Phát huy hiệu quả tín dụng chính sách: Không đơn thuần là chuyện cần câu hay con cá
Bài 1: Tạo sức mạnh nội sinh
“Nếu một quả trứng bị vỡ bởi một lực bên ngoài, sự sống sẽ kết thúc, tuy nhiên nếu nó bị phá vỡ bởi một lực bên trong, cuộc sống bắt đầu". Câu chuyện phát huy hiệu quả tín dụng chính sách cũng cần phải xác định như quả trứng vỡ ra từ bên trong.
Dạy đồng bào “biết làm”
Những ngày cuối tháng 7, huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức được công nhận thoát khỏi huyện nghèo. Thông tin này được công bố khiến không ít người thấp thỏm lo lắng “mức sống của người dân A Lưới nhất là các hộ đồng bào dân tộc quá thấp, liệu khi thoát khỏi huyện nghèo, thiếu đi các chính sách hỗ trợ đặc thù, người dân A Lưới sẽ ra sao”. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có rất nhiều ý kiến cho rằng, A Lưới đã “thay da, đổi thịt” và việc thoát khỏi huyện nghèo sẽ là cơ hội cho cả chính quyền lẫn người dân, bởi sẽ có những chính sách ưu đãi khác thay thế, thúc đẩy người dân cũng như địa phương tiến về phía trước.
Có dõi theo từng hành trình đổi thay của huyện vùng cao A Lưới mới thấy, người dân A Lưới hôm nay đã có nhiều bước chuyển trong nhận thức và chỉ cần có chính sách “làm mồi” kích thích nỗ lực vươn lên của người dân chuyện thoát nghèo bền vững sẽ không quá khó khăn. Và câu chuyện đồng hành của nguồn vốn tín dụng chính sách cùng bà Lê Thị Hồng, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới là minh chứng cho việc “khơi dậy” ý thức vươn lên của đồng bào.
Tín dụng chính sách góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn |
Vốn dĩ đã quen với tập tục đốt nương làm rẫy, khai thác những tài nguyên sẵn có trong tự nhiên để phục vụ cuộc sống nên đời sống kinh tế gia đình bà rất bấp bênh. Nhưng rồi với sự đồng hành của địa phương, cán bộ hội đoàn thể… gia đình bà dần tiếp cận với các mô hình kinh tế, làm quen với những cây trồng, con giống thích hợp với đất đai thổ nhưỡng. Tâm lý phát triển kinh tế bền vững dần dần được định hình.
Bà Hồng cho hay, khi đã tự ý thức được việc an cư lạc nghiệp, gia đình chúng tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay vốn để triển khai các mô hình kinh tế. Hiệu quả kinh tế được khẳng định khi năm 2018, gia đình tôi chính thức thoát nghèo.
Không chỉ dừng ở đó, ngay khi thoát nghèo, bà tiếp tục đăng ký vay vốn giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm mở rộng diện tích trồng rừng, đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, trâu. Từ một gia đình khó khăn, gia đình bà trở thành một trong những hộ nông dân điển hình với thu nhập mỗi năm trên 250 triệu đồng/năm, con cái được học hành, nhà cửa được đầu tư khang trang. Hành trình thoát nghèo và vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá giả trên địa bàn của bà Hồng là minh chứng quan trọng không chỉ trong tiếp cận tín dụng mà còn là minh chứng cho sự đồng hành nhằm tạo nên một thay đổi lớn tâm lý của đồng bào A Lưới.
Đó cũng là tâm sự của bà Hồ Thị Lan, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn thôn Cân Tôm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, người gắn bó với hoạt động tín dụng chính sách ngay từ những ngày đầu “bén rễ” tại Hồng Vân.
Bà Lan bảo, trong quá trình công tác, tôi cũng như các cán bộ hội luôn tâm niệm, cuộc sống chỉ thay đổi khi bản thân mỗi hộ dân phải ý thức và phát huy nội lực của chính bản thân. Nội lực ở đây không chỉ đơn thuần là sức mạnh vật chất, mà còn bao gồm tri thức, kỹ năng và tinh thần tự lực cánh sinh. Và, nguồn vốn tín dụng đã giúp phát huy được nội lực, giúp các hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo.
Tín dụng chính sách đồng hành cùng đồng bào |
Đồng hành xây dựng cuộc sống mới
Không chỉ dừng ở các mô hình kinh tế, tín dụng chính sách cũng đã và đang góp phần mở ra những hướng đi mới cho người dân với những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm.
Lấy câu chuyện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế làm ví dụ. Nếu những năm 2000, con số tham gia làm việc tại nước ngoài tại địa phương này khá khiêm tốn thì trong 3 năm trở lại đây có sự tăng trưởng vượt bậc. Chỉ tính riêng địa bàn huyện Nam Đông, trong hai năm 2022, 2023 đã có 139 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; và năm 2024 con số này là 80 lao động. Từ đây đến cuối năm, trên địa bàn huyện còn có 28 lao động đang học nghề và học ngoại ngữ, dự kiến đầu năm 2025 sẽ đi lao động ở nước ngoài. Huyện Nam Đông cũng đặt ra mục tiêu sẽ đưa 90 lao động đi các nước làm việc theo hợp đồng trong năm tới. Và trong số những lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng này có 70% lao động được vay vốn từ NHCSXH và phấn đấu trong năm 2025, con số này đạt gần 90%.
Ông Đặng Văn Tấn, Phó Giám đốc phụ trách Phòng giao dịch NHCSXH Nam Đông cho hay, khó khăn lớn nhất của các gia đình khi có người thân đi lao động ở nước ngoài là số tiền trang trải cho việc học và chi phí ban đầu khi ở nước ngoài khá cao. Vì thế, việc tuyên truyền giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đi vào đời sống, giảm gánh nặng cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, Phòng giao dịch đã tăng cường phối hợp các cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác tuyên truyền cho người dân hiểu và nắm bắt kịp thời các thông tin. Đồng thời, chủ động nắm thông tin về người lao động đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người lao động chuẩn bị các hồ sơ cần thiết, không để xảy ra trường hợp người lao động đi lại nhiều lần khi làm thủ tục vay vốn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách vay vốn ưu đãi nhất.
Để đảm bảo nguồn vốn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh 23,5 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn. Cùng với đó, NHCSXH Thừa Thiên Huế cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về tín dụng cho vay và hỗ trợ chi phí ban đầu; hướng dẫn, hỗ trợ người lao động lập hồ sơ vay vốn và hỗ trợ chi phí ban đầu theo đúng chế độ chính sách của Nhà nước thêm cơ hội cho người dân, nhất là đồng bào thay đổi cuộc sống.