Cần đột phá để thu hút đầu tư vào ngành điện
Ngành công nghiệp bán dẫn: Cơ hội để đón đầu, đột phá và vượt lên Khó khăn kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp ngành điện Ngành điện "chạy đua" với nắng nóng |
Chưa đồng bộ, còn thiếu tính thị trường
Tại Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/8, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trong 20 năm qua, ngành điện đã nâng cao được năng lực và đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội. Trong 5 năm trở lại đây, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam - là một trong các chỉ số quan trọng trong đánh giá chất lượng của môi trường kinh doanh trong thu hút đầu tư - đã có sự cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, vẫn còn tồn tại, hạn chế cần phải nhìn nhận. Ví dụ, chúng ta cải cách rất mạnh về thu hút đầu tư ở thị trường phát điện, mua điện bán buôn, nhưng lại chậm cải cách về bán lẻ nên chưa đồng bộ. Do đầu tư vào ngành điện rất lớn nên đứng từ góc độ các nhà đầu tư, hệ thống chính sách phải có khả năng tiên lượng và đồng bộ. Nếu không đồng bộ thì không tạo ra tác động tốt. Bên cạnh đó, còn thiếu tính thị trường trong nội dung cơ chế chính sách và như thế rất khó để có công cụ thúc đẩy bền vững…
Trong khi đó theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), một trong những khó khăn lớn trong thu hút đầu tư vào phát triển ngành điện là cần nguồn lực đầu tư lớn trong khi giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường.
“Chúng ta đều biết toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường. Giá thị trường thế giới thế nào, trong nước thế nào đều phản ánh vào giá hết. Thế nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó; có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện. Cho nên sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn”, chuyên gia này phân tích và nhận định, đây là khó khăn lớn cho việc cải thiện dòng tiền của ngành điện để đầu tư, phát triển nguồn và lưới.
Cần cải cách căn bản về giá
Bên cạnh đó, một số bất cập lớn khác cũng được ông Nguyễn Tiến Thỏa chỉ ra như: Giá điện hiện phải gánh vác nhiệm vụ “đa mục tiêu” (từ phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí; nhưng cũng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát…); Bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện hiện nay, để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng; Giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội.
Để có các giải pháp mang tính đột phá cả trước mắt và lâu dài trong việc hút đầu tư vào phát triển bền vững ngành điện, các chuyên gia cho rằng mấu chốt nhất là giá điện phải cạnh tranh, theo cơ chế thị trường hơn và các rào cản phải được tháo gỡ. Nhìn ở góc độ rộng, ông Phan Đức Hiếu cho rằng giá điện không chỉ tác động đến ngành điện mà có những tác động lớn hơn đến sự vận hành và tái cấu trúc nền kinh tế. Như khi giá điện được điều hành một cách hợp lý sẽ thúc đẩy cả chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm điện trong các hộ gia đình, cá nhân… “Tất cả những yếu tố đó đều có tác động không chỉ đến thu hút đầu tư sản xuất nguồn điện mà còn thúc đẩy rất lớn kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, xanh sạch, hướng đến Net Zero. Như vậy chúng ta nhìn thấy tầm quan trọng, tác động toàn diện của cơ chế giá điện”, ông Hiếu nói và cho rằng, việc Chính phủ đang rà soát, sửa đổi Luật Điện lực là rất quan trọng để có thể sửa đổi căn cơ hơn.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, vấn đề mà người tiêu dùng quan tâm nhất là có đủ điện và giá hợp lý. Giá điện phải tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch.
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng, sửa Luật Điện lực là một cơ hội và phải xác định đây là cơ hội thật sự cho những thay đổi, vì không thể năm nay mang ra sửa, năm sau lại mang ra sửa luật được. Do đó chuyên gia này đề nghị các đơn vị chức năng trong xây dựng, soạn thảo dự thảo Luật trước khi trình đến những cấp cao hơn cần phải làm thật kỹ lưỡng, chất lượng, trong đó đưa ra và giải quyết được những vấn đề thật sự trọng tâm, trọng điểm của ngành để làm sao sau này dưới Luật là những văn bản pháp quy khác giúp cho ngành điện vận hành tốt trong những năm tới.
Trong ngắn hạn, các chuyên gia cũng cho rằng nên quyết liệt cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện nay. Theo đó nên sửa ngay Quyết định 28/2014/QĐ-TTg (quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện) và có thể coi đây là một bước thực tiễn kiểm nghiệm, nếu phát huy hiệu quả tốt có thể đưa vào luật hóa ngay tại Luật Điện lực sửa đổi tới đây.