Cần cụ thể ưu đãi và đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu
Một trong những điểm mới của Dự thảo Nghị định là bổ sung quy định bảo đảm cạnh tranh đối với nhà thầu phụ, nhà thầu phụ đặc biệt.
Dự thảo đề ra 2 phương án. Phương án 1: Nhà thầu phụ đặc biệt khi tham dự thầu cùng nhà thầu theo quy định tại khoản 26 Điều 4 của Luật Đấu thầu phải đáp ứng quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này. Phương án 2: Nhà thầu phụ không phải đáp ứng quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu.
Để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, tránh trường hợp nhà thầu thông đồng với Chủ đầu tư, đưa thầu phụ là các công ty có quan hệ phụ thuộc với Chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn lập dự toán để tiếp cận sớm nguồn thông tin, tạo ưu thế trong đấu thầu, đại diện Tổng Công ty cổ phẩn Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất Nghị định xem xét quy định theo Phương án 1.
Cần cụ thể hóa các ưu đãi đối với nhà thầu, làm rõ nội hàm, thủ tục hành chính cần thiết để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi dễ thực hiện |
Một trong những điểm được các DN, chuyên gia đánh giá cao Dự thảo Nghị định có nhiều quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu gồm: ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi đối với nhà sản xuất trong nước được chuyển giao công nghệ để sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; ưu đãi đối với nhà sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trên cơ sở sáng chế hoặc kết hợp một phần chuyển giao công nghệ; ưu đãi đối với đấu thầu trong nước; ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái, nhãn xanh, nhãn năng lượng và tương đương.
“Chúng tôi nhận thấy những ưu đãi này sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh... Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất cần phải cụ thể hóa các ưu đãi đối với nhà thầu, làm rõ nội hàm, thủ tục hành chính cần thiết để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi dễ thực hiện cũng như phải biết làm gì để hưởng các ưu đãi này trong quá trình tham gia đấu thầu”, đại diện Vinaconex phân tích.
Về “ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam có quy định ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam” quy định tại Điều 5 dự thảo Nghị định, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được chia làm 2 mức ưu đãi: hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước dưới 50% và hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước trên 50%. Để hưởng các mức ưu đãi này thì Nhà thầu phải có giấy tờ chứng minh hàng hóa dự thầu có xuất xứ Việt Nam. Bên mời thầu căn cứ vào các tài liệu nhà thầu cung cấp để đánh giá mức độ được hưởng ưu đãi của nhà thầu.
Tuy nhiên, Vinaconex chỉ ra việc xác định cụ thể tỷ lệ % chi phí sản xuất trong trong nước rất khó thực hiện và bóc tách, khó chứng minh và cũng khó kiểm chứng. Do vậy, chỉ nên quy định 1 mức ưu đãi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc trong trường hợp cần thiết phải quy định tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi thì các ngành, các lĩnh vực riêng, đặc thù sẽ có quy định cụ thể tùy vào tình hình thực tế của ngành, nghề đó.
Hiện nay quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng chỉ áp dụng 100% với các gói thầu thuộc dự án đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước thuộc lĩnh vực hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 500 tỷ đồng, trừ gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ.
Do việc lựa chọn nhà thầu qua mạng là bước đi đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước nhằm công khai, minh bạch quá trình đấu thầu và theo lộ trình đến năm 2025, toàn bộ các gói thầu sẽ phải triển khai tổ chức đấu thầu qua mạng.
Vì vậy, đại diện Vinaconex đề xuất: Đối với các gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ không bắt buộc phải áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng nhưng cũng không hạn chế, khuyến khích chủ đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu thuộc dạng này.
Cũng liên quan đến đấu thầu qua mạng, đại diện CTCP Tập đoàn Đạt Phương phân tích. đề xuất xem lại Mục a, b khoản 19 điều 122: “a) Phạt hợp đồng theo quy định trong hợp đồng đối với tất cả các thành viên liên danh; b) Tịch thu giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng của tất cả thành viên liên danh;” Đề nghị chỉ áp dụng đối với thành viên liên danh vi phạm hợp đồng vì trong 1 liên danh có thể từ 2, đến nhiều nhà thầu trong khi các thành viên không thể chịu trách nhiệm đối với phần khối lượng công việc của các thành viên khác được.
Khoản 22.Điều 122 quy định “Trường hợp nhà thầu đang trong quá trình tham dự thầu nhưng bị sáp nhập hoặc chia tách thì được xem xét, quyết định việc cho phép nhà thầu đã bị sáp nhập hoặc chia tách đó tiếp tục tham gia đấu thầu. Trường hợp pháp nhân được tách trước đó không phải là một đơn vị hoạt động độc lập về nhân sự, máy móc, thiết bị gồm chi nhánh, xí nghiệp, văn phòng đại diện thì sau khi tách, pháp nhân được tách không được thừa hưởng năng lực, kinh nghiệm trong đấu thầu của pháp nhân bị tách”.
Đại diện CTCP Tập đoàn Đạt Phương đề xuất làm rõ hơn về trường hợp: Pháp nhân được tách ra là một đơn vị hạch toán độc lập về nhân sự, máy móc, thiết bị gồm chi nhánh, xí nghiệp, văn phòng đại diện thì sau khi tách, pháp nhân được tách có được thừa hưởng năng lực, kinh nghiệm trong đấu thầu của pháp nhân bị tách hay không?