Năm cản trở lớn với ngành cơ khí Việt
Cần cú huých cho ngành công nghiệp cơ khí | |
Ngành cơ khí yếu và thiếu sức cạnh tranh | |
Tìm giải pháp vực dậy ngành cơ khí |
Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp cơ khí trong nước; đảm bảo khả năng tham gia sâu, có hiệu quả của nền kinh tế vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dài hạn.
Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Mặc dù các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đối với ngành cơ khí trọng điểm mới được áp dụng trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Số lượng doanh nghiệp cơ khí đã tăng mạnh từ 10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên 21.000 doanh nghiệp năm 2016; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD; nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước đã được thay thế; dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ, các doanh nghiệp đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; đóng tàu; máy công cụ và máy nông nghiệp... Các sản phẩm này đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải nhìn nhận một cách thực tế rằng ngành cơ khí nước ta còn rất nhiều hạn chế. Báo cáo về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0 do ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trình bày chỉ ra 5 điểm yếu của ngành cơ khí Việt Nam.
Đầu tiên là hạn chế về thị trường. Theo ông Phạm Tuấn Anh, ngành cơ khí nước ta khá đa dạng về sản phẩm, nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Ngay cả tại thị trường nội địa, các DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu là do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.
Hai là, ngành cơ khí hạn chế về trình độ khoa học công nghệ. Đại diện Cục Công nghiệp thẳng thắn: “Ngành cơ khí trong nước có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam”.
Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo về người tiêu dùng trong nước trước hàng nhập khẩu có chất lượng không phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. “Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ mới đã ra đời, làm thay đổi hoàn toàn cách thức phương thức sản xuất hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn trong đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ mới trong các DN cơ khí”, ông Tuấn Anh nói.
Ba là, ngành cơ khí Việt hạn chế về nguyên phụ liệu. Hiện nguyên phụ liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, tuy nhiên, hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, ở trong nước chúng ta cũng chưa có chính sách hợp lý để khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, từ đó nâng dần tỷ lệ nội địa hóa và thu mua nguyên phụ liệu trong nước.
Bốn là, hạn chế về nguồn nhân lực. Nhân lực ngành cơ khí nhìn chung còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao còn hạn chế. Lực lượng nghiên cứu triển khai, nhất là lực lượng tư vấn thiết kế chưa có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.
Năm là, vai trò của hiệp hội ngành nghề cơ khí chưa phát huy hiệu quả. Hiệp hội ngành nghề chưa phát huy được tính đại diện trong tập hợp ý kiến và hành động chung; chưa thu hút được sự tham gia của các DN cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các DN thành viên với nhau.