Cảng biển xanh: Tiềm năng lớn nhưng chuyển đổi chậm
Miền Trung liệu có “bội thực” cảng biển? Đánh thức tiềm năng kinh tế qua cảng Cần Giờ Cổ phiếu cảng biển-cơ hội và thách thức đan xen |
Cảng biển xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam |
Non trẻ nhưng giữ vị thế cao
Trong một tọa đàm diễn ra vừa qua, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ, ngành đang có rất nhiều thuận lợi, tăng trưởng hàng hóa tại cảng biển Việt Nam mỗi năm đều ở mức hai con số, được đánh giá là một mức tăng trưởng tốt. Nhờ vào đó, nhiều nguồn đầu tư đang đổ dồn về hàng hải Việt Nam, tăng cơ hội trở thành trung tâm hàng hóa hàng hải lớn của khu vực.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp cảng biển đã triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh như: Tân Cảng Cát Lái, Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải, Gemadept Dung Quất, cảng Đà Nẵng, cảng container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT), cảng Nam Đình Vũ...
Các cảng biển lớn và mới đầu tư đã được trang bị các thiết bị, phương tiện bốc xếp hàng hóa hiện đại, tự động, sử dụng điện giúp giảm thiểu chi phí lao động, tăng năng suất và cải thiện hiệu quả công việc và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường. Trong số đó, nhiều cảng đã có những bước đi đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi cảng xanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, đại diện Tập đoàn Gemadept tự hào, mặc dù hệ thống cảng biển của Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng có vị thế rất cao trên thế giới. Hiện doanh nghiệp với cảng nước sâu Gemalink đã xây dựng hệ sinh thái cảng xanh và thông minh, chung tay cùng Chính phủ thực hiện cam kết Net-zero vào năm 2050. Doanh nghiệp xác định đầu tư xanh hiện đại từ đầu nên phương tiện, thiết bị 100% chạy điện, không dùng phiên bản diesel.
Năm 2023, Gemadept đã thành lập Ban ESG để truyền thông, thúc đẩy sáng kiến xanh và triển khai đo đạc KNK (khí nhà kính). Năm 2024, Gemadept tiếp tục tăng cường hiệu quả hệ thống quản lý môi trường và từng bước chuyển đổi công nghệ xanh. Mục tiêu là giảm phát thải, tăng cường đầu tư xanh và xây dựng nền tảng cho cảng xanh, cảng sinh thái và logistics xanh.
Chia sẻ về tiến trình chuyển đổi xanh, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Ban chỉ đạo cảng xanh, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, Tân Cảng bước vào chuyển đổi xanh với góc nhìn rất “đời thường”, và được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2009, tất cả các hoạt động xuất phát từ nhu cầu và lợi ích thực tế nhằm tiết kiệm chi phí; đã chuyển đổi từ sử dụng dầu diezel qua 100% dùng điện, đã giúp chi phí hàng năm giảm từ 200 tỷ đồng xuống còn 66 tỷ đồng. Giai đoạn 2, công ty tiến hành chuyển đổi qua sử dụng pin năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo.
Xanh hóa từ những điều đơn giản nhất
Tuy nhiên, giai đoạn này là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ, chúng tôi đã đi nước ngoài để học hỏi công nghệ sử dụng năng lượng sạch nhưng chi phí rất lớn, gấp 2- 3 lần chi phí bình thường. Ví dụ, một chiếc xe giá 6 tỷ đồng, có tới 2,8 tỷ là tiền pin; để giảm chi phí, cần hợp tác sản xuất pin điện quy mô lớn và cần nhiều doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này.
Ngay trong Dự án Lạch Huyện vốn 12.000 tỷ đồng, nếu chuyển sang xanh và tự động hóa, sẽ tăng lên gần 30.000 tỷ. Nếu chuyển đổi xanh hóa ở mức cao nhất, vốn có thể lên tới 40.000 tỷ đồng.
Cùng chung thách thức về chi phí, ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng giám đốc cảng SSIT thông tin, trong bối cảnh hậu Covid-19 và nền kinh tế thế giới tăng trưởng chưa như kỳ vọng, các doanh nghiệp cảng và hàng hải đối mặt với thách thức lớn trong việc đầu tư chuyển đổi xanh. Ngoài ra, một số cảng quốc tế đã được đầu tư hiện đại ngay từ ban đầu, hiện cơ bản đạt hoặc gần đạt các tiêu chí cảng xanh, và có thể tự công bố sớm trước thời điểm năm 2030 khi bộ tiêu chí có hiệu lực bắt buộc.
"Hiện tại, chính sách hỗ trợ và ưu đãi chưa rõ ràng, đặc biệt là các cơ chế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cảng nhanh chóng đạt các tiêu chí cảng xanh, tăng sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam với khu vực và quốc tế, đồng thời đảm bảo tiến độ xanh hóa cảng biển", ông Vũ nhấn mạnh.
Chính vì lẽ đó, hiện nay, trong hơn 290 cảng biển tại Việt Nam, chỉ có hơn 30 cảng bắt đầu lộ trình chuyển đổi xanh, ông Hoàng Hồng Giang thông tin.
Đây sẽ là rào cản không nhỏ khiến quá trình xanh hóa càng biển khó đạt mục tiêu như kỳ vọng. Theo tiêu chuẩn về cảng xanh được Cục Hàng hải Việt Nam đưa ra từ cuối 2022, nhằm thực hiện cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Theo đó, các cảng xanh phải đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là năng lượng sạch (điện gió, mặt trời, nhiên liệu khí hóa lỏng - LNG, hydro...). Từ tới 2025 sẽ triển khai thí điểm tại một số cảng, áp dụng tự nguyện từ 2025-2030, sau đó là bắt buộc.
Trên cơ sở đó, ông Phan Hoàng Vũ cho rằng, cần ban hành mục tiêu cụ thể cho việc chuyển đổi năng lượng xanh; xây dựng các tiêu chí phát thải CO₂, định lượng trên mỗi tấn sản lượng cụ thể. Tạo điều kiện tận dụng luồng hàng hải đã được đầu tư nạo vét sâu và rộng để giảm tỷ lệ phát thải ròng và chi phí vận chuyển trên từng đơn vị (tấn hàng hóa hoặc TEU). Đồng thời, tăng giá dịch vụ tại các cảng nước sâu như Cái Mép, Lạch Huyện để thu hút đầu tư mới và tái đầu tư vào máy móc thiết bị, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh; Ban hành biểu giá và lộ trình tăng giá dịch vụ điện bờ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống cung cấp điện bờ và tàu thuyền sử dụng động cơ chạy điện; Bộ Công thương ban hành chính sách rõ ràng về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và sử dụng năng lượng mặt trời theo hình thức tự sinh, tự hủy để giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng hiệu quả điện năng; áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với thiết bị, máy móc và công nghệ nhập khẩu phục vụ cho đầu tư và chuyển đổi xanh tại cảng biển.
Để thoát khỏi thách thức về chi phí, bà Nguyễn Thị Thu Thảo mong muốn, Chính phủ bằng hỗ trợ các chính sách như giảm thiểu rào cản, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt các loại phí và lệ phí; ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính thông qua các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi xanh; hoàn thiện khung pháp lý để khuyến khích đầu tư xanh, tạo môi trường kinh doanh ổn định; tăng cường truyền thông và hướng dẫn doanh nghiệp trong ngành cảng - logistics để xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng xanh. Đồng thời, xem xét tăng giá sàn nâng hạ container tại các cảng (hiện vẫn chỉ bằng 40% so với mức trung bình của khu vực) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cảng đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển quốc gia, phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Với vai trò là cầu nối cho doanh nghiệp trong quá trình xanh hóa, ông Hoàng Hồng Giang khẳng định, dù khó khăn, quá trình này có thể bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như tối ưu thời gian xếp hàng và sắp xếp container, trước khi chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng sạch. Để thúc đẩy quá trình này, ông kêu gọi đầu tư vào các nhà máy sản xuất nhiên liệu sạch tại các cảng, thu hút thêm tàu xanh và nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp thu ý kiến từ các doanh nghiệp và chuyên gia, đồng thời báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cảng biển phát triển xanh và bền vững.