Đầu tư phát triển ngành cơ khí
Cơ hội để ngành cơ khí đổi mới | |
Chính sách cho ngành cơ khí: Phải “đi tắt đón đầu” để phát huy lợi thế người đi sau |
Tổ hợp Cơ khí Thaco Chu Lai |
Với kinh nghiệm và nền tảng hơn 15 năm trong lĩnh vực cơ khí ô tô, Thaco đã từng bước phát triển, đến nay đã hình thành một Tổ hợp Cơ khí đa dụng tại Chu Lai (Quảng Nam). Tổ hợp này sản xuất các nhóm sản phẩm cơ khí nông, lâm nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển sản phẩm đến sản xuất và cung ứng. Cụ thể, Tổ hợp Cơ khí Thaco Chu Lai có diện tích 19 ha, vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng với 3 nhà máy: nhà máy gia công thép; nhà máy sản xuất khuôn; và tổ hợp cơ khí. Tất cả các nhà máy này đều được trang bị dây chuyền công nghệ, máy móc hiện đại nhập khẩu từ Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trung tâm R&D cũng được hình thành với công nghệ tiên tiến và hệ thống trang thiết bị, phần mềm thiết kế, tính toán, mô phỏng hiện đại. Đội ngũ nhân lực có 350 kỹ sư và chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về thiết kế sản phẩm và kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn trên thế giới. Đây chính là thế mạnh, nền tảng để hình thành trung tâm cơ khí đa dụng. Cùng với cung cấp cho các nhà máy tại Khu kinh tế mở Chu Lai và các doanh nghiệp lớn trong nước, nhiều sản phẩm của tổ hợp như thùng xe, bồn nhiên liệu, khuôn công nghiệp, xe đẩy hành lý sân bay, linh kiện cơ khí nông nghiệp… đã được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thaco Chu Lai cũng triển khai hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp cơ khí thông qua liên kết với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn tại các thị trường lớn để phát triển sản xuất kinh doanh, đặt hàng gia công theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong các công đoạn sản xuất, công nghệ, thiết bị còn thiếu hay chia sẻ một số công đoạn trong chuỗi giá trị. Tổ hợp cũng đã hỗ trợ sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh hoặc các chi tiết cơ khí đạt tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp như Doosan Vina, Makitech, Agata, Three Star, Đại Dũng, OGS, Chiến Thắng, PTSC...
Theo ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc Thaco, mở rộng sản xuất cơ khí là chiến lược phù hợp với chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ khí luôn được định hướng giữ vai trò chủ đạo và là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ; đảm bảo khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới (theo Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035).
Đối với Thaco, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên nền tảng cơ khí chế tạo là mục tiêu chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; tăng thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực kinh tế khác; qua đó, thực hiện chiến lược nội địa hóa, tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là bước đi cụ thể trong lộ trình thực hiện chiến lược phát triển đa ngành của Thaco.