TP. Hồ Chí Minh: Ngành cơ khí sẽ phát triển các sản phẩm chủ lực
Cơ hội để ngành cơ khí đổi mới Đầu tư phát triển ngành cơ khí Doanh nghiệp ngành cơ khí: Nỗ lực cạnh tranh ngay trên sân nhà |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, cơ khí là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu được thành phố khuyến khích phát triển. Thời gian qua, ngành đã có những đóng góp quan trọng cho công nghiệp thành phố, chiếm khoảng 19% giá trị sản xuất, đóng góp 17% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Trước những tác động mạnh mẽ của làn sóng CMCN 4.0, doanh nghiệp cơ khí đang phải cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng… để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo TS. Bùi Thanh Luân, Hội tự động hóa TP. Hồ Chí Minh, hiện trong lĩnh vực tự động hóa, thế giới đang có những xu hướng như làm cho nhà máy thông minh hơn, quản lý sản xuất, xử lý các tình huống sản xuất nhanh hơn, chính xác hơn. Cùng với đó, hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng cao, giá thành giảm; giảm lượng nhân công, tiêu thụ năng lượng; giảm tối đa sản phẩm lỗi, rút ngắn thời gian hoàn thành sản phẩm với các công nghệ xanh hơn, sạch hơn. Tại Việt Nam, ngành tự động hóa cũng phát triển theo xu hướng đó nhưng rất chậm; chưa có những doanh nghiệp “đầu tàu”… Ngoài ra, các chính sách về phát triển tự động hóa hiện cũng chưa thật sự đi vào cuộc sống.
Bàn cách phát triển ngành cơ khí - tự động hóa thành phố, ông Đoàn Võ Khang Duy, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc xác định nhóm sản phẩm chủ lực là một nội dung tối quan trọng, mang tính nền tảng cho các hoạt động chiến lược thúc đẩy phát triển cho ngành. Chính vì thế, cần lựa chọn nhóm sản phẩm chủ lực trong ngắn hạn như: sản phẩm xanh, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao; sản phẩm có hàm lượng nội địa hóa cao... Bên cạnh đó là các tiêu chí về mức độ sẵn sàng và tiềm năng của chuỗi cung ứng; mức độ sẵn sàng và tiềm năng về công nghệ, kỹ thuật; tính liên kết cao trong sản xuất, kinh doanh; sản phẩm dễ đạt chuẩn, dễ công bố tiêu chuẩn; chủ thể thuần Việt; sản phẩm và công nghệ cơ khí tự động hóa - kết nối thông minh trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông vận tải, robot; sản phẩm và công nghệ chuyên về động cơ và động lực thế hệ mới, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Theo ông Duy, cần lựa chọn và phát triển các sản phẩm như động cơ điện, xe điện, máy móc hoạt động bằng năng lượng tái tạo, sản phẩm và công nghệ vật liệu nền tảng như kim loại, phi kim loại đặc chủng, vật liệu tổng hợp mới.
Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề cương Chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện Sở Công Thương đã cùng các cơ quan liên quan phối hợp đánh giá thực trạng, tiềm năng; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển ngành cơ khí - tự động hóa của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó làm cơ sở xác định các sản phẩm chủ lực và công nghệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với xu thế của thế giới.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, TP. Hồ Chí Minh dự kiến tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố, trong đó có ngành cơ khí - tự động hóa. Hàng năm tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực bậc cao và nguồn nhân lực giỏi nghề cho ngành cơ khí - tự động hóa; tổ chức ít nhất 1 sự kiện xúc tiến thương mại cho ngành cơ khí - tự động hóa. Cùng với đó, mở rộng liên kết sản xuất các sản phẩm máy móc thiết bị thuộc Chương trình “Made By Vietnam”.
Để thực hiện mục tiêu trên, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, đã đề xuất thí điểm cơ chế chính sách ưu đãi mới, mang tính đột phá dành riêng cho các đối tượng thực hiện các giải pháp, đề án, dự án trong Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030, trọng tâm là chính sách hỗ trợ tham gia chương trình kích cầu đầu tư đối với các dự án đầu tư ngoài phạm vi thành phố. Bên cạnh đó, quy hoạch, đầu tư một Khu công nghiệp mới tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, trong đó có ngành cơ khí - tự động hóa…
Khẳng định quyết tâm đẩy mạnh phát triển ngành cơ khí tự động hóa trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, dù cơ cấu kinh tế thành phố có chuyển theo hướng hiện đại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, nhưng cũng rất cần phải quan tâm, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, trong đó có sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Đây là yêu cầu tất yếu của sự phát triển cân bằng và bền vững.
“Do đó, doanh nghiệp trong nước nhất là các doanh nghiệp ngành cơ khí, tự động hóa cần tích cực học hỏi, cọ sát, tiếp cận nắm bắt nhu cầu, xu hướng thế giới để có định hướng đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị và cho ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn thế giới”, ông Hoan nói.