Cần xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ bảo hiểm
46,4% số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH | |
Đà Nẵng: Công ty Đường Việt bị xử phạt vì nợ bảo hiểm | |
Hà Nội: 500 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội trên 276 tỷ đồng |
Người lao động còn thờ ơ
Thời gian qua, việc DN nợ bảo hiểm người lao động ngày càng trở nên phổ biến. Không ít DN chây ì không nộp bảo hiểm cho người lao động, thậm chí có DN nợ nhiều năm với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, bỏ mặc người lao động.
Tình trạng này tồn tại ở nhiều địa phương, khiến cho cơ quan chức năng và chính quyền “đau đầu” tìm giải pháp giảm thiểu để trả lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Cần có giải pháp xử lý nghiêm để giảm thiểu tình trạng DN nợ BHXH, BHYT, BHTN |
Đơn cử tại Đà Nẵng, đến tháng 10/2019, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của không ít DN trên địa bàn là khoảng 275 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 1.000 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, với số tiền trên 116 tỷ đồng. Con số này tuy có giảm 419 đơn vị, tương ứng là trên 63 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, cần tích cực hơn trong công tác đôn đốc thu nợ các loại bảo hiểm cho người lao động .
Theo ông Đinh Văn Hiệp, Giám đốc BHXH Đà Nẵng, để góp phần thu hồi nợ đọng, xử lý các vi phạm chậm đóng, đơn vị đang thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan, nhất là tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm. BHXH thành phố cũng đã có các quyết định thanh tra chuyên ngành và kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN tại 42 đơn vị.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ có thực trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm là do nhận thức về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã của DN, chủ sử dụng lao động chưa cao. Bên cạnh đó, người lao động cũng chưa thực sự nắm rõ về những điều này, nên còn e ngại, ít đấu tranh khi chủ sử dụng lao động vi phạm luật về BHXH. Một số bộ phận người lao động do chưa nhận thức được hết tính ưu việt của chính sách BHXH mà chỉ quan tâm đến nguồn thu nhập hiện tại được hưởng, sợ bị trích mất một phần tiền lương để tham gia BHXH, làm giảm thu nhập của bản thân nên sẵn sàng thỏa hiệp với chủ sử dụng lao động để không tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.
Kiên quyết xử lý nghiêm
Việc nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm ngày càng diễn biến phức tạp, gây bức xúc cho người lao động. Thậm chí có nhiều trường hợp dẫn đến đình công, tụ tập đông người để phản ứng hành động của chủ DN, gây rối, mất trật tự...
Trước thực tế này, chính quyền Đà Nẵng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các giải pháp xử lý nghiêm để giảm thiểu tình trạng DN nợ đóng bảo hiểm, lấy lại sự công bằng cho người lao động.
Theo đó, thời gian qua, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với các DN chây ì nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người lao động. Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đường Việt, trụ sở chính tại quận Sơn Trà, do chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN số tiền trên 492,5 triệu đồng đã bị xử phạt bao gồm phạt tiền, với mức gần 133 triệu đồng; buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chậm đóng; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chậm đóng. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu công ty trên phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn, công ty không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật…
Trước đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần LICOGI 10, vì hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền 150 triệu đồng; buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ-BNN chậm đóng; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ-BNN chậm đóng…
Cùng với đó, các đơn vị chức năng cũng đã phối hợp hỗ trợ người lao động thực hiện các thủ tục kiện các DN nợ BHXH đối với người lao động. Mới đây, sau hơn một năm nỗ lực tư vấn, hỗ trợ và tập hợp hồ sơ khởi kiện DN giúp công nhân lao động, Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng và Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng vừa chính thức tham gia phiên tòa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho 196 công nhân lao động trong vụ kiện đòi nợ lương, chế độ BHXH đối với Công ty TNHH MTV TBO Vina.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử chấp thuận toàn bộ 18 đơn khởi kiện của người lao động; ra phán quyết buộc công ty phải chuyển trả tiền lương còn nợ của tháng 6 và tháng 7/2018 cho công nhân; buộc Công ty TNHH MTV TBO Vina phải chuyển trả số nợ BHXH vào Quỹ BHXH thành phố, đồng thời người lao động có quyền liên hệ nhận lại sổ BHXH và các quyền lợi liên quan…
Tại hội nghị liên tịch tổng kết công tác phối hợp giữa UBND thành phố và LĐLĐ TP. Đà Nẵng giai đoạn 2016-2018, các cơ quan chức năng đề nghị Liên đoàn lao động TP. Đà Nẵng tăng cường phối hợp với các sở, ngành để giám sát hoạt động của DN trong việc chấp hành quy chế, pháp luật lao động; nắm bắt tình hình diễn biến quan hệ lao động ở DN để tránh tình trạng nợ lương, nợ BHXH, BHYT...
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu, thời gian tới các sở, ban, ngành cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong những mảng công việc liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa quy chế phối hợp để triển khai có hiệu quả; tập trung phối hợp đề xuất giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.