Dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) Cần làm rõ “thân phận” của các công ty con
Các chuyên gia cho rằng việc sửa đổi Luật Đấu thầu (Luật Đấu thầu) là kịp thời và phù hợp với yêu cầu thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật; đáp ứng kỳ vọng, nhu cầu cao hơn và thiết thực của xã hội trong việc chống tham nhũng, tiêu cực, gian lận, thông đồng gây thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn nhiều điểm cần làm rõ, quy định cụ thể, đúng đối tượng.
Chủ thể DNNN là ai?
Góp ý vào Dự thảo Luật Đấu thầu (Dự thảo) bà Trần Thanh Hương, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Điều 2 về đối tượng áp dụng đã được sắp xếp rõ ràng và có trật tự hơn về mặt kỹ thuật so với luật hiện hành. Theo đó chủ thể có liên quan (trong đó có DN) đã dễ dàng hơn trong việc xác định mình có phải là đối tượng áp dụng bắt buộc của Luật Đấu thầu hay không, từ đó biết sự ràng buộc xuyên suốt trong hành vi liên quan của mình. Song, bà cũng chỉ ra những hạn chế ở quy định về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DN có vốn nhà nước theo hai phương án (khoản 2 Điều 2 dự thảo).
Ở Phương án 1, việc áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là Luật Đấu thầu áp dụng cho DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (theo khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp).
Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương án này là chưa thể hiện được công ty con của DNNN (công ty mẹ sở hữu từ trên 50% đến 100% vốn) có thuộc đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu hay không. Đối tượng này hiện nay được gọi là “DN có vốn của DNNN” theo pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, và đó cũng là tinh thần của pháp luật DN.
Phương án 2 quy định chặt chẽ hơn vì “điểm mặt” trực tiếp “DN có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ” (công ty con của DNNN) và phù hợp với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN. Cách diễn đạt trong phương án này trả lời được câu hỏi “công ty có vốn của DNNN có thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu hay không”. Tuy nhiên, phương án này lại gặp vấn đề khác về nội dung, đó là chưa rõ sự ràng buộc, chưa rõ “thân phận” của những công ty mà DNNN đầu tư vốn ở mức sâu hơn (ví dụ công ty con của công ty con- tạm gọi “công ty cháu”). Nếu những DN này (tuỳ tình trạng sở hữu vốn) cũng phải theo quy định của Luật Đấu thầu mới là ý chí của nhà làm luật thì diễn đạt như Dự thảo chưa thành công; còn nếu những DN này không chịu sự ràng buộc của Luật Đấu thầu thì pháp luật còn bất cập về nội dung, đặc biệt trong trường hợp “công ty cháu” có 100% vốn của công ty con, nghĩa là sở hữu có nguồn gốc nhà nước vẫn mang bản chất đó, tỷ lệ đó nhưng DN lại “thoát” sự ràng buộc của Luật Đấu thầu.
Từ đó bà Hương đề nghị Ban soạn thảo thể hiện rõ quan điểm. "Nếu đẩy vấn đề sang lĩnh vực pháp luật khác sẽ tiềm tàng bất cập, chưa kể bản thân khái niệm “DNNN” đã bị thay đổi một cách khó lường. Nên chăng quy định trực tiếp trong Luật Đấu thầu cơ cấu, tính chất sở hữu của DN", bà đặt vấn đề.
Khái niệm cần bao quát, sát thực tế
Điều 4 Dự thảo cũng nhận được sự quan tâm của các chuyên gia khi một số khái niệm còn chưa bao quát và mơ hồ. Bà Nguyễn Quỳnh Lan, Trưởng phòng Tư vấn đấu thầu, CTCP Giá Xây dựng cho rằng, định nghĩa về bên mời thầu trong Khoản 1 (bao gồm: a Chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn; Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; b đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư) là chưa đầy đủ. Bởi trong thực tế có những đơn vị không thuộc các trường hợp trên nhưng muốn tham gia công tác đấu thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch.
Ví dụ trường hợp Ban quản trị nhà chung cư. Theo Khoản 3 Điều 103 Luật Nhà ở 2014, Ban quản trị toà nhà không phải là chủ đầu tư, cũng không phải là tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn. Khi Ban quản trị muốn thực hiện đấu thầu để lựa chọn đơn vị vận hành toà nhà, họ có thể thuê đơn vị tư vấn độc lập để thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, để định nghĩa bên mời thầu được chính xác và bao trùm hơn, bà Lan đề xuất sửa điểm a, Khoản 1, Điều 4 thành: Chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định hoặc lựa chọn.
Bà Hương thì cho rằng, nên xem lại Điều 4.10 khi giải thích “Đấu thầu quốc tế”. Giải thích hiện tại có thể bị hiểu là trong đấu thầu quốc tế bắt buộc phải có cả nhà thầu và nhà đầu tư trong nước và nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài, trong khi thực tế sẽ có tình huống chỉ có nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu thầu.
Cũng tại Điều 4 Dự thảo, ông Nguyễn Minh Quân, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cho rằng nội dung Khoản 18 giải thích từ ngữ “Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu” là chưa đầy đủ. Vì trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư có thẩm quyền duyệt lại dự toán gói thầu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu “Trường hợp dự toán được phê duyệt của gói thầu cao hơn hoặc thấp hơn giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì dự toán đó sẽ thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu”.