![]() |
Cuối năm, cảnh giác với tiền giả |
![]() |
Đối phó tội phạm công nghệ: Luôn đề cao cảnh giác và xác minh thông tin |
![]() |
Cảnh giác thủ đoạn mạo danh ngân hàng gửi tin nhắn lừa đảo |
Theo Agribank, thời gian gần đây cùng với sự phát triển nhanh, mạnh của hạ tầng công nghệ số, các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong tài khoản hoặc thẻ thông qua các app di động và các phần mềm ngày càng tinh vi và khó phát hiện.
Số lượng các vụ mạo danh ngân hàng để lừa đảo ngày càng tăng. Đối tượng lừa đảo có thể mạo danh nhân viên ngân hàng để gọi điện hỗ trợ, giải ngân, trả góp, rút tiền mặt, nâng hạn mức thẻ tín dụng… dụ khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP; từ đó, chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.
![]() |
Khách hàng giao dịch thông qua các ứng dụng chính thức do ngân hàng cung cấp để giảm tránh các hành vi lừa đảo |
Đối tượng lừa đảo cũng thường xuyên sử dụng các tin nhắn giả thương hiệu ngân hàng hoặc giả tạo các cuộc gọi từ cơ quan điều tra. Sau đó, yêu cầu khách hàng giao dịch theo các đường link giả để chiếm đoạt thông tin bảo mật. Các đối tượng cũng thường xuyên giả mạo cán bộ viễn thông, dụ dỗ khách hàng nâng cấp sim 4G, 5G; từ đó chiếm đoạt số điện thoại đăng nhập các ví điện tử và các app trung gian thanh toán rút tiền từ tài khoản ngân hàng.
Khi giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến, tội phạm lừa đảo cũng thường mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử nhằm tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng ảo. Công việc của các cộng tác viên này là đặt mua các đơn hàng ảo, nhưng họ phải chuyển khoản thanh toán thật, sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc cộng hoa hồng từ 10% đến 20%...
“Các đơn hàng đầu tiên thường trị giá nhỏ từ 1-2 triệu đồng. Cộng tác viên sau khi chuyển khoản đều được đối tượng thông báo nhiệm vụ thành công và chuyển trả đầy đủ tiền gốc cộng thêm hoa hồng. Nhưng sau đó, các nhiệm vụ có giá trị lớn hơn, tiền nộp vào nhiều hơn, đối tượng sẽ báo lỗi nhằm chiếm đoạt tài sản”, đại diện MSB khuyến cáo.
Ngoài những hành vi giả mạo website, giả mạo thương hiệu ngân hàng, thời gian qua một số đối tượng lừa đảo cũng dùng chiêu trò chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng. Sau đó, mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng và hướng dẫn thủ tục hoàn trả. Khi khách hàng làm theo yêu cầu sẽ bị chiếm đoạt quyền truy cập tài khoản và bị rút mất tiền trong tài khoản.
Để hạn chế tối đa vướng vào các giao dịch lừa đảo liên quan đến chuyển tiền, thanh toán trực tuyến, các chuyên gia ngân hàng khuyến cáo khách hàng cảnh giác cao đối với các yêu cầu giao dịch đáng ngờ. Khách hàng chỉ giao dịch chuyển tiền, thanh toán thông qua các ứng dụng được cung cấp trực tiếp bởi ngân hàng; không cung cấp hình ảnh 2 mặt chứng minh thư, căn cước công dân, giấy tờ tùy thân, mật khẩu tài khoản, mã OTP cho bất kỳ ai vì bất kỳ mục đích gì.
Theo đại diện Agribank, tất cả các khoản phí sẽ được thu tự động trên tài khoản của khách hàng hoặc thu tại quầy giao dịch. Vì thế khi có các yêu cầu chuyển tiền phí, tiền hoa hồng… khách hàng cần cảnh giác xem lại đường link, địa chỉ truy cập và các app liên kết để tránh chuyển nhầm vào tài khoản giả mạo. Khi nhận được các yêu cầu hỗ trợ nâng hạn mức thẻ tín dụng, giải ngân khoản vay ưu đãi, tin nhắn mượn tiền từ người quen… cần trực tiếp liên hệ với tổng đài của ngân hàng hoặc bạn bè, người thân xác nhận để tránh thiệt hại.
Đại diện một số NHTM tại TP.HCM cho biết, hiện nay đa số ngân hàng đều đầu tư khá mạnh cho công nghệ bảo mật thông tin. Chính sách an ninh thông tin ở nhiều ngân hàng đã đạt tiêu chuẩn ISO 27001, áp dụng “Khung tiêu chuẩn bảo mật khách hàng - Customer Security Framework” của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Vì vậy, khách hàng có thể yên tâm giao dịch qua các ứng dụng do các ngân hàng trực tiếp cung cấp.
Khi nghi ngờ đường link hay website giả mạo, tài khoản lừa đảo, khách hàng có thể tra cứu qua tính năng Tra cứu trên hệ thống tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) do Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC) cung cấp. Danh sách các tài khoản và website được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) báo cáo và kiểm duyệt nghiêm ngặt. Đây cũng là địa chỉ để người dùng báo cáo các website, tài khoản lừa đảo. Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ kiểm tra, xác thực rồi được duyệt và hiển thị trên giao diện tra cứu tài khoản.
Ngoài ra, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam khuyến cáo người dùng lưu ý website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức “https” và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Khi nhận được các tin nhắn cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vàng trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn.
Thạch Bình
Nguồn: