Cần sớm luật hoá xử lý nợ xấu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định nợ xấu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nợ xấu tăng cao có thể dẫn đến TCTD bị thua lỗ, nếu không xử lý kịp thời có thể gây ra sự đổ vỡ ngân hàng, đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Nợ xấu là hiện tượng không thể tránh khỏi của bất kỳ nền kinh tế nào, song phải trong tầm kiểm soát. Chính vì vậy, việc nhận diện nợ xấu và xử lý nợ xấu là một trong những vấn đề quan trọng trong việc giữ cho hệ thống tài chính ổn định, an toàn và bền vững.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn đến nợ xấu tăng mà bản thân các TCTD không thể tự xử lý trên cơ sở các quy định hiện hành, cần phải có chính sách, cơ chế đặc thù của Nhà nước mới xử lý được. Nhiều quốc gia trên thế giới đã chi những khoản ngân sách khổng lồ để hỗ trợ xử lý nợ xấu.
Tại Việt Nam, để tạo hành lang pháp lý cho quá trình xử lý nợ xấu, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động này. Đó là Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam”…
Đặc biệt là việc ra đời Nghị quyết 42 năm 2017 đã hỗ trợ rất lớn cho các TCTD. Sau hơn 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Nghị quyết có hiệu lực, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các TCTD trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42; cùng với những quy định mới của Luật các TCTD (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật các TCTD năm 2010), khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được hoàn thiện, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp, có kiểm soát.
Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/8/2021 là 424,1 nghìn tỷ đồng, đã xử lý được 364,1 nghìn tỷ đồng kể từ 15/8/2017 - 31/8/2021.
Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD vì nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành Ngân hàng. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại. Cuộc chiến chống COVID-19 xác định sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp bị đóng cửa, thậm chí phá sản. Vì vậy, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu là cực kỳ quan trọng, có thể dẫn đến rủi ro cho TCTD, hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung.
“Việc xử lý nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu 1058 đã gần thành công và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức cho phép thì lại xảy ra dịch COVID-19 khiến thành quả mà hệ thống phấn đấu thời gian qua có nguy cơ bị xoá. Đây là một áp lực rất lớn đối với ngành Ngân hàng, đang phải thực sự gồng mình để khắc phục, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo vốn đầu tư cho nền kinh tế, vừa đảm bảo chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu”, ông Hùng bày tỏ lo ngại.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các TCTD (Cục IV) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho hay, dịch bệnh COVID 19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tín dụng ngân hàng.
Thời gian qua, mặc dù ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, song nợ xấu vẫn có nguy cơ tăng lên. Nếu như tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2019 chỉ còn 1,63% thì đến cuối tháng 9/2021 đã tăng trở lại 1,9%, trở lại mức tương đương năm 2017 trước khi có Nghị quyết 42. Từ đó có thể thấy tác động ghê gớm của đại dịch tới các TCTD như thế nào.
Thời gian qua, để đảm bảo an toàn hệ thống mà vẫn cung ứng vốn tốt cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, NHNN đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng duy trì mức độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN và hai thông tư sửa đổi (Thông tư 03 và Thông tư 14) để cơ cấu nợ, giãn hoãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. NHNN cũng ban hành Thông tư 13 điều chỉnh các biểu phí dịch vụ theo hướng giảm 50% phí giao dịch qua hệ thống thanh toán. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ (cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trả lương ngừng việc, cho vay Vietnam Airlines…). Bên cạnh đó, NHNN cũng đang thúc đẩy hệ thống ngân hàng chuyển đổi số, tăng trích lập dự phòng rủi ro…
Tuy nhiên, thời gian qua, quá trình xử lý nợ xấu ngân hàng gặp không ít khó khăn, việc bán các tài sản đảm bảo, thực hiện giao dịch mua bán nợ khó thực hiện do thủ tục hành chính bị gián đoạn, nhu cầu mua tài sản nợ cũng giảm sút. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong vài tháng nữa khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn.
Các đại biểu tham gia Hội thảo cho rằng, cần xem xét việc kéo dài Nghị quyết 42 hoặc luật hóa Nghị quyết 42. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng lựa chọn, đặt ra. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành Ngân hàng và các cơ quan nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.