Ngành công nghiệp bán dẫn: Cơ hội để đón đầu, đột phá và vượt lên
Thời cơ lớn để Hà Nội thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn |
Nền tảng và khởi đầu thuận lợi
Thời gian gần đây, lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam đã thu hút nhiều nhà sản xuất vào đầu tư. Không chỉ những nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới như Intel đã có mặt từ hơn 10 năm trước hay Samsung mới đây cũng công bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam từ cuối năm nay, mà rất nhiều công ty tập đoàn khác cũng bắt đầu hiện diện và triển khai các hoạt động tại Việt Nam. Từ Hanmi Semiconductor, Hana Micron Vina, Amkor Technology (Hàn Quốc), đến Infineon Technologies AG (Đức) hay Victory Giant Technology (Trung Quốc)… Điều đó phần nào cho thấy ngành điện tử Việt Nam sau nhiều năm tăng trưởng tích cực đã đạt tới quy mô đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn.
Và chắc chắn ngành bán dẫn sẽ còn chuyển biến nhanh và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới đây sau những động thái gần đây, nhất là từ chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam và nâng cấp quan hệ, cũng như chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đến Hoa Kỳ diễn ra ngay sau đó, với việc xác định tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ được xác định là đột phá mới. Đặc biệt trong tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai bên lên Đối tác chiến lược toàn diện, các ưu tiên mở rộng hợp tác công nghệ và kinh tế được đặt lên hàng đầu và trong đó, hai bên thiết lập quan hệ đối tác mới về bán dẫn nhằm hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng bán dẫn bền vững, linh hoạt. Hoa Kỳ nhận thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn”.
Doanh thu thị trường bán dẫn toàn cầu trên lộ trình dự kiến vượt 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới (Nguồn: IDC) |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á” diễn ra tại Hà Nội vừa qua, bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ... “Hiệp hội SEMI SEA cam kết đóng vai trò dẫn đầu trong việc giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực. Các sự kiện như Hội nghị này nhằm mục đích nâng cao vị thế của Việt Nam trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á và chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu”, Bà Linda Tan cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội và có đủ điều kiện, yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành một phần của chuỗi giá trị bán dẫn, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Nổi bật là hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi; có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn; Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn… Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, Chính phủ rất quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn, theo đó đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam.
Phát triển nhanh đội ngũ nhân lực
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam hiện đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu hiện diện và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp đang chiếm ưu thế và Việt Nam đang đón đầu để cố gắng vươn lên, đi đầu, dẫn trước. Tuy nhiên, đây cũng là là ngành hết sức mới ở Việt Nam, vì vậy phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận và phát triển một cách hiệu quả. Theo đó, sẽ còn rất nhiều khía cạnh, nội dung cần hoạch định rõ trong quá trình triển khai hiện thực hóa. Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực là khía cạnh mang tính chất nền tảng để chúng ta phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo báo cáo của tổ chức như Gartner, công ty tư vấn IDC Linx… thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 600 tỷ USD năm 2022 và dự báo sẽ chạm và vượt mức 1.000 tỷ USD vào giai đoạn 2030-2032. |
Ước tính hiện Việt Nam mới chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư về lĩnh vực bán dẫn, trong khi dự kiến sẽ cần tới 50.000 nghìn kỹ sư cho ngành này đến năm 2030. Để giải bài toán với nhu cầu nhân lực tăng nhanh gấp 10 lần như vậy chỉ trong hơn 7 năm tới, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 trụ cột chính đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài, dài hơi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là đào tạo đại học. Để đào tạo được các nhân lực giỏi về bán dẫn thì bắt buộc phải đào tạo đại học, và đòi hỏi sự hợp tác của ba đối tác hết sức quan trọng: Nhà nước; các viện và các trường đại học; các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Trụ cột thứ hai hết sức quan trọng mà hiện nay chúng ta còn thiếu là đào tạo kỹ sư, người lao động - các kỹ thuật viên, những người cụ thể sẽ làm việc trong lĩnh vực này.
Trụ cột thứ ba là huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam. Một nhân tài có thể dẫn dắt được hàng chục, hàng trăm người đi theo và việc thu hút nhân tài trong công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ở Việt Nam, là việc hết sức quan trọng.
“Với ba trụ cột đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cố gắng hoàn thành đề án này theo đúng tiến độ đề ra”, Thứ trưởng Phương cho biết.