Chỉ rõ những khoảng trống cho ngành Cơ khí phát triển
Công nghệ là đòn bẩy “thúc” ngành cơ khí | |
Không để ngành cơ khí “tự bơi” |
Phát biểu khai mạc Hội nghị chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 24/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp - dịch vụ khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, đại diện các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN cơ khí trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo.
Cơ khí phải làm nền tảng cho các ngành sản xuất khác
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, ngành cơ khí cung cấp máy móc, thiết bị cho mọi lĩnh vực, từ sản xuất đến tiêu dùng, với khoảng 1/3 sản lượng cơ khí là sản phẩm trung gian được phân phối cho các ngành kinh tế khác. Qua đó, ngành này trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao năng suất lao động quốc gia.
Tại Việt Nam, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi để phát triển ngành cơ khí. Thời gian qua, ngành cơ khí trong nước đã có bước phát triển rất quan trọng. Số lượng DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong các DN ngành chế biến, chế tạo.
Quy mô, năng lực các DN cơ khí được nâng cao ở hầu hết các ngành cơ khí, từ chế tạo thiết bị toàn bộ, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất xe máy, chế tạo thiết bị thủy công, cho đến chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thiết bị cho ngành xi măng và vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, thiết bị điện, cơ khí nông nghiệp.
Đã hình thành hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Một số sản phẩm cơ khí được sản xuất đã đạt chất lượng tốt, tương đương sản phẩm của các quốc gia trong khu vực. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải nhìn nhận rằng năng lực của ngành cơ khí còn thấp, lại đang có dấu hiệu phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Hiện tại, mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Còn thiếu nhiều thương hiệu sản phẩm cơ khí nội địa...
Từ những vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp-dịch vụ khác. “Cần có sự phân tích khoa học, chính xác về nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống cho ngành cơ khí phát triển, những lĩnh vực mà ngành cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh được”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Hạn chế đã kéo dài rất lâu
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của ngành cơ khí trong nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng những hạn chế này đã được nói đến rất nhiều nhưng cứ kéo dài mãi. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành cơ khí nhìn chung chưa cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng cho phát triển công nghiệp.
Bộ trưởng cho hay, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành cơ khí trên tổng số doanh nghiệp các ngành chế biến chế tạo khá cao (gần 30%), tuy nhiên tỷ lệ giá trị doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm (hơn 18%); Trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước từ 2 – 3 thế hệ.
Ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Việt Nam chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài. Các doanh nghiệp cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, có năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí. Chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá thành sản phẩm cao, tính cạnh tranh của sản phẩm kém, gần như chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực trong ngành cơ khí đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cũng thừa nhận, mặc dù đạt được một số thành tựu, song công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Ông Long phân tích, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 20.000 doanh nghiệp cơ khí nội địa (không tính doanh nghiệp FDI) đang sản xuất, kinh doanh, song doanh nghiệp có số lượng cán bộ nhân viên từ 500 người trở lên còn rất ít (chỉ khoảng 100 doanh nghiệp), còn lại đa phần là doanh nghiệp cơ khí có quy mô nhỏ. Là ngành giữ vai trò hạ tầng kỹ thuật cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và an ninh quốc phòng nhưng công nghiệp cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu thị trường nội địa.
Chỉ ra điểm nghẽn khiến ngành cơ khí không thể bật lên trong thời gian qua, ông Long khẳng định, bất kỳ ngành sản xuất nào mà không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, trước hết là thị trường nội địa, thì đều không thể phát triển được. Trong khi đó Việt Nam chưa có những biện pháp phù hợp để bảo vệ và khai thác thị trường nội địa cho ngành cơ khí.
Theo số liệu sơ bộ, hàng năm Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm các ngành sản xuât công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Từ đó có thể thấy, dư địa thị trường để phát triển các ngành cơ khí sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư trong nước là khá tiềm năng.
Mặt khác, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển các dự án năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, xây dựng giao thông cầu đường, cảng biển, hệ thống thủy lợi, phát triển nông, lâm, hải sản, dịch vụ bưu chính viễn thông… Đây cũng là một thị trường đóng vai trò rất quan trọng cho các sản phẩm cơ khí.
“Mặc dù vậy, nhiều năm qua ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần của dung lượng thị trường này vì doanh nghiệp cơ khí nội địa đã luôn phải tự bơi trong cơ chế thị trường nội địa chưa hoàn thiện, phải theo cơ chế xin - cho, ít đơn hàng đầu tư công và luôn bị doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh quyết liệt”, ông Long tiếc nuối.
Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua điểm nghẽn từ yếu tố vi mô là năng lực của doanh nghiệp. Theo đó, trình độ quản trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đa phần còn thấp, sau hơn 20 năm phát triển vẫn không có nhiều doanh nghiệp đạt trình độ quản trị sản xuất kinh doanh tiệm cận thời kỳ CMCN lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ CMCN lần thứ 4.
Đối với điểm nghẽn từ các yếu tố vĩ mô, công tác quản lý nhà nước, Hiệp hội DN cơ khí cho rằng, thời gian qua Chính phủ và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đối với cơ khí nhưng các chính sách đó chưa thực sự đi vào cuộc sống; hệ thống chính sách quản lý phát triển kinh tế, công nghiệp của nhà nước trong đó có cơ khí chưa đồng bộ.