Không thiếu hàng hóa đáp ứng cho thị trường
Đồng thời, các cơ quan chức năng của thành phố cũng khuyến cáo, người dân hết sức bình tĩnh, không nên tích trữ quá nhiều gây ra khan hiếm cục bộ, có thể dẫn đến việc các tư thương lợi dụng cơ hội đẩy giá…
Sau đây là một số ý kiến lãnh đạo chính quyền, cơ quan chức năng và DN tại Đà Nẵng.
Người tiêu dùng bình tĩnh, lương thực thực phẩm không thiếu |
UBND TP. Đà Nẵng
Ngay khi có thông tin 2 du khách người Anh đến Đà Nẵng dương tính với Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký ban hành Công văn số 1345/UBND-SCT về việc tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế mua, tích trữ lương thực, thực phẩm phòng chống Covid-19.
Công văn yêu cầu các Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn TP. Đà Nẵng tăng cường phát huy vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, DN và người dân trên địa bàn quản lý phải giữ tâm lý bình tĩnh, không hoang mang vì tại Đà Nẵng luôn có đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn; khuyến cáo người dân không cần thiết phải mua tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm với số lượng lớn.
UBND thành phố giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục làm việc với các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn về thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa và bảo đảm cung cấp đủ cho người dân cũng như công tác phòng, chống Covid-19. Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá, bán hàng không niêm yết giá hoặc bán hàng không theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng
Ngành Công thương thành phố đã làm việc với các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị. Các chợ trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Hiện tại các chợ, lượng hàng hóa trái cây, rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm nhập về các chợ dồi dào, giá cả bình ổn.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail (quản lý vận hành Hệ thống siêu thị Big C và GO!)
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Big C đã tăng cường khuyến cáo khách hàng đeo khẩu trang, trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại cửa ra vào siêu thị và phun thuốc khử khuẩn trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, Big C cũng triển khai chương trình bán hàng qua điện thoại; Áp dụng chính sách bán hàng qua điện thoại, đối với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, trong phạm vi 10 km. Sắp tới Big C sẽ đẩy mạnh chương trình này.
Về phương án bình ổn giá cả, Big C làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa. Hiện, hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm trên toàn hệ thống rất dồi dào. Cụ thể, thực phẩm thiết yếu như gạo, mì gói, đồ hộp, Big C và GO! có đủ lượng lượng hàng dự phòng đủ trong 1 tháng rưỡi (tính từ đầu tháng 3/2020) để cung cấp cho khách hàng. Big C cam kết không tăng giá hàng hóa, những ngày tới, người dân có thể yên tâm mua sắm tại Big C.
Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển chợ Đà Nẵng
Ngay trong những ngày này, tiểu thương tại các chợ đã chủ động có kế hoạch tăng cường nguồn hàng nhập về nên hoạt động mua bán không có biến động lớn về giá cả, trừ mặt hàng thịt lợn có tăng lên.
Theo đó, mức tăng dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg thịt heo các loại. Trong đó, thịt lợn từ nhà cung ứng thứ cấp trong hai ngày qua tăng từ 115.000 đồng/kg lên 135.000 đồng/kg (loại nguyên khối chưa xẻ), dẫn tới giá thịt lợn thành phẩm bán ra tại các chợ vào sáng 9/3/2020 tăng từ 190.000 đồng lên 220.000 đồng/kg đối với sườn non và ba chỉ; 60.000 đồng lên 100.000 đồng/kg đối với xương ống. Đặc biệt, tăng mạnh nhất là thịt mông, vai, từ 160.000 đồng lên 200.000 đồng/kg.
Ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng, Cục quản lý thị trường (QLTT) TP. Đà Nẵng
Trước tình hình sức mua của người dân tăng mạnh do ảnh hưởng tâm lý của dịch bệnh, ngày 8/3/2020, Cục QLTT TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc ra quân tiến hành giám sát tình hình thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, để tránh xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng đối với các mặt hàng này nhằm bình ổn tình hình thị trường trên địa bàn.
Qua công tác kiểm tra thực tế cho thấy, hàng hóa, nhu cầu thiết yếu trên địa bàn vẫn bình ổn, nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định không có gì biến động lớn. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Cục QLTT TP. Đà Nẵng có kế hoạch, tổ chức kiểm tra thường xuyên kịp thời xử lý những trường hợp lợi dụng ảnh hưởng dịch Covid-19 để bán hàng không rõ nguồn gốc, nâng giá bất hợp lý… đảm bảo ổn định thị trường, cung ứng đủ hàng hóa, thiết yếu cho người tiêu dùng.