Cần chủ động với điều tra phòng vệ thương mại
Chủ động trước phòng vệ thương mại |
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết luận sơ bộ vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Kết luận sơ bộ của DOC cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiện, Mỹ đang áp dụng thuế chống bán phá giá với sản phẩm này của Trung Quốc lên tới 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98 - 194,9%.
Với kết luận này, DOC sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) dừng thông quan và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ kể từ ngày 17/6/2020 (ngày thông báo khởi xướng điều tra) đối với các trường hợp bị áp dụng biện pháp.
Các bên liên quan có quyền gửi thuyết trình bằng văn bản đối với kết luận sơ bộ của DOC và văn bản đề nghị tổ chức phiên điều trần đối với các nội dung tranh cãi lên DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo kết luận sơ bộ (25/7/2022).
DOC dự kiến sẽ tiến hành thẩm tra để xác minh thông tin trước khi ban hành kết luận cuối cùng (17/10/2022).
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, vừa qua, DOC đã từ chối bản thuyết trình của 40 doanh nghiệp Việt sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm cho nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm (scope inquiry). Nguyên nhân là do 40 doanh nghiệp này nộp bản thuyết trình muộn hơn thời hạn quy định (deadline).
DOC đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động gỡ bỏ/xóa các tập tài liệu (file) đã nộp trên hệ thống.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của chính doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tủ gỗ tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan này trong suốt quá trình của vụ việc.
Gần đây, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do các cáo buộc Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính hoặc các hình thức khác nhau để lẩn tránh phòng vệ thương mại đang được áp dụng với một quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết tháng 7/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm tỷ lệ 78%.
Rõ ràng để xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần phải sẵn sàng, chủ động đối phó với các vụ việc này. Do đó, không chỉ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam liên quan đến ngành gỗ mà các hiệp hội ngành nghề khác mong muốn cơ quan chức năng như Cục Phòng vệ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn để giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với các cáo buộc trên, tránh tình trạng vụ việc lấy ý kiến điều tra chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng doanh nghiệp không kịp phản hồi thông tin với phía điều tra, dẫn tới bị cáo buộc không hợp tác, không phản hồi thì đối diện với nguy cơ bị áp dụng phòng vệ thương mại.
Trước đó, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, khuyến cáo doanh nghiệp nên tham gia điều tra. Bởi trong trường hợp có kết quả tốt, doanh nghiệp có thể không bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp. Còn nếu doanh nghiệp không nỗ lực tham gia điều tra thì rất có thể bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức độ khác nhau. Thậm chí, sẽ đối diện với rủi ro phá sản rất cao nếu bị áp đặt các loại thuế phòng vệ hà khắc.