Đấu thầu thiết bị y tế: Ưu tiên giá thấp, chất lượng khó đảm bảo
Ảnh minh họa |
Góp ý vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mới đây, các nhà đầu tư cho rằng, quy định về đấu thầu cho trang thiết bị y tế cần phải công khai, minh bạch và bình đẳng cùng có lợi, trong đó lấy người bệnh làm trung tâm để người bệnh được tiếp cận với các trang thiết bị y tế chất lượng, hiện đại với chi phí hợp lý phải là mục tiêu hàng đầu của các nhà làm luật.
Bà Trương Thị Tố Hoa - Trưởng Ban Pháp chế, Tiểu ban Trang thiết bị y tế và Chẩn đoán, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) - đại diện cho 27 công ty đa quốc gia trong ngành tại Việt Nam - đề xuất không áp dụng mua sắm tập trung với trang thiết bị y tế được quy định trong Điều 53, khoản 2 Dự thảo bởi khó triển khai trên thực tế. Như giữa năm 2018, Bộ Y tế phê duyệt Đề án thí điểm mua sắm tập trung cho 4 nhóm vật tư y tế bao gồm: Thủy tinh thể nhân tạo các loại; giá đỡ (stent) động mạch vành, kim luồn tĩnh mạch và bóng nong đối với các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2019 - 2020. Theo kế hoạch việc tổng hợp nhu cầu mua sắm của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ hoàn thành trước ngày 10/9/2018; tổ chức lựa chọn nhà thầu hoàn thành trước ngày 20/11/2018... Song đến tháng 8/2019, tức là gần 1 năm sau, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới được phê duyệt với giá dự toán là hơn 1.023 tỷ đồng. Trong đó, một số loại vật tư y tế không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu. Sau đó việc đấu thầu tập trung thí điểm đã dừng lại và trả về các cơ sở y tế tự đấu thầu.
Nguyên nhân là do trang thiết bị y tế có nhiều chủng loại, mẫu mã, xuất xứ, tiêu chí kỹ thuật khác nhau, do vậy tổ đấu thầu không phải chuyên ngành, chuyên môn kỹ thuật sẽ dễ bỏ sót, sai sót, đấu thầu không đúng chủng loại theo yêu cầu của bệnh viện, dẫn đến thiếu hụt trang thiết bị y tế, vật tư y tế để sử dụng. Thứ 2 là mua sắm tập trung đa phần chú trọng vào giá thấp sẽ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đặc thù của bệnh viện. Trường hợp sau khi có kết quả đấu thầu, nếu bệnh viện có nhu cầu phát sinh sử dụng trang thiết bị y tế thì rất mất thời gian chờ đấu thầu tập trung mới. Chưa kể, đấu thầu tập trung trang thiết bị y tế sẽ có nhiều rủi ro trong cung ứng hàng hóa vì doanh nghiệp trúng thầu phải đủ mạnh về tài chính, hàng hóa để cung cấp cho bệnh viện vì giá trị của trang thiết bị y tế thường là cao.
Về lựa chọn nhà thầu theo số lượng dịch vụ kỹ thuật, bà Hoa đề xuất không áp dụng giá tham chiếu khi xây dựng giá kế hoạch cũng như lựa chọn nhà thầu như Điều 55, Khoản 1, điểm b quy định. Bởi hình thức đấu thầu hóa chất theo số lượng xét nghiệm có một số khó khăn trong quá trình thực hiện tại các cơ sở y tế dẫn đến giá thành khác nhau của cùng một loại xét nghiệm, cho dù thực hiện trên cùng một nhà cung cấp.
Cụ thể hơn bà Hoa chỉ ra: quy trình vận hành phòng xét nghiệm không đồng nhất giữa các cơ sở y tế, thậm chí giữa các khoa phòng của 1 cơ sở y tế, dẫn đến tỷ lệ hao hụt hóa chất khác nhau. Quy định này cũng gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch cho bệnh viện, còn doanh nghiệp có nguy cơ chịu thiệt hại do đền bù hao hụt hóa chất, vật tư tiêu hao.
Một thực tế khác là công suất xét nghiệm khác nhau, các khoa/bệnh viện có số lượng xét nghiệm lớn sẽ có chi phí xét nghiệm thấp hơn so với các khoa/bệnh viện có số lượng xét nghiệm nhỏ. Điều này dẫn đến việc tham chiếu giá xét nghiệm sau khi trúng thầu sẽ không có ý nghĩa.
Ngoài ra, số lượng xét nghiệm sử dụng thực tế nếu thấp hơn số lượng trúng thầu thì giá thành xét nghiệm thực tế sẽ cao giá thành xét nghiệm chào thầu. Dẫn đến là nhà cung cấp bị thiệt hại về mặt kinh tế. Vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tính đúng, tính đủ tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đặc biệt các chuyên gia đến từ Eurocham và Abbott khuyến nghị, Điều 58 Khoản 3 cần bổ sung rõ nguyên tắc tính tỷ trọng về điểm kỹ thuật và điểm về giá khi xây dựng điểm tổng hợp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Trong đó phải đảm bảo nguyên tắc tỷ trọng điểm về kỹ thuật lớn hơn hoặc bằng 50% tổng số điểm của thang điểm tổng hợp. Tỷ trọng điểm về kỹ thuật cộng với tỷ trọng điểm về giá bằng 100%.
Bởi, theo Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Abbott Trần Ngọc Ánh, trang thiết bị y tế giống như điện thoại di động hoặc ô tô, có những mẫu cũ và mới với các bộ tính năng, chất lượng, hiệu suất và giá cả khác nhau. Vì vậy không thể chi trả cho các sản phẩm không sáng tạo, chất lượng thấp hoặc sản phẩm sao chép cùng 1 mức giá tương đương với những sản phẩm được đầu tư đáng kể về kỹ thuật, nghiên cứu lâm sàng.
Thực tế từ Canada cho thấy, sau nhiều thập kỷ đấu thầu tập trung vào kiểm soát chi phí, Canada đã để lại những hậu quả không mong muốn, trong đó có việc khó khăn trong thu hút đầu tư vốn cho lĩnh vực khoa học đời sống, và hệ thống chăm sóc sức khỏe đang mất dần hiệu suất do các thay đổi về chất lượng cao. Những vấn đề này đã khiến chính phủ Canada phải xem xét lại các chính sách mua sắm.
Theo một báo cáo chung gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới, OECD và Ngân hàng Thế giới, chẩn đoán không chính xác, điều trị không đúng gây mất khả năng lâu dài, suy giảm và mất năng suất với thiệt hại ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đô la trên toàn cầu mỗi năm. Các nước có thu nhập trung bình bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đây cũng là lý do mà trong ký kết hợp đồng, đấu thầu, Ngân hàng Thế giới xem trọng yếu tố chất lượng với tỷ lệ phân bổ trong các thông số kỹ thuật chiếm tỷ trọng 50-70% cho tiêu chí chất lượng. Liên minh Châu Âu cũng thông qua một quy định tương tự, trong đó kêu gọi Đấu thầu có lợi về kinh tế nhất (MEAT). Quy định này đưa ra các tiêu chí và trọng số tương tự để tối đa hóa giá trị cho hệ thống y tế và bệnh nhân, thay vì tìm kiếm mức giá thấp nhất.