Hiệu quả những đồng vốn nghĩa tình trên đất Tây Đô (Bài 2)
Hiệu quả những đồng vốn nghĩa tình trên đất Tây Đô (Bài 1) |
Bài 2: Điểm sáng Cờ Đỏ
Vì nhiệm vụ chung
Cờ Đỏ là huyện vùng sâu, vùng xa của thành phố Cần Thơ, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm trước, người dân trên địa bàn chưa hiểu đầy đủ về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, do các nguyên nhân như: nguồn vốn, đối tượng được vay và các chương trình tín dụng chính sách triển khai còn hạn chế. Nhiều hộ chưa hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi vay vốn tại NHCSXH, dẫn đến “ngại ngần” tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được triển khai đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở nhiều địa phương, trong đó có huyện Cờ Đỏ.
Từ năm 2014 đến nay, đã có thêm nhiều chương trình tín dụng chính sách mới được triển khai trên địa bàn huyện như: Hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhà ở xã hội, cho vay đối với học sinh, sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; các chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số như cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tính đến ngày 30/9/2024, đã có 16 chương trình tín dụng chính sách đã và đang triển khai trên địa bàn huyện, tăng 8 chương trình so với thời điểm 2009 với tổng dư nợ đạt 542,749 tỷ đồng, tăng 484,069 tỷ đồng so với thời điểm năm 2009.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cờ Đỏ - Đỗ Minh Đức và Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thắng đến thăm mô hình phát triển kinh tế của chi Đào Thị Huyền, ấp Đông Thắng |
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cờ Đỏ - Đỗ Minh Đức chia sẻ: Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cờ Đỏ được thành lập từ năm 2004, sau đó từ tháng 3/2009, huyện Cờ Đỏ được điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập huyện Thới Lai, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cờ Đỏ được chia tách và dời về trung tâm huyện Cờ Đỏ mới.
Nhận thức rõ ý nghĩa công việc được giao, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi được thuận lợi, các cán bộ của đơn vị luôn nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cờ Đỏ luôn kịp thời báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tham mưu kịp thời cho UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện có ý kiến chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp, hỗ trợ NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là sắp xếp, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH hàng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cờ Đỏ thực hiện chương trình giải ngân cho khách hàng tại Điểm giao dịch xã Đông Thắng |
Anh Lê Minh Thảo, ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ nhận vốn vay 45 triệu đồng từ Chương trình cho vay học sinh, sinh viên |
Các cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện xuống cơ sở, nắm rõ điều kiện thực tế từng xã, thị trấn, phối hợp với cán bộ UBND xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và đơn vị liên quan; rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo thực hiện tốt công tác bình xét cho vay, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, có phương án, mô hình sử dụng vốn vay hiệu quả.
Nói về sự vào cuộc, tích cực tham gia công tác tác củng cố, nâng cao chất lượng ủy thác của tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ cho biết: Thới Đông là xã vùng ven của huyện, từng có tên trong danh sách các xã nghèo nhất của thành phố Cần Thơ.
Làm thế nào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân là điều Hội nông dân xã luôn trăn trở. Ban chấp hành Hội Nông dân xã Thới Đông đã bám sát các nhiệm vụ được đề ra tại Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Hội thường xuyên báo cáo, tham mưu cấp ủy, chính quyền về tình hình hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là các khó khăn để cấp ủy, chính quyền có ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Cùng phối hợp chặt chẽ với Phòng giao dịch NHCSXH huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã, Hội Nông dân xã Thới Đông còn hoàn thành tốt các công việc được NHCSXH ủy thác. Hội quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, trọng tâm là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và chất lượng hoạt động ủy nhiệm của các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn do Hội quản lý. Hàng tháng, căn cứ kết quả đánh giá chất lượng hoạt động ủy nhiệm do NHCSXH cung cấp, Hội kiểm tra các Tổ Tiết kiệm và Vay vốn có tiêu chí nào còn chưa tốt để từ đó có giải pháp chấn chỉnh phù hợp.
Hội Nông dân xã Thới Đông cũng thường xuyên phối hợp với NHCSXH rà soát, đánh giá và lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro kịp thời đối với các trường hợp bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đủ điều kiện xử lý. Đến nay, dư nợ do Hội quản lý là 23,628 tỷ đồng, tăng 12,384 tỷ đồng (tăng 110%) so với cuối năm 2014, không có trường hợp nợ quá hạn.
Những con số “biết nói”
Đánh giá hiệu quả công tác tín dụng chính sách xã hội, ông Phạm Minh Thuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cờ Đỏ phấn khởi khẳng định: Qua những con số thuyết phục có thể thấy nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội ở huyện Cờ Đỏ. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 31 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,1%), giảm 3.408 hộ so với thời điểm cuối năm 2009; số hộ cận nghèo còn 489 hộ (tỷ lệ 1,61%), giảm 2.246 hộ so với thời điểm cuối năm 2009. Đời sống người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn khởi sắc, Cờ Đỏ đã được công nhận là huyện Nông thôn mới, với 9/9 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, trong đó 2 xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố Cần Thơ đến kiểm tra thông tin người vay vốn tại xã Đông Thắng |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ) Nguyễn Hoàng Vũ vui mừng nói: Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách từ NHCSXH được triển khai trên địa bàn xã Thới Đông là 48,247 tỷ đồng, chiếm 8,77% trên tổng dư nợ của toàn huyện; riêng Hội Nông dân xã Thới Đông quản lý 23,628 tỷ đồng, chiếm 48,97% trên tổng dư nợ của xã, với 11 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, 510 tổ viên vay vốn còn dư nợ.
Hội Nông dân xã Thới Đông xác định trách nhiệm trong công tác giảm nghèo là tuyên truyền, vận động, chuyển giao công nghệ trong sản xuất cho nông dân, đồng thời phối hợp chặt chẽ với NHCSXH để đầu tư vốn phát triển, mở rộng các mô hình sản xuất. Đồng thời, Hội tham mưu Đảng ủy, UBND xã kiến nghị Trung tâm dạy nghề huyện và Chi cục phát triển Nông thôn thành phố mở nhiều lớp dạy nghề phù hợp ở địa phương như: nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái, sản xuất lúa giống, kỹ thuật chăn nuôi... Thông qua những lớp nghề, Hội Nông dân xã xây dựng những dự án phù hợp với từng mô hình, đồng thời kiến nghị với NHCSXH huyện cho vay vốn đúng theo đối tượng, từng dự án, mô hình, để hội viên có đủ điều kiện mở rộng sản xuất.
Nhờ đó, hiện nay, ở Thới Đông đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Đó là mô hình nuôi heo sinh sản của hộ ông Nguyễn Hoàng Thật, thu nhập 250 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây ăn trái của hộ ông Mai Chí Tâm, cho thu nhập 350 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất lúa giống của hộ ông Châu Trường, thu nhập 250 triệu đồng/năm hoặc nuôi thủy sản của hộ ông Phan Văn Rạn, đạt thu nhập 270 triệu đồng/năm...
Từ chỗ là xã nằm trong diện nghèo nhất thành phố, Thới Đông đã vươn lên đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, đang phấn đấu sớm trở thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu.