Chính sách tiền tệ trước áp lực vòng xoáy lạm phát, tỷ giá
Chính sách tiền tệ góp phần làm nên “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” | |
Điều hành chính sách tiền tệ: Linh hoạt để hóa giải áp lực | |
Luôn điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo sự nhất quán |
Đại biểu Hoàng Văn Cường |
Với tư cách đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận thế nào về đóng góp của ngành Ngân hàng vào kết quả và thành tựu kinh tế trong thời gian qua?
Để có được thành tựu tăng trưởng kinh tế như thời gian vừa qua phải dựa vào ổn định của kinh tế vĩ mô, trong đó đặc biệt là kết quả kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh lạm phát tăng nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên rủi ro nhâp khẩu lạm phát cũng là rất lớn. Tuy nhiên chúng ta vẫn kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đó là một thành công và trong thành công này có sự đóng góp rất lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam. Đặc biệt NHNN đã điều hành lãi suất, tỷ giá rất thận trọng nhưng linh hoạt, qua đó ổn định thị trường ngoại hối và giúp VND chỉ mất giá ở mức độ rất thấp so với nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới. Chính nhờ đó, chúng ta mới giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhất là năm 2023 chắc chắn áp lực sẽ còn lớn hơn nữa đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn vốn trong nước cho đầu tư phát triển. Trong khi đó, áp lực lạm phát tăng ngày càng hiện hữu và Fed tiếp tục tăng lãi suất khiến đồng nội tệ các quốc gia, trong đó có VND tiếp tục mất giá. Điều này đòi hỏi NHNN phải kết hợp giữa việc điều hành chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá một cách hợp lý để ổn định giá trị đồng tiền, nhưng đồng thời phải duy trì lãi suất ở mức độ hợp lý để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tôi cho rằng, thời gian tới sự phối hợp giữa chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất là một bài toán đòi hỏi phải có sự kết hợp hết sức hợp lý và nhanh nhạy để chúng ta không rơi vào trạng thái bị tác động mạnh của tỷ giá thế giới, nhưng cũng không rơi vào trạng thái lạm phát tăng cao, khiến lãi suất tăng nhanh.
Có ý kiến cho rằng, NHNN nên cấp thêm room tín dụng cho NHTM để doanh nghiệp tiếp cận vốn được nhiều hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đúng là hiện thị trường chứng khoán đang suy giảm rất lớn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Trong khi những lùm xùm trên thị trường trái phiếu vừa qua cũng cho thấy có rất nhiều rủi ro khiến nhà đầu tư mất lòng tin, khiến việc huy động vốn qua kênh này cũng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nguồn vốn để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới vẫn lại trông chờ chủ yếu vào tín dụng ngân hàng.
Vì vậy, trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh, cần phải có chính sách tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong nước nhưng phải hướng dòng tín dụng vào các khu vực thúc đẩy cho tăng trưởng chứ không để tín dụng chảy vào các khu vực đầu cơ.
Tuy nhiên trong bối cảnh áp lực lạm phát đang rất lớn như hiện tại, việc sử dụng room tín dụng như thế nào là một bài toán khó. Việc điều tiết tăng trưởng tín dụng ở mức nào cần phải tính toán hợp lý trên cơ sở cân đối hài hòa các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Thực tế cũng cho thấy, việc NHNN kiểm soát tăng trưởng tín dụng qua cấp room tín dụng đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát lạm phát và nâng cao chất lượng tín dụng thời gian qua.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chưa được như kỳ vọng. Theo ông, nguyên nhân ở đâu và giải pháp như thế nào để thúc đẩy chính sách hỗ trợ này hiệu quả hơn?
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là một giải pháp rất cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp muốn được tiếp cận lãi suất thấp, còn ngân hàng lại phải đảm bảo mức sinh lợi nhất định. Việc dùng chính sách tài khóa hỗ trợ lãi suất tôi cho rằng là một sự kết hợp rất tốt giữa tài khóa với tiền tệ để chúng ta vẫn cung cấp được nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp mà ngân hàng vẫn đảm bảo chi phí về mặt kinh doanh.
Tuy nhiên, thực tế giải ngân gói hỗ trợ này trong thời gian qua chưa đạt được mục tiêu. Việc chưa đạt mục tiêu có thể do nhiều nguyên nhân nhưng tôi cho rằng, những dự án mới có đủ điều kiện để có thể tiếp cận chính sách này không phải là nhiều. Bởi lẽ nhiều doanh nghiệp hiện nay đang còn các khoản vay cũ chưa thanh toán được, và đang nằm trong giai đoạn giãn, hoãn nợ thì rõ ràng họ sẽ không đủ điều kiện thụ hưởng chính sách này.
Thứ hai là với những khoản vay cũ, muốn áp dụng chính sách hỗ trợ phải quay trở lại để thẩm tra xem doanh nghiệp có đủ điều kiện để được hưởng lãi suất ưu đãi hay không với nhiều công đoạn khá phức tạp. Việc này khiến các doanh nghiệp cũng e ngại trong việc đăng ký để hưởng gói hỗ trợ.
Thậm chí có dư luận cho rằng, khi vay vốn không được hỗ trợ thì doanh nghiệp vay xong là xong và họ chỉ cần lo nghĩa vụ trả nợ, nhưng khi vay vốn hưởng lãi suất hỗ trợ, rất có thể sẽ có thanh tra, kiểm tra, giám sát nguồn vốn đó. Tôi cho rằng đấy cũng là những điều vừa mang tính chất tâm lý nhưng lại vừa là những yếu tố mang tính chất hành chính khiến chính sách này đi vào đời sống chậm hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!