Cẩn trọng lừa đảo khi mở thẻ
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới đây khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng và cảnh giác với những tin nhắn, cuộc gọi không rõ ràng, yêu cầu phải chuyển tiền/mất phí để mở thẻ tín dụng. Đồng thời, SCB khẳng định mở thẻ tín dụng tại SCB được thực hiện đầy đủ theo quy trình đảm bảo các bước chặt chẽ; và không yêu cầu khách hàng nạp tiền/chuyển khoản hay thu phí khi tư vấn mở thẻ tín dụng.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, thời gian vừa qua, SCB phát hiện một số đối tượng mạo danh nhân viên của SCB gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng. Các đối tượng này đã sử dụng các thiết bị viễn thông, đa phương tiện như: lập trang web, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu SCB, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên SCB để tiếp thị, chào mời khách hàng mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi lớn, ví dụ như hạn mức lên đến 30 triệu đồng, miễn lãi suất trong 03 năm… Đồng thời, họ còn hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước theo quy trình cấp thẻ tín dụng khá chuyên nghiệp.
Theo thông tin từ SCB, khách hàng sẽ nhận được nội dung thông báo: “Khách hàng đã được SCB phê duyệt 01 khoản vay tín chấp hoặc 01 thẻ tín dụng”. Sau đó, các đối tượng gian lận chuyển 01 tấm thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền nhất định (với số tiền khoảng 300 ngàn đồng trở lên). Sau khi nhận được tiền, các số điện thoại đã liên hệ với khách hàng đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng chiếc thẻ giả này. Và điều đáng chú ý là thẻ tín dụng giả thường được làm bằng tấm nhựa bình thường, có thông tin sơ sài, mẫu mã kém thẩm mỹ, có các thông tin cố tình bắt chước logo và mẫu mã của các tổ chức thẻ tín dụng quốc tế và SCB, ví dụ: mặt trước có tên và dãy số, mặt sau thẻ giả có ô mã vạch kèm những con số.
Thực tế, câu chuyện giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo người tiêu dùng mở thẻ không mới. Trước đây, rất nhiều người tiêu dùng cũng đã bị “ăn quả lừa” từ các hình thức tương tự ở các ngân hàng khác nhau. Rất nhiều ngân hàng đã phải lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng hết sức thận trọng và tỉnh táo trước khi thực hiện hành vi cung cấp thông tin liên quan đến thông tin tài chính cá nhân.
Đơn cử mới đây, ngân hàng MB vừa phải lên tiếng cảnh báo về những đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng này để lừa đảo. Theo đó, ngân hàng cho biết, thời gian gần đây, một số đối tượng giả mạo cán bộ, nhân viên MB đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng nhằm lấy cắp thông tin cá nhân (số thẻ căn cước công dân, CMND, sổ hộ khẩu) với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hay như Ngân hàng Xây dựng (CB) cũng khuyến cáo khách hàng cảnh giác với chiêu trò lừa đảo phát hành thẻ rồi yêu cầu khách hàng chuyển tiền, phí để mở thẻ. CB khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài sản phẩm thẻ CB ghi nợ nội địa (ATM), ngân hàng chưa phát hành bất kỳ loại thẻ đa năng hay thẻ tín dụng ra thị trường. Ngoài ra, một số ngân hàng có lượng khách hàng mở thẻ lớn như VCB, BIDV, Sacombank, Techcombank... cũng đưa ra những cảnh báo về thủ đoạn tương tự.
Với các thủ đoạn lừa đảo trên, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng của họ cần cẩn trọng và cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi không rõ ràng yêu cầu phải chuyển tiền/mất phí để mở thẻ. Bên cạnh đó, ngân hàng còn khuyến cáo khách hàng của mình tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.
Đối với trường hợp người tiêu dùng thường xuyên thanh toán trực tuyến thì không nên truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email. Hay yếu tố quan trọng là mỗi người tuyệt đối không nạp tiền/chuyển khoản cho người lạ hoặc những người có dấu hiệu nghi vấn.
Về lý thuyết, mỗi người phải giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ Internet Banking và thẻ do ngân hàng cung cấp; không cung cấp các thông tin bảo mật như mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào (như nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp, đăng nhập vào trang web không tin cậy…). Bởi một điều bất di bất dịch là các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật này. Đồng thời, hiện nay các ngân hàng cũng không thực hiện nhận hồ sơ mở thẻ tín dụng qua các trang mạng, ứng dụng xã hội (Facebook, Zalo…) hoặc qua bất cứ trung gian nào.
Tóm lại, việc mở thẻ tín dụng luôn được các ngân hàng thực hiện đầy đủ theo quy trình đảm bảo các bước chặt chẽ dù đó là mở thẻ trực tuyến. Hơn nữa, các ngân hàng cũng không yêu cầu khách hàng nạp tiền/chuyển khoản hay thu phí khi tư vấn mở thẻ tín dụng. Ngược lại, khi mở thẻ tín dụng các ngân hàng còn tặng quà tặng có giá trị lớn kèm theo cho người mở thẻ. Phí thường niên (nếu có) sẽ được ghi nhận khi khách hàng kích hoạt thẻ thành công và sẽ được thể hiện trên nội dung sao kê gửi đến người mở thẻ…