Chính sách tiền tệ góp phần làm nên “tăng trưởng cao, lạm phát thấp”
PGS.TS. Hoàng Xuân Quế |
Ông nhận định gì về điều hành CSTT của NHNN trong thời gian qua?
Trong 2 năm 2020-2021, các nền kinh tế lớn trên thế giới thực hiện các gói kích thích với quy mô rất lớn để phòng chống các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, ảnh hưởng của thiên tai ở nhiều khu vực trên thế giới, cộng với chính sách zero Covid của Trung Quốc, và đặc biệt là những hệ lụy lớn và bất thường từ cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine… đẩy lạm phát tại hầu hết các nước đã và đang tăng rất cao. Vì thế, NHTW các nước chuyển mạnh sang hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để chống lại lạm phát.
Trước bối cảnh thị trường tài chính thế giới nói trên, NHNN Việt Nam đã luôn kiên định, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách của mình. Mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá đã được NHNN đặt vào vị trí trung tâm và ưu tiên.
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng NHNN vẫn kiên định trong kiểm soát tăng trưởng tín dụng; đồng thời yêu cầu các TCTD tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng đến sản xuất kinh doanh đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Các công cụ khác trong điều hành CSTT như nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, tỷ giá hối đoái, lãi suất cũng đã được NHNN sử dụng và thay đổi linh hoạt nhằm đạt các mục tiêu ngắn hạn để thực hiện mục tiêu dài hạn. Có thể khẳng định, CSTT đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, đồng thời hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, hệ thống các TCTD hoạt động an toàn, ổn định, bất chấp những bất ổn từ thị trường thế giới.
Một điểm nhấn khác trong điều hành CSTT đó là, trong bối cảnh các loại ngoại tệ chủ chốt trên thị trường tài chính quốc tế biến động mạnh; đồng USD lên giá cao nhất so với Euro trong hàng chục năm qua, nhưng tỷ giá giữa VND và USD vẫn được duy trì khá ổn định; Cung cầu ngoại tệ đảm bảo, qua đó tác động tích cực đến xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, vay nợ nước ngoài của Chính phủ, doanh nghiệp và thu hút FDI.
Đến thời điểm này chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt lạm phát, trong khi tốc độ tăng trưởng khá cao. Chia sẻ của ông về những tín hiệu tích cực này?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2022 của Việt Nam tăng tới 8,83% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Đây là mức tăng khá bất ngờ so với dự đoán của nhiều định chế tài chính uy tín trên thế giới cũng như của Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân khi tại thời điểm tháng 8/2022, các dự báo đều quanh mức 7-7,5%.
Dữ liệu Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thu thập và sử dụng phương pháp tính toán mới nhất về tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng sẽ nằm trong khoảng 7,2-7,4%, cho dù có một số biến động trên thị trường tài chính quốc tế những tháng cuối năm 2022.
Mặc dù để duy trì tăng trưởng GDP cao thì không chỉ điều hành CSTT thành công, mà còn là chính sách tài chính, chính sách đầu tư, chính sách thương mại… cũng phải làm tốt hơn. Song, thời gian qua thị trường chứng khoán liên tục giảm; kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều tồn tại chưa được khắc phục. Do vậy, vốn đầu tư cho nền kinh tế chủ lực vẫn là vốn tín dụng ngân hàng. Vì thế, tăng trưởng GDP cao trong 9 tháng đầu năm 2022 có vai trò hàng đầu là CSTT.
Về lạm phát. Đây đang là mối quan tâm lớn của hầu hết các nền kinh tế nói chung, NHTW nói riêng trên thế giới. Tuy nhiên với Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng 8/2022 chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.
So với tháng 12/2021, CPI tháng 9/2022 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Như vậy CPI của Việt Nam thấp hơn so với các nền kinh tế trong khu vực và thấp hơn con số công bố của các nền kinh tế khác trên thế giới. Các dữ liệu thu thập và tính toán dựa trên mô hình dự báo hiện đại nhất được Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra thì lạm phát năm 2022 của Việt Nam cũng không vượt qua con số 3,8%.
Mặc dù lạm phát hiện đang ở mức thấp nhưng nhiều ý kiến cho rằng, lạm phát vẫn luôn “chực chờ” bùng phát. Ông có khuyến nghị gì về điều hành CSTT của NHNN những tháng cuối năm?
Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên và xin nhắc lại Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân tính toán, khẳng định rằng, CPI của Việt Nam đến hết năm 2022 sẽ không vượt quá con số 3,8%, tức là thành công hơn cả mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đặt ra. Tôi cũng thống nhất cao với đánh giá của NHNN, đó là, từ đầu năm 2022, tại Việt Nam, lạm phát được đánh giá chủ yếu có nguyên nhân do cầu kéo, chi phí đẩy.
Có thể nói, thời gian qua, NHNN đã điều hành CSTT khá chủ động và linh hoạt. Những kết quả vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam 9 tháng qua, đặc biệt là kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng… có sự đóng góp rất lớn của NHNN trong điều hành CSTT.
Trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng an toàn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch và tận dụng các lợi thế của Hiệp định thương mại tự do với các nước, với những diễn biến từ thực tế, theo quan điểm của tôi, NHNN cần điều hành linh hoạt CSTT hơn nữa, cũng như cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan trong điều hành CSTT, chính sách tài chính, chính sách thương mại và chính sách đầu tư.
Cụ thể, NHNN cần nghiên cứu và thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, NHNN chủ động hơn trong điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong từng giai đoạn ngắn, để giúp khai thác tối đa các nguồn lực của nền kinh tế trong bối cảnh tận dụng thời cơ thực hiện các FTA.
Hai là, NHNN cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp và các công cụ điều hành chính sách. Cụ thể như việc xác định và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng cần được dựa trên cơ sở phân tích sát thực tế hơn về tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, không nên chỉ giải thích chung chung là căn cứ vào xếp hạng theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN.
Ba là, Bộ Tài chính, NHNN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần phối hợp đánh giá thực trạng cho vay, bảo lãnh, hỗ trợ DNNVV của các Tổ chức trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có kiến nghị kịp thời, điều chỉnh phù hợp, sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính công, tinh giản bộ máy và biên chế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!