Chính sách cho ngành cơ khí: Phải “đi tắt đón đầu” để phát huy lợi thế người đi sau
Công nghệ là đòn bẩy “thúc” ngành cơ khí | |
Năm cản trở lớn với ngành cơ khí Việt |
Thủ tướng kêu gọi DN cơ khí nỗ lực, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ |
“Phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp-dịch vụ khác. Cần chỉ rõ những khoảng trống cho ngành cơ khí phát triển, những lĩnh vực mà ngành cơ khí Việt Nam có thể cạnh tranh được”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đặt vấn đề tại “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 24/9 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Mới đáp ứng 30% nhu cầu trong nước
Ý kiến của ông Toru Kinoshita - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng giám đốc Toyota Việt Nam đã thu hút được nhiều sự chú ý. Bởi vị này như muốn bộc bạch cho lý do tại sao thời gian gần đây các doanh nghiệp ô tô đồng loạt chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô về 0%.
Cụ thể, dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, một trong những bất lợi của các nhà cung ứng tại Việt Nam là quy mô, sản lượng nhỏ do dung lượng thị trường nhỏ; kỹ năng, trình độ chuyên môn sâu của người lao động ở những mặt hàng phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao còn hạn chế; và đặc biệt nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong nước chưa sản xuất được.
“Thực tế này ảnh hưởng đến chi phí sản xuất tại Việt Nam. Trước kia chúng tôi nghĩ rằng, chi phí sản xuất các chi tiết có nhựa, thép dập ở Việt Nam cao hơn gấp rưỡi so với các nước lân cận do yếu tố bất lợi về sản lượng và quy mô kinh tế. Nhưng thực tế khi so sánh và tìm hiểu, chi phí cao hơn gấp 2-3 lần”, ông Toru Kinoshita nói và lấy ví dụ chi tiết nắp bình xăng, báo giá sản xuất trong nước là 4 USD, nhưng hàng Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bằng một nửa…
Thực tế này cho thấy năng lực của ngành cơ khí còn thấp, trong khi ngành này cung cấp máy móc, thiết bị cho mọi lĩnh vực, từ sản xuất đến tiêu dùng, với khoảng 1/3 sản lượng cơ khí là sản phẩm trung gian được phân phối cho các ngành kinh tế khác. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lo ngại, không chỉ năng lực thấp, ngành cơ khí Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển chậm và còn nhiều hạn chế. Hiện tại, ngành này mới chỉ đáp ứng 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, còn thiếu nhiều thương hiệu sản phẩm cơ khí nội địa.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Còn thiếu nhiều DN cơ khí lớn mang tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành cơ khí. Trình độ cơ khí chế tạo đặc biệt là cơ khí chính xác (là trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước.
Nhà nước sẽ đóng vai trò “bà đỡ” cho DN
Ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho thấy, cơ hội phát triển thị trường cho máy móc thiết bị của Việt Nam còn rất lớn. Có thể sơ bộ đánh giá độ lớn thị trường cho ngành cơ khí giai đoạn 2019 - 2030 lên tới khoảng 310 tỷ USD. Như vậy việc phát triển thị trường này sẽ đem lại nguồn công việc cho doanh nghiệp và người dân, tạo sự phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP.
Ông Đào Phan Long - Chủ tịch VAMI nhấn mạnh, phát triển công nghiệp cơ khí sẽ đem lại lợi nhuận đến vài chục tỷ USD trong 10-20 năm tới, đặc biệt khi triển khai đầu tư các nhà máy công nghiệp, các công trình lớn của đất nước. Cùng với đó, sẽ tạo sự tự chủ trong đầu tư, bởi khi làm chủ về công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị, chúng ta có thể làm chủ về xây dựng, đầu tư các dự án, công trình của đất nước, không lệ thuộc vào nhà thầu nước ngoài, hạn chế được tổn thất do kéo dài tiến độ thực hiện dự án, giảm giá thành đầu tư…
Tuy nhiên để hiện thực hoá được kế hoạch dài hơi này, ông Long cho rằng không thể quan niệm xây dựng phát triển các doanh nghiệp cơ khí nội địa như đối với xây dựng phát triển các doanh nghiệp của các ngành kinh tế khác cần ít vốn, nguồn nhân lực không đòi hỏi trình độ tay nghề cao, vòng quay vốn ngắn... Do vậy Nhà nước cần có chính sách đặc thù để đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí quốc gia.
Lắng nghe những ý kiến đóng góp, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ có Nghị quyết về giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Trước những bất cập đã được chỉ rõ của ngành cơ khí, Thủ tướng chỉ rõ, chính sách phải “đi tắt đón đầu” để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập.
Theo đó, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam. Phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và tín dụng cho ngành cơ khí rõ hơn.
Bên cạnh đó, cần tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN. Nhà nước nghiên cứu chính sách hỗ trợ DN trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước; nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước song phải phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các DN cơ khí trong nước. Triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa DN trong nước với nhau và với các DN lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh có ý nghĩa quyết định; đội ngũ này sẽ có bản lĩnh, khát vọng của người Việt Nam trên thương trường.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư, cộng đồng DN trong nước và nước ngoài hoạt động trong ngành cơ khí đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của DN cơ khí nói riêng và DN ngành chế biến, chế tạo nói chung”, Thủ tướng kêu gọi.
Theo số liệu của NHNN, tính đến thời điểm 31/7/2019, tổng dư nợ tín dụng đối với một số ngành công nghiệp cơ khí đạt 294.420 tỷ đồng. Trong đó dư nợ đối với các ngành cơ khí chế tạo đều có xu hướng tăng: ngành sản xuất thiết bị điện đạt 28.213 tỷ đồng, tăng 15,38% so với cuối năm 2018; ngành sản xuất xe có động cơ và phương tiện vận tải đạt 43.767 tỷ đồng, tăng 40,02%, trong đó ngành đóng tàu và thuyền đạt 14.010 tỷ đồng, tăng 64,51%. |