp ủy cần tiếp tục đề cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng kế hoạch và tăng cường vai trò và sự lãnh đạo trong việc giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng cho Đảng viên và quần chúng. Tiếp tục hướng dẫn các đảng viên học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đối ngoại ngành Ngân hàng, đồng thời trang bị các kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ, ngoại giao, đàm phán cần thiết để đảm bảo linh hoạt trong xử lý các công việc cụ thể.
- Thứ ba, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của các cán bộ trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài. Xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp ủy. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình kiểm tra, giám sát của Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy cơ quan NHTW.
- Thứ tư, tăng cường sự liên thông trong công tác đảng và chính quyền. Phối hợp với lãnh đạo Vụ làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ một cách khách quan, toàn diện. Xây dựng, cập nhật và triển khai tốt Quy chế làm việc của Chi ủy, Quy chế phối hợp công tác giữa cấp ủy với Ban lãnh đạo Vụ và Công đoàn, Đoàn thanh niên. Chỉ đạo sát sao các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên triển khai việc tăng cường công tác xây dựng phát triển đảng. Quan tâm cập nhật thường xuyên danh sách cảm tình đảng, tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng kết nạp đảng, đảng viên mới tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị.