Cần duy trì lợi thế bất động sản công nghiệp
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm 2021, tuy số lượng dự án FDI giảm tới 49,4% so với cùng kỳ nhưng tổng vốn đăng ký lại tăng lên 18,6%, cho thấy quy mô các dự án tiếp tục có cải thiện. Tính đến ngày 20/5/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,14 tỷ USD, chiếm 43,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) đã thu hút được khoảng 291 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và tăng thêm khoảng 6,02 tỷ USD, tăng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái; đồng thời thu hút được khoảng 271 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 53,2 nghìn tỷ đồng.
Giá thuê BĐS KCN tăng cao sẽ ảnh hưởng đến việc mở rộng sản xuất của doanh nghiệp |
Theo đó, lũy kế đến cuối tháng 5/2021, các KCN, KKT trên cả nước có khoảng 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD. Có khoảng 10.186 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng.
Lũy kế đến cuối tháng 5/2021, có 38 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN mới/mở rộng/phân khu đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, nâng số lượng các KCN đã thành lập lên 394 KCN, tạo việc làm cho khoảng 3,78 triệu lao động trực tiếp.
Báo cáo thị trường mới đây của Colliers Việt Nam ghi nhận giá chào thuê trung bình cho đất công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh trong 3 tháng đầu năm 2021 vào khoảng 165 USD/m2/kỳ hạn thuê, trong khi con số này ở Hà Nội là 140 USD/m2/kỳ hạn thuê. Điều đáng bàn là, số lượng KCN tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội gần như giữ nguyên khiến cho giá thuê bất động sản (BĐS) công nghiệp không ngừng gia tăng. Điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành có tỷ suất lợi nhuận tương đối thấp, chẳng hạn như dệt may và đồ nội thất.
Ông David Jackson, CEO Colliers Việt Nam cho rằng, nếu đà tăng không được kiềm chế, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ít nhiều sẽ gặp khó khăn hơn. Ngay từ lúc này, việc nghĩ đến những giải pháp dài hạn để duy trì và phát huy lợi thế của BĐS công nghiệp Việt Nam là hết sức cần thiết.
Việc phát triển các KCN mới ở các tỉnh thành lân cận TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là một hướng góp phần làm giảm “sức nóng” của giá thuê. Hiện tại, ở phía Bắc, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh chuyển hướng tìm kiếm đất công nghiệp ở các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương hay Bắc Ninh, nơi có giá thuê đất thấp hơn và quỹ đất dồi dào hơn. Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt nhiều dự án KCN mới trên địa bàn cả nước. Đơn cử như: Tỉnh Bắc Ninh có 4 KCN với tổng diện tích 1.015ha. Tỉnh Bắc Giang, theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, sẽ có thêm 23 KCN với tổng diện tích hơn 6.800ha, mở rộng 3 KCN với tổng diện tích 400ha. Thành phố Hà Nội cũng đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN sạch Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) quy mô 303ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 3.227 tỷ đồng...
Một số tỉnh ở khu vực phía Nam cũng có kế hoạch mở rộng các KCN để thu hút đầu tư nước ngoài. Ví dụ, tỉnh Long An đã được phê duyệt bổ sung 3 KCN mới vào quy hoạch quốc gia. 6 địa phương của tỉnh Đồng Nai (các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và TP. Long Khánh) có kế hoạch xây dựng thêm các KCN, mỗi KCN từ 200 ha đến 900 ha, để giải quyết tình trạng thiếu diện tích.
KCN sinh thái là một mô hình phù hợp và cần được phát huy. Trong đó, các doanh nghiệp cùng cam kết, hợp tác và hành động để đạt được các mục tiêu chung về sử dụng tài nguyên và môi trường.
Trong "Sổ tay phát triển khu công nghiệp sinh thái cho các nước đang phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, KCN sinh thái khá đa dạng, bao gồm: KCN sinh thái nông nghiệp, KCN sinh thái lọc hóa dầu hay hóa chất, KCN sinh thái tái tạo tài nguyên, KCN sinh thái nhà máy điện và KCN sinh thái năng lượng tái sinh, rất phù hợp với Việt Nam. Bởi mô hình này chẳng những đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững nói chung, giúp giảm khai thác tài nguyên, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trong khi vẫn không ảnh hưởng đến hiệu suất của các doanh nghiệp. Mà quan trọng hơn, mô hình này cũng sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và toàn cầu.
Các địa phương nên có cơ chế để thường xuyên cập nhật tình hình phát triển KCN, chính sách phát triển, cách làm hay… để cùng nhau phát triển, tạo thành hệ thống đồng bộ. Điều này cũng sẽ giúp các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh một cách hiệu quả hơn, tận dụng tốt ưu thế của từng tỉnh thành, tạo sự hài hòa trong quá trình phát triển liên vùng, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Ngoài ra, việc liên kết giữa các KCN với nhau cũng hết sức quan trọng để phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa, logistics. Từ đó, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sự bền vững của cả nền công nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, Covid với biến thể mới nguy hiểm hơn, phát tán nhanh hơn, vì thế nguy cơ lây nhiễm là rất cao, đặc biệt ở các KCN, KKT, cụm công nghiệp, các nhà máy sản xuất trên cả nước – nơi có môi trường làm việc kín, thuận lợi cho virut lây lan nhanh. Vì vậy, bên cạnh phòng chống dịch trong cộng đồng, cần ưu tiên tiêm chủng vaccine tại các KCN, KKT, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam khai thác sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân, cho phép các doanh nghiệp tự bỏ chi phí để thực hiện tiêm chủng cho nhân viên là hành động rất cần thiết, không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của người dân, mà còn góp phần khai thông thương mại và đầu tư quốc tế, yếu tố vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.